Giải mã sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam

Bài 2:
NGƯỜI TRƯỚC, SÚNG SAU

BPO - Sức mạnh của một quân đội luôn phụ thuộc vào 2 nhân tố cơ bản là con người và vũ khí. Nhưng nếu con người biết làm ra vũ khí, biết lấy vũ khí của địch để đánh địch, biết cách phát huy cao độ công dụng các loại vũ khí có trong tay thì vũ khí dù có sức công phá đến mấy, vẫn chỉ là vật “vô tri, vô giác” do con người chế tạo, sử dụng. Đó là sự độc đáo, sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) bí mật trở về nước sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Tháng 5-1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng. Hội nghị xác định: Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Dù Đảng ta đã quyết định sẽ giành chính quyền bằng con đường khởi nghĩa vũ trang nhưng một số cán bộ vẫn băn khoăn: Sẽ lấy ở đâu vũ khí để khởi nghĩa? Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì giải thích: “Không sợ thiếu vũ khí. Chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí”; việc khẩn cấp bây giờ là phải xây dựng lực lượng vũ trang, đào luyện con người, mở rộng căn cứ địa.

Chiến sĩ cảm tử Hà Nội sử dụng bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch vào cuối năm 1946 - Ảnh tư liệu

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944 với 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên được trang bị “2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu và súng Tàu chế tạo, 14 khẩu súng kíp” (Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2012, tr.144). Vũ khí không đồng nhất và rất thiếu thốn nên trong 10 lời thề danh dự của đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có lời thề “hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc rèn luyện cho đội ngũ quân nhân tinh thần chịu đựng gian khổ. Đây là điểm khác biệt lớn giữa quân đội đế quốc, quân đội đánh thuê và Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: “Lính Mỹ được trang bị rất đầy đủ, chúng có cả kẹo cao su để nhai cho ngọt miệng. Nhưng chúng thiếu một thứ vũ khí quan trọng nhất, chúng thiếu tinh thần”. Trong khi đó, những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “chỉ cần nắm rau, bát cơm, tí muối là đánh được cả ngày”, chỉ cần “một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ”. Chú trọng yếu tố tinh thần, coi trọng việc xây dựng nhân cách quân nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo cho quân đội ta sức mạnh kỳ diệu như khả năng vô tận của con người.

Với tinh thần tự lực cánh sinh, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng và trực tiếp chỉ dẫn việc tổ chức sản xuất, mua sắm vũ khí cho quân đội. Người đưa kỹ sư Phạm Quang Lễ, tức Giáo sư Trần Đại Nghĩa (1913-1997) từ Pháp về nước để đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quân giới Việt Nam. Việc ngành quân giới non trẻ Việt Nam đã chế tạo thành công đạn Bazooka để bắn xe tăng, súng SKZ, ĐKZ có khả năng tấn công lô cốt đã làm quân Pháp sững sờ, kinh ngạc.

Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước ra đời cách đây 79 năm, ngày 25-12-1945 tại Chiến khu An Sơn (nay thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Chi đội 1 (phụ trách địa bàn Bình Dương, Bình Phước ngày nay) được thành lập theo nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ, chi đội có 3 đại đội (mỗi đại đội tương đương 1 tiểu đoàn). Trong giai đoạn này, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước với nòng cốt là Đại đội 3 trong đội hình Chi đội 1 do đồng chí Huỳnh Kim Chi làm Chi đội trưởng, Nguyễn Văn Thi làm Chi đội phó, Vương Anh Tuấn làm Chính trị viên, với vũ khí rất thô sơ, nhưng với tinh thần “người trước, súng sau” đã kịp thời thúc đẩy, hỗ trợ lực lượng dân quân, du kích, phong trào đấu tranh của công nhân cao su trong các đồn điền ngày càng phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang 3 thứ quân, đánh địch trên khắp các địa bàn trong tỉnh.

Trải qua 79 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước đã từng bước vươn lên về mọi mặt, góp phần quan trọng cùng với nhân dân chiến đấu giải phóng tỉnh nhà và hiện đang thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác quân sự địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.

Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và ứng phó với an ninh phi truyền thống vẫn đang là những thách thức rất lớn. Tình hình này đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, không ngừng gia tăng tiềm lực về mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau” vào quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Ðại tá, nhà báo ÐỖ PHÚ THỌ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/3/166655/giai-ma-suc-manh-quan-doi-nhan-dan-viet-nam
Zalo