Giải pháp nào để phong hàm giáo sư đi vào thực chất?

Trong bài viết này, tác giả điểm qua những cải tiến trong quy trình xét giáo sư, làm cơ sở đưa ra giải pháp để việc phong giáo sư đi vào thực chất.

Năm nào cũng vậy, sau khi Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách các nhà khoa học đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thì dư luận đều có ý kiến khen chê, góp ý, biểu dương các giáo sư trẻ, v.v...

Phải thừa nhận rằng mặc dù còn có ý kiến trái chiều, nhưng nhìn chung, càng về sau, việc xét chức danh giáo sư, phó giáo sư ngày càng tiến bộ, được sự đồng thuận của giới học thuật trong và ngoài nước.

Trong bài viết này, tác giả điểm qua những cải tiến trong quy trình xét giáo sư, từ đó làm cơ sở đưa ra giải pháp để việc phong giáo sư Việt Nam đi vào thực chất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáo sư chức danh và giáo sư chức vụ theo thăng trầm của lịch sử

Trước hết cần phải trả lời rõ câu hỏi: Giáo sư là chức danh hay chức vụ?

Theo Nghị định số 153-HĐBT, ngày 25 tháng 9 năm 1989 [1], Việt Nam xem Giáo sư là chức danh để vinh danh các nhà giáo nhà khoa học.

Khi Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước (trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng) thông qua, các nhà khoa học đạt chức danh giáo sư đều được tôn vinh.

Chức danh giáo sư được gắn mác suốt cuộc đời, không phụ thuộc tuổi tác, đang làm việc hay đã nghỉ hưu, không hạn chế số lượng và cũng không thể tước bỏ trừ trường hợp rất đặc biệt.

Giáo sư chức danh phần nào giống như danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú… chỉ có hình thức phong tặng, vinh danh không thể có bổ nhiệm.

Sau năm 2008, khi triển khai Quyết định 174/2008/QĐ-TTg (viết tắt Quyết định 174), chức danh giáo sư khi được bổ nhiệm được xem như là một chức vụ khoa học.

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chỉ có nhiệm vụ xét công nhận đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.

Các nhà khoa học đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư phải được cơ sở đào tạo nào đó bổ nhiệm mới được gọi là giáo sư, phó giáo sư.

Giáo sư chức vụ luôn gắn với cơ sở đào tạo bổ nhiệm, ví dụ giáo sư Đại học Bách Khoa Hà Nội, giáo sư Trường Đại học Kinh tế quốc dân…

Khi giáo sư đó về hưu, chuyển công tác khác, hoặc không xứng đáng nữa thì miễn nhiệm và đương nhiên không có giáo sư, phó giáo sư suốt đời như trước 2008.

Mấy năm đầu triển khai Quyết định 174, từ 2009 đến 2015, do “quán tính” về nhận thức, thuật ngữ “giáo sư” vẫn được xem như một biểu tượng để vinh danh.

Đây là thời kỳ “nhập nhằng” giáo sư vừa là chức danh vừa là chức vụ. Nghĩa là, sau khi đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, nhà nước vẫn tổ chức tôn vinh chức danh giáo sư tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (có năm tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia), sau đó về cơ sở đào tạo bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Khi được bổ nhiệm xong về địa phương tổ chức “Vinh quy bái tổ”, được lãnh đạo tỉnh mở tiệc chiêu đãi xem như niềm tự hào của địa phương...

Do có sự “nhập nhằng” này mà có không ít chuyện cười ra nước mắt. Có giảng viên được xét đủ tiêu chuẩn giáo sư được vinh danh nhưng khi về trường lại không được bổ nhiệm và đương nhiên không được gắn “mác” giáo sư.

Bởi thế mới có chuyện khôi hài, Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư do Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ký (Chủ tịch Hội đồng thường là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhưng về trường đại học (cấp dưới), Hiệu trưởng lại có thể ký quyết định không đạt phiếu bổ nhiệm, sinh ra chuyện “phép Vua thua lệ làng”, rồi chuyện “chạy bổ nhiệm” giáo sư...

