Đề xuất quy mô tổ chức lực lượng phòng không nhân dân tại địa phương, cơ quan, doanh nghiệp

Hiện Bộ quốc phòng đang dự thảo Thông tư quy định về trọng điểm phòng không nhân dân và lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

Dự thảo Thông tư quy định về trọng điểm phòng không nhân dân quy định 6 tỉnh, thành phố là trọng điểm phòng không nhân dân quốc gia. Ảnh: ST

Dự thảo Thông tư quy định về trọng điểm phòng không nhân dân quy định 6 tỉnh, thành phố là trọng điểm phòng không nhân dân quốc gia. Ảnh: ST

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định về trọng điểm phòng không nhân dân; thành phần, nhiệm vụ cơ quan tham mưu, giúp việc cho chỉ huy phòng không nhân dân; tổ chức lực lượng phòng không nhân dân; bề mặt giới hạn chướng ngại vật trong khu vực trận địa phòng không; tiêu chí bảo đảm an toàn phòng không và danh mục trang bị cho lực lượng phòng không nhân dân.

6 tỉnh, thành phố là trọng điểm phòng không nhân dân quốc gia

Dự thảo quy định trọng điểm phòng không nhân dân quốc gia là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương thuộc đô thị loại một, là địa bàn chiến lược về quân sự, quốc phòng.

Trọng điểm phòng không nhân dân quốc gia bao gồm: TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, tỉnh Khánh Hòa.

Trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh là những nơi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh quân khu, của tỉnh hoặc những nơi có các mục tiêu trọng yếu, công trình trọng điểm của quốc gia, quân khu, tỉnh.

Tổ chức lực lượng phòng không nhân dân

Về hình thức tổ chức lực lượng phòng không nhân dân, Dự thảo đề xuất: Lực lượng nòng cốt phòng không nhân dân bao gồm lực lượng chuyên trách và lực lượng kiêm nhiệm.

Trong đó, lực lượng chuyên trách là các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ phòng không và đơn vị dự bị động viên chuyên ngành phòng không. Được tổ chức thành các khẩu đội, tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn pháo phòng không, súng máy phòng không; các đài, vọng quan sát phòng không, các tổ bắn mục tiêu bay thấp bằng súng bộ binh và tổ sử dụng, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

Lực lượng kiêm nhiệm là các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên không phải là chuyên ngành phòng không.

Tổ chức biên chế lực lượng nòng cốt phòng không nhân dân thực hiện theo quyết định của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên.

Dự thảo cũng quy định lực lượng phòng không nhân dân rộng rãi được tổ chức thành tổ hoặc đội phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch. Quân số một tổ tối thiểu là 3 đến 5 người, quân số một đội tối thiểu là 9 đến 12 người.

Về quy mô tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong cơ quan, tổ chức, theo Dự thảo, thời bình cơ quan, tổ chức sử dụng lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, quy mô tổ chức như sau:

a) Cơ quan, tổ chức có tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên 45 người thì tổ chức tối thiểu 3 tổ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân;

b) Cơ quan, tổ chức có tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 30 người đến 45 người thì tổ chức tối thiểu 2 tổ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân;

c) Cơ quan, tổ chức có tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 15 người đến dưới 30 người thì tổ chức tối thiểu 1 tổ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân;

d) Cơ quan, tổ chức có tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dưới 15 người thì tổ chức lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo khối tự vệ các cơ quan, tổ chức.

Thời chiến ngoài lực lượng nòng cốt phòng không nhân dân theo quy định nêu trên và huy động bổ sung 2 tổ phòng không nhân dân từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Doanh nghiệp tư nhân tổ chức tối thiểu 1 tổ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Về quy mô tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong doanh nghiệp, Dự thảo đề xuất thời bình doanh nghiệp sử dụng lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, quy mô tổ chức như sau:

a) Doanh nghiệp đã tổ chức lực lượng tự vệ phòng không theo quy định tại Luật Dân quân tự vệ thì do lực lượng tự vệ phòng không kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; (*)

b) Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh, giữ vai trò trọng yếu quốc gia không thuộc quy định tại (*) thì tổ chức tối thiểu 2 tổ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân;

c) Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tùy điều kiện thực tế và nhu cầu bảo vệ an toàn phòng không nhân dân để quyết định quy mô, số lượng cho phù hợp, nhưng tối thiểu tổ chức được 1 tổ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Thời chiến ngoài lực lượng nòng cốt phòng không nhân dân theo quy định trên, doanh nghiệp huy động bổ sung 2 tổ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân từ cán bộ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Hiện Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng./.

Lê Minh

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/de-xuat-quy-mo-to-chuc-luc-luong-phong-khong-nhan-dan-tai-dia-phuong-co-quan-doanh-nghiep-38316.html
Zalo