Giải mã sức mạnh lá chắn phòng thủ Vòm Vàng trị giá 175 tỷ USD của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức phê duyệt thiết kế cho hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược Vòm Vàng (Golden Dome), đồng thời chỉ định người đứng đầu chương trình quốc phòng có kinh phí lên tới 175 tỷ USD này. Dự án được kỳ vọng sẽ tái định hình toàn diện chiến lược phòng thủ toàn cầu của Mỹ trong kỷ nguyên an ninh mới.

Golden Dome hoạt động như thế nào?

Mục tiêu cốt lõi của Golden Dome là xây dựng một hệ thống phòng thủ tích hợp, dựa trên mạng lưới hàng trăm vệ tinh bay quanh Trái đất, được trang bị cảm biến tiên tiến và công nghệ đánh chặn tối tân, có khả năng phát hiện và phá hủy tên lửa đối phương ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên sau khi phóng – đặc biệt từ các quốc gia như Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga.

“Tôi đã hứa với người dân Mỹ rằng chúng ta sẽ có một lá chắn phòng thủ tên lửa tối tân để bảo vệ đất nước khỏi mọi mối đe dọa từ bên ngoài", Tổng thống Trump tuyên bố trong buổi công bố dự án ngày 20/5.

Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Khác với các hệ thống hiện tại vốn chỉ có thể can thiệp khi tên lửa đang trong quỹ đạo không gian, Golden Dome nhắm đến mục tiêu vô hiệu hóa ngay trong giai đoạn tăng tốc – tức là khi tên lửa mới vừa rời bệ phóng và vẫn còn trong bầu khí quyển, nơi nó di chuyển chậm và dễ dự đoán hơn. Sau khi xác định mục tiêu, Golden Dome sẽ bắn hạ nó trước khi nó bay vào không gian bằng tên lửa đánh chặn hoặc tia laser, hoặc bắn hạ nó trong quá trình bay trong không gian bằng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có sử dụng tên lửa đánh chặn trên bộ đặt tại California và Alaska.

Ở lớp phòng thủ cuối cùng, một mạng lưới các hệ thống đánh chặn sẽ được bố trí bên trong hoặc xung quanh lãnh thổ Mỹ, để xử lý các mối đe dọa nếu chúng vượt qua được vòng ngoài. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc đã từng nghiên cứu phương án này từ nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump.

“Vòm Vàng” có giống “Vòm Sắt” của Israel?

Khi được hỏi về mối liên hệ với hệ thống Iron Dome của Israel, ông Trump khẳng định: “Chúng tôi đã hỗ trợ Israel phát triển hệ thống đó – và nó đã chứng minh hiệu quả tuyệt vời. Giờ đây, công nghệ chúng ta có thậm chí còn tiên tiến hơn nhiều".

Iron Dome là hệ thống phòng không tầm ngắn được Israel phát triển với sự trợ giúp của Mỹ, đi vào hoạt động từ năm 2011, dùng để để đánh chặn các loại tên lửa do Hamas bắn vào Gaza. Hệ thống này sử dụng radar để xác định xem tên lửa có đe dọa khu dân cư hay không – nếu không, nó sẽ được phép rơi mà không bị đánh chặn. Trong trường hợp ngược lại, Iron Dome sẽ phóng tên lửa tự dẫn để tiêu diệt mục tiêu giữa không trung.

Mặc dù ban đầu chỉ bảo vệ trong bán kính 70km, các nhà phân tích tin rằng khả năng của hệ thống này đã được nâng cấp đáng kể trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, Golden Dome là một khái niệm ở quy mô và tầm cỡ chiến lược lớn hơn rất nhiều – không chỉ nhắm vào tên lửa tầm ngắn mà còn bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Một bản nâng cấp của “Chiến tranh giữa các vì sao”?

“Tổng thống Reagan đã khởi đầu một sứ mệnh cách đây 40 năm – và giờ chúng ta sẽ hoàn tất nó: chấm dứt mãi mãi mối đe dọa tên lửa đối với nước Mỹ", ông Trump nói ngày 20/5.

Ý tưởng gắn vũ khí lên vệ tinh để tiêu diệt tên lửa từ không gian không phải là mới. Điều này từng là trọng tâm của Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (Strategic Defense Initiative - SDI), hay còn được biết đến với cái tên “Chiến tranh giữa các vì sao” do Tổng thống Ronald Reagan công bố vào năm 1983. Dự án đó nhắm tới việc xây dựng một hệ thống đa tầng, đủ sức chặn đứng một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn nhắm vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, SDI cuối cùng không thành hiện thực do quá trình thực hiện quá tốn kém, vượt xa năng lực công nghệ thời bấy giờ và vi phạm Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM Treaty). Golden Dome, với những tiến bộ công nghệ ngày nay được xem là sự trở lại mạnh mẽ của giấc mộng phòng thủ không gian nhưng với khả năng hiện thực hóa cao hơn đáng kể.

Ai sẽ xây dựng Vòm Vàng?

Công ty vệ tinh và tên lửa SpaceX của tỷ phú Elon Musk - cố vấn thân cận của ông Trump, đã nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua giành hợp đồng lần này. Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ khác như Palantir Technologies hay Anduril cũng đang bám đuổi sát nút.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 20/5, nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp quốc phòng như L3Harris Technologies, Lockheed Martin và RTX Corp cũng có mặt. L3 đã đầu tư 150 triệu USD để xây dựng cơ sở mới tại Indiana, nơi sẽ sản xuất các vệ tinh cảm biến không gian chuyên biệt để theo dõi các vũ khí siêu vượt âm – một công nghệ sẽ được tích hợp vào Golden Dome.

Tuy nhiên, vấn đề nguồn vốn cho dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đề xuất khoản đầu tư ban đầu 25 tỷ USD cho dự án này như một phần của gói ngân sách quốc phòng lớn hơn trị giá 150 tỷ USD, nhưng khoản tài trợ này gắn liền với một dự luật hòa giải gây tranh cãi đang phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể tại Quốc hội.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/giai-ma-suc-manh-la-chan-phong-thu-vom-vang-tri-gia-175-ty-usd-cua-my-post1201296.vov
Zalo