Từ thực tế bất cập này, từ năm 2018 đến nay, hàng năm những nhà khoa học được xét đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước sẽ gửi các giấy chứng nhận đó về cơ sở đào tạo để làm thủ tục bổ nhiệm giáo sư, không còn hình thức vinh danh tốn kém nữa.

Những giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo sư, phó giáo sư

Từng bước giao cơ sở đào tạo tự xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư

Nhiều ý kiến [2] cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học thì cũng nên giao cho các trường tự xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đưa ra tiêu chí tối thiểu về giáo sư, phó giáo sư, trên cơ sở đó, các trường đại học xây dựng tiêu chí cho giáo sư, phó giáo sư của trường mình sao cho bằng hoặc cao hơn tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát các trường đại học trong quá trình xét công nhận chức danh giáo sư.

Những ý kiến này mới nghe rất có lý, nhưng phân tích ở mọi khía cạnh về văn hóa tạm thời chưa nên thực hiện ngay, vì:

Thứ nhất: Trong thực tế gần 25 năm qua, các trường đại học có Hội đồng giáo sư cơ sở đã được quyền xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các giảng viên do trường mình quản lý.

Tuy nhiên, sau khi qua Hội đồng giáo sư cơ sở, bước tiếp theo là đến Hội đồng giáo sư ngành rồi đến Hội đồng giáo sư nhà nước. Nay giao toàn quyền cho các trường đại học xét đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư đồng nghĩa bỏ Hội đồng giáo sư ngành và Hội đồng giáo sư nhà nước.

Qua 3 Hội đồng giáo sư mà vẫn còn nhiều ý kiến tiêu cực, chưa bảo đảm chất lượng, nay chỉ duy trì 01 Hội đồng cấp cơ sở rồi tiến đến xét bổ nhiệm luôn liệu có phải là bài toán tối ưu không?

Thứ hai: Trước đây trường đại học là nơi đào tạo những thành phần tinh hoa nhân tài cho đất nước, chỉ có những học sinh ưu tú xuất sắc mới bước chân vào giảng đường đại học.

Trong kinh tế thị trường, ngoài đại học tinh hoa còn có đại học đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người, do đó làm gia tăng các trường đại học.

Khi giao cho các trường đại học được xét công nhận giáo sư, phó giáo sư có thể sẽ dẫn đến "lạm phát" giáo sư, phó giáo sư.

Theo ý kiến riêng của tác giả, việc duy trì 3 cấp Hội đồng giáo sư như hiện nay nhằm đảm bảo chất lượng cũng như đảm bảo uy tín của các giáo sư đúng chuẩn đã được xét bổ nhiệm. Nhưng về lâu dài để phù hợp với Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao cơ sở đào tạo tự xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Trong tương lai, tiến tới chọn một số đại học có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư mạnh được giao toàn quyền xét công nhận bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư như: Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội…

Đối với các trường khác, dựa trên kết quả kiểm định chất lượng đào tạo của từng trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ từng bước giao các trường đại học đạt chuẩn được phép tự xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.

Làm như vậy sẽ kích thích các trường đại học top dưới muốn được xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho giảng viên trường mình sẽ phải phấn đấu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển chọn những giáo sư, phó giáo sư, những tiến sĩ giỏi về trường mình công tác giảng dạy.

Tăng tiêu chí công bố quốc tế trong hồ sơ xét giáo sư, phó giáo sư

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg [3] (Quyết định 37), tiêu chuẩn cứng của giáo sư, phó giáo sư phải có số lượng bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín…

Nhờ “nâng chuẩn” như vậy mà từ năm 2019 đến nay, chất lượng giáo sư, phó giáo sư Việt nam ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn có các nhà khoa học chưa đồng tình áp dụng Quyết định 37 đối với ngành khoa học xã hội. [4]

Tuy nhiên, theo người viết, vẫn nên duy trì Quyết định 37 đối với ngành khoa học xã hội để giáo sư Việt Nam dần dần tiệm cận với thế giới và đảm bảo mặt bằng chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư trên cả nước.

