Khánh Hòa: 'Trái ngọt' từ những chính sách giảm nghèo
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp về giảm nghèo bền vững. Việc này đã giúp tỉnh gặt hái được nhiều 'trái ngọt', góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về giảm nghèo, đưa 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đảm bảo đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo trong năm nay.

Kết quả ấn tượng từ những nỗ lực
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, tỉnh đặt mục tiêu số hộ nghèo năm 2025 giảm 1/2 so với năm đầu nhiệm kỳ (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025), đồng thời, 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 4 - 5%/năm.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh đều được triển khai thực hiện kịp thời. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường. Các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi... đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo của địa phương. Điều này làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, góp phần giảm số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Khánh Hòa giảm được 8.180 hộ nghèo, vượt hơn 800 hộ nghèo so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số còn khoảng 4.151 hộ, chiếm tỷ lệ 23,5%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ước đạt 7,2%. Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số ước đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng 18,2% so với năm 2023.
Năm 2024, tại tỉnh Khánh Hòa, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; huy động 33% trẻ dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 100% trẻ học tiểu học ra lớp; 98,5% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; 100% đồng bào tham gia Bảo hiểm y tế…
Riêng 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã triển khai hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo và gặt hái được “trái ngọt”. Nếu như đầu năm 2021, huyện Khánh Sơn có 3.530 hộ nghèo, chiếm 47,43% tổng số hộ; thì đến tháng 10/2024 giảm còn 1.620 hộ (giảm 1.910 hộ nghèo), chiếm 24,37%, mức giảm bình quân mỗi năm đạt 7,69%. Năm 2021, huyện Khánh Vĩnh có 4.831 hộ nghèo, chiếm 45,9% tổng số hộ; thì đến tháng 10/2024, giảm còn 1.632 hộ (giảm 3.199 hộ nghèo), chiếm 18,47%, mức giảm bình quân mỗi năm đạt 9,14%.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - ông Nguyễn Sỹ Khánh - cho biết, để đạt được kết quả trên, ngoài việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo, an sinh xã hội như: Chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội…
“Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp còn lồng ghép chặt chẽ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, địa phương đối ứng và huy động các nguồn lực khác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các tiêu chí thiếu hụt của hộ nghèo, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Sỹ Khánh chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều hộ nghèo ở huyện Khánh Vĩnh được hỗ trợ xây nhà. Ảnh: TS
Tiếp tục lồng ghép và triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Nguyễn Tấn Tuân - cho biết, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian tới, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận và hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Song song với đó, tỉnh sẽ chú trọng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối vùng, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn; huy động các nguồn lực khác trong xã hội nhằm nâng cao tính hiệu quả thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động hộ dân chủ động đối ứng kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở và tham gia công tác triển khai các mô hình sinh kế trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo; triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng; lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Khánh Hòa về nghị quyết chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2027; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết về mức trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo. Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả Công điện số 102 ngày 06/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Để công tác giảm nghèo tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo đạt kế hoạch đề ra. Các sở, ngành có liên quan chủ động đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, huyện Khánh Sơn còn 2.014 hộ (trong đó có 1.175 hộ nghèo, 839 hộ cận nghèo); huyện Khánh Vĩnh còn 1.870 hộ (1.262 hộ nghèo, 608 hộ cận nghèo) có nhu cầu hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Do đó, Sở Tài chính cần xem xét, cân đối kinh phí và sớm phân bổ nguồn lực để 2 huyện hoàn thành công tác hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân theo đúng lộ trình…/.
Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), KTNN sẽ triển khai các cuộc kiểm toán Chuyên đề: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 26 địa phương; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang...