Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên: Tự chủ tuyển dụng gắn với tăng trách nhiệmBài 2: Gỡ nút thắt từ giao quyền tự chủ tuyển dụng
Để giải 'bài toán' thừa, thiếu giáo viên cục bộ, các chuyên gia cho rằng, việc giao ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì tuyển dụng giáo viên sẽ gỡ được nút thắt này và quan trọng hơn là gắn kết chặt chẽ giữa các khâu đào tạo - tuyển dụng và sử dụng giáo viên.
Dự thảo Luật Nhà giáo lần đầu tiên được trình tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã đề cập rõ sự cần thiết cũng như thẩm quyền tuyển dụng giáo viên.
![Giáo viên trung học phổ thông Hà Nội tham dự hội thi dạy giỏi cấp thành phố, tháng 2-2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_8_51463014/e1e5b977893960673928.jpg)
Giáo viên trung học phổ thông Hà Nội tham dự hội thi dạy giỏi cấp thành phố, tháng 2-2025.
Ứng tuyển giáo viên phải qua thực hành sư phạm
Cả nước hiện có gần 1,6 triệu nhà giáo, chiếm số lượng lớn trong tổng số nguồn nhân lực của quốc gia, đồng thời chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số viên chức của các ngành, lĩnh vực. Nhà giáo có hoạt động nghề nghiệp đặc biệt với sản phẩm là nhân cách người học, đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong dạy học, hướng dẫn, tư vấn, truyền cảm hứng cho học sinh, là "cầu nối" chuyển giao tri thức, ý tưởng, kỹ năng, thái độ sống…
Nhằm tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo có động lực làm việc lớn nhất, đóng góp cho nền giáo dục và đào tạo nhiều nhất, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, trong đó đáng chú ý là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc được giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên, từ đó tăng quyền chủ động trong điều tiết nhân sự cũng như bảo đảm các điều kiện tốt nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới mang tính đột phá, trong đó đề xuất: Thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, phân quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng. Còn việc tuyển dụng nhà giáo làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở. Phương thức tuyển dụng có thể được áp dụng là xét tuyển hoặc thi tuyển.
Điểm mới đáng chú ý trong quy định tuyển dụng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tại dự thảo Luật Nhà giáo là: Thực hành sư phạm là nội dung phải có trong khâu tuyển dụng giáo viên vào các cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đề xuất này nhằm bảo đảm tính đặc thù nghề nghiệp, chọn được người đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp, tránh những “sự cố” đáng tiếc.
Một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ, do không được trực tiếp tham gia khâu tuyển dụng, đến khi nhận bàn giao nhân sự, phân công nhiệm vụ giảng dạy, nhà trường mới phát hiện giáo viên nói ngọng, có người nói tiếng địa phương khá nặng hoặc có khó khăn trong việc truyền đạt ngôn ngữ… Việc này khiến các trường khó bố trí, sắp xếp công việc, trong khi đó, việc dạy học sinh cấp tiểu học đòi hỏi giáo viên trước hết phải phát âm chuẩn, nói chuẩn…
Là sinh viên năm thứ hai Khoa Sư phạm Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Thu Trang bày tỏ: “Thực hành sư phạm là khâu khó, nhưng qua đó giúp ứng viên thể hiện được năng lực cần thiết của nhà giáo, đặc biệt là các kỹ năng truyền đạt, chia sẻ, lắng nghe. Em mong muốn quy định này sớm được áp dụng, giúp tân sinh viên sư phạm có cơ hội thể hiện năng lực cũng như sự nỗ lực để được tuyển chọn vào đội ngũ người thầy”.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần được trao quyền tuyển dụng
Lý giải về việc cần thiết giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc tuyển dụng giáo viên, đại diện ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cho rằng, việc cơ quan quản lý giáo dục thực hiện tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ giúp việc tuyển dụng bám sát yêu cầu chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, kỹ năng thực hành sư phạm của người được tuyển dụng. Điều này còn giúp ngành Giáo dục và Đào tạo tuyển được người đủ năng lực trở thành nhà giáo; đồng thời chủ động trong điều động, bố trí, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhất là ở một số môn học đặc thù.
Đồng quan điểm, nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng, hệ quả của việc thiếu vai trò chủ trì của ngành Giáo dục và Đào tạo trong khâu tuyển dụng thể hiện rõ trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 những năm qua. Nhiều địa phương không thể tuyển dụng được giáo viên, không tổ chức dạy học được một số môn đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh… Vì thế, nếu ngành Giáo dục và Đào tạo được chủ động tuyển dụng thì việc tuyển dụng có thể tổ chức thường xuyên hơn, kịp thời đáp ứng nhu cầu khi địa phương, nhà trường xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Việc điều tiết nhân lực làm việc tại các trường thuộc phạm vi quản lý cũng sẽ thuận lợi và kịp thời hơn, hạn chế việc thừa, thiếu cục bộ. Đây cũng là giải pháp mà ngành Giáo dục và Đào tạo mong muốn để chủ động điều tiết nguồn nhân lực phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc liệu giao quyền cho ngành Giáo dục và Đào tạo hoặc trực tiếp là cơ sở giáo dục tuyển dụng, sử dụng giáo viên có dẫn đến tình trạng “phình” biên chế, hoặc các hành vi tiêu cực hay không; Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức khẳng định, không thể xảy ra tình trạng này, bởi việc tuyển dụng giáo viên nằm trong số chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao, căn cứ theo quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, được ngành Nội vụ thẩm tra, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Để ngăn chặn tiêu cực, bảo đảm chất lượng tuyển dụng theo quy định, cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo sẽ ban hành hướng dẫn thi hành, trong đó quy định quy trình, thủ tục, điều kiện tuyển dụng cũng như hướng dẫn việc tiếp nhận, chế độ tập sự, thử việc… làm căn cứ triển khai thuận lợi, minh bạch.
Ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, đồng thời có cơ chế giám sát đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
(Còn nữa)