Giải mã 'bản hòa ca vũ trụ' vang vọng từ khoảng cách 2.700 năm ánh sáng
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học New South Wales (Úc) vừa có phát hiện đột phá khi lắng nghe được những 'giai điệu' kỳ lạ phát ra từ 27 ngôi sao trong cụm sao M67 nơi cách Trái Đất khoảng 2.700 năm ánh sáng.
Những rung động tinh tế này, được ví như “tiếng hát của các vì sao”, hé lộ bí mật về sự tiến hóa của các thiên thể trong vũ trụ.

Cụm sao M67 cách Trái Đất 2.700 năm ánh sáng - Ảnh: NASA
Cụm sao M67, còn được gọi với cái tên ấn tượng là "Hổ Mang Chúa" (King Cobra), chứa hàng loạt ngôi sao có đặc điểm vật lý gần giống nhau, nhưng khối lượng lại khác biệt đáng kể. Nhóm nghiên cứu đã tập trung phân tích 27 ngôi sao trong cụm những “người em” của Trái Đất khi chỉ mới khoảng 4 tỷ năm tuổi, trẻ hơn hành tinh xanh hơn 500 triệu năm.
Điều kỳ diệu nằm ở chỗ, những ngôi sao này không “im lặng” như ta từng nghĩ. Chúng phát ra các dao động có thể phát hiện qua kính thiên văn những dao động ấy giống như các nốt nhạc ngân vang trong không gian. Mỗi ngôi sao sở hữu một “âm sắc” riêng, phản ánh cấu trúc và điều kiện nội tại của nó.
Nhờ vào “bản nhạc vũ trụ” này, các nhà thiên văn học có thể khám phá cách các ngôi sao biến đổi theo thời gian. Dù cùng độ tuổi, nhưng do khối lượng khác nhau, tốc độ tiến hóa của từng ngôi sao cũng không giống nhau. Những dao động - hay “tiếng hát” - mà chúng phát ra trở thành manh mối quan trọng, giúp giải mã hành trình trưởng thành và lão hóa của các ngôi sao.
Việc theo dõi lâu dài những dao động từ cụm M67 không chỉ giúp vẽ nên bức tranh đa dạng về tiến trình tiến hóa sao trong cùng một môi trường, mà còn mở ra cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử của Mặt Trời – ngôi sao trung tâm của hệ Mặt Trời và thậm chí là toàn bộ thiên hà Milky Way.
Vì lẽ đó, các nhà khoa học ví von việc lắng nghe “tiếng hát của các vì sao” như đang vận hành một “cỗ máy thời gian thiên hà”, không chỉ giúp soi sáng quá khứ mà còn mở rộng cánh cửa khám phá vũ trụ trong tương lai.