Kỷ nguyên mới cho y học từ máu của người tiêm nọc rắn suốt 18 năm
Sau 8 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát minh ra một loại huyết thanh kháng nọc độc rắn mới có thể bảo vệ khỏi 19 loại nọc rắn và một loại thuốc ngăn chặn nọc độc dựa trên kháng thể của người đàn ông tự tiêm nọc rắn vào người suốt 18 năm.
Ngày 3-5, nhà miễn dịch học Jacob Glanville và đồng sự - GS. Peter Kwong (ĐH Columbia, Mỹ) công bố nghiên cứu đột phá về huyết thanh kháng 19 loại nọc độc rắn. Trong bài nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện yếu tố chủ chốt: kháng thể trong máu của người đàn ông tự tiêm hàng trăm loại nọc rắn vào người, theo đài CNN.
Người đàn ông tự tiêm nọc rắn suốt 18 năm
Năm 2017, ông Jacob Glanville đã tình cờ phát hiện các bài báo về ông Tim Friede - một chuyên gia tự đào tạo về rắn đã hàng trăm lần tự tiêm nọc độc của một số loài rắn độc nhất thế giới, bao gồm rắn hổ mang, rắn mamba và rắn đuôi chuông trong gần 18 năm và đã có khả năng miễn dịch với chất độc thần kinh có trong nọc rắn.
“Theo tôi biết, ông Tim Friede có một quá khứ vô song. Ông ấy đã tự tiêm vào người hàng trăm loại nọc rắn luân phiên từ các loài riêng biệt, đa dạng khắp mọi châu lục và đã ghi chép tỉ mỉ về điều này trong suốt 17 năm 9 tháng” - ông Glanville cho biết.

Ông Tim Friede - chuyên gia tự học về rắn cắn đã góp phần tạo đột phá cho nghiên cứu huyết thanh kháng nọc độc rắn. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, ông Glanville cũng cảnh cáo mọi người không được mô phỏng hành vi của ông Friede vì tính nguy hiểm và khó lường của nọc rắn. Ông Friede cũng đã từ bỏ việc tự tiêm nọc rắn vào năm 2018 sau nhiều lần may mắn thoát chết. Hiện ông Friede đang làm việc cho Công ty Công nghệ sinh học Centivax do ông Glanville làm chủ tịch.
Cơn ‘đau đầu kinh niên’ vì nọc rắn
Lần đầu tiên được điều chế vào cuối thế kỷ 19, huyết thanh kháng nọc độc rắn đã không có nhiều tiến triển đáng kể về quy trình sản xuất kể từ thời điểm đó.
Để sản xuất huyết thanh kháng nọc độc rắn, người điều chế sẽ vắt nọc rắn thủ công và tiêm liều nhỏ vào ngựa hoặc các loài động vật khác để kích thích phản ứng miễn dịch của chúng. Sau đó, các nhà khoa học sẽ chiết máu của động vật thí nghiệm và tinh chế để thu các kháng thể có thể chống lại nọc rắn.
Tuy nhiên, quy trình này có thể rất lộn xộn và nguy hiểm, đồng thời rất dễ xảy ra lỗi, gây uổng phí công sức và tài nguyên. Huyết thanh thành phẩm cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nhiều chuyên gia từ lâu đã kêu gọi đầu tư nghiên cứu cho các phương pháp trị độc từ rắn trong bối cảnh nọc rắn giết chết 200 người/ ngày và khiến 400.000 người bị tàn tật/năm. Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) cũng đã thêm độc rắn vào danh sách các bệnh nhiệt đới bị lãng quên vào năm 2017.
Thế nên, việc ông Friede tự tạo kháng thể chống lại nhiều loại độc tố thần kinh của rắn là một cơ hội mới đối với ông Glanville để có thể giải quyết vấn đề tưởng chừng như nhức nhối này.
Tiềm năng đột phá
Vào năm 2017, ông Friede đã hiến tặng 40 ml máu của mình cho ông Glanville và các đồng nghiệp.
Từ mẫu máu của ông Friede, các nhà nghiên cứu thuộc Centivax đã phân lập những kháng thể có phản ứng với các loại độc tố thần kinh trong nọc độc của 19 loài rắn. Sau đó, họ cho thử nghiệm lần lượt các kháng thể này lên 19 con chuột thí nghiệm đã được tiêm 19 loại nọc rắn. Các loài rắn được thử nghiệm bao gồm rắn san hô, rắn mamba, rắn hổ mang, rắn taipan bản địa của Úc, rắn cạp nia và nhiều loài rắn khác.
Việc thử nghiệm này cho phép các nhà khoa học nắm bắt chính xác số lượng thành phần kháng thể tối thiểu cần thiết để trung hòa các loại nọc rắn.
Huyết thanh thành phẩm được công bố bao gồm 2 kháng thể được phân lập từ máu của ông Friede và thuốc Varespladib phân tử nhỏ có tác dụng ức chế enzyme trong 95% tất cả vết rắn cắn. Hiện huyết thanh kháng nọc độc rắn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người.
Kháng thể đầu tiên, được gọi là LNX-D09, đã bảo vệ những con chuột thí nghiệm khỏi cái chết từ liều độc của 6 loài rắn. Thuốc Varespladib được thêm vào để các con chuột chống chịu được độc của 9 loài rắn khác nhau.
Và cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã bổ sung kháng thể thứ hai từ máu ông Friede, “SNX-B03”, nhằm mở rộng khả năng kháng nọc rắn của huyết thanh lên 19 loài.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng huyết thanh kháng nọc độc rắn chỉ có tác dụng kháng độc 100% với 13 loài rắn, kháng độc một phần (từ 20% đến 40%) đối với 6 loài còn lại.

Ông Tim Friede (giữa) và đồng nghiệp làm công tác nghiên cứu huyết thanh kháng nọc độc rắn tại Centivax. Ảnh: CNN
Nhà dược lý học về rắn cắn tại ĐH Lancaster (Anh) - ông Steven Hall cho biết đây là “một cách rất thông minh và sáng tạo” để điều chế huyết thanh kháng nọc rắn. Ông Hall cho biết huyết thanh đến từ kháng thể của con người có thể sẽ có ít tác dụng phụ hơn so với cách truyền thống.
“Nếu huyết thanh này vượt qua vòng lâm sàng và được đưa vào phòng khám để chữa trị về lâu dài, thì đây sẽ là một cuộc cách mạng. Trên thực tế, huyết thanh này sẽ thay đổi hoàn toàn [phương thức] điều trị rắn cắn” - ông Hall nhận định.
GS. Kwong - đồng tác giả của phát minh - cho biết nghiên cứu hiện tại chỉ tập trung vào họ rắn hổ chứ chưa bao gồm họ rắn lục - một nhóm rắn độc lớn khác bao gồm rắn đuôi chuông, rắn lục vảy cưa và các loài khác thuộc họ này. Thế nên nhóm nghiên cứu cũng đang tiến hành nghiên cứu những kháng thể khác từ máu của ông Friede để tìm phương thức giải nọc rắn từ họ rắn lục này.
“Sản phẩm cuối cùng được cân nhắc sẽ là một loại huyết thanh hỗn hợp toàn diện, hoặc chúng tôi có khả năng sẽ tạo ra hai loại huyết thanh: một loại dành cho rắn hổ mang và một loại dành cho rắn lục, vì một số khu vực trên thế giới chỉ có một trong hai loại” - ông Kwong cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng đang suy xét việc nghiên cứu thực địa tại Úc - nơi chỉ có rắn hổ mang và cho thử nghiệm huyết thanh kháng nọc độc rắn lên những chú chó không may bị rắn cắn.