Lý do những ngành tăng giáo sư, phó giáo sư những ngành giảm và giải pháp khắc phục

Những năm gần đây, đặc biệt năm 2023 có 2 ngành nhiều giáo sư, phó giáo sư nhất là ngành y học (63 giáo sư, phó giáo sư) và kinh tế (92 giáo sư, phó giáo sư). Ngành sử học và khảo cổ học ít nhất (3 phó giáo sư),… tạo nên sự mất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, trong khuôn khổ của tạp chí, tác giả chia sẻ một số quan điểm lý giải sự tăng giáo sư, phó giáo sư của ngành y và sự giảm giáo sư, phó giáo sư của ngành sử học.

Vào bệnh viện công hay bệnh viện tư dễ dàng nhận ra sự khác biệt về giá khám bệnh của các giáo sư và bác sĩ. Cụ thể ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, giáo sư, phó giáo sư khám bệnh với mức 300 nghìn đồng - 500 nghìn đồng/1 người, bác sĩ khám 40 nghìn đồng/1 người.

Tác giả đã “mục sở thị” trải nghiệm đi khám vết nám da trên mặt ở một bệnh viện chuyên về da liễu, cả giáo sư và bác sĩ đều chẩn đoán và kê đơn thuốc như nhau. Nhưng người dân ở khắp nơi khi đã đến bệnh viện chọn khám dịch vụ luôn xếp hàng chờ giáo sư khám.

Theo người viết, người dân cũng như các bệnh viện trọng dụng giáo sư, phó giáo sư là động lực để các bác sĩ phấn đấu trở thành giáo sư, phó giáo sư.

Theo ý kiến tác giả, việc gia tăng giáo sư, phó giáo sư ngành y là một tín hiệu tốt vừa bảo đảm các giáo sư, phó giáo sư ngành y có thêm cơ hội cống hiến, người dân được thụ hưởng chất xám của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm.

Đối với ngành sử học, mỗi năm cả nước chỉ có thêm 3 phó giáo sư là điều đáng lo ngại. Ngoài lý do ngành sử khó công bố quốc tế, còn có lý do khác, đó là sự ra đời của Nghị định 50/2022/NĐ-CP [5].

Theo Nghị định 50, các giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm (nghị định cũ giáo sư kéo dài 10 năm). Giáo sư, phó giáo sư sử học luôn gắn với trường đại học công lập các viện nghiên cứu quốc gia…

Vì vậy, các nhà sử học là phó giáo sư khi gần đến tuổi 65 thường không có động lực muốn phấn đấu lên giáo sư, vì… sắp chuẩn bị nghỉ hưu. Khác với ngành y có bệnh viện tư “chào mời” các giáo sư y học nghỉ hưu, còn các giáo sư, phó giáo sư sử học và một số ngành khoa học cơ bản khi nghỉ hưu, rất ít tổ chức tư nhân mời chào.

Do đặc thù như vậy, Nhà nước nên có chính sách đối với các ngành ít giáo sư, phó giáo sư. Có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu cho đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ngành sử học và những ngành ít giáo sư, phó giáo sư.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-153-HDBT-thanh-lap-Hoi-dong-xet-duyet-hoc-vi-va-chuc-danh-khoa-hoc-Nha-nuoc-37837.aspx

[2]https://baochinhphu.vn/bo-nhiem-chuc-danh-giao-su-pho-giao-su-quy-trinh-va-y-kien-lien-quan-102190676.htm

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-37-2018-QD-TTg-thu-tuc-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-va-bo-nhiem-giao-su-pho-giao-su-394211.aspx

[4] https://giaoduc.net.vn/so-luong-gs-pgs-it-oi-chu-tich-hdgs-lien-nganh-su-khao-co-dan-toc-tam-tu-post239526.gd

[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-50-2022-ND-CP-nghi-huu-o-tuoi-cao-hon-doi-voi-vien-chuc-don-vi-su-nghiep-504832.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

PGS. TS Ngô Tứ Thành

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giai-phap-nao-de-phong-ham-giao-su-di-vao-thuc-chat-post239836.gd
Zalo