Giải bài toán 'thừa thầy, thiếu thợ' trên công trường giao thông lớn
Mô hình huấn luyện thực hành tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng đang mở ra cách thức đào tạo mới, giúp học viên tích lũy kinh nghiệm xử lý tình huống thực tế, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.
Thành thạo quy trình vận hành sau vài buổi va vấp thực tế
Một ngày cuối tháng 4, gần 7h sáng trên công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lỳ A Chớ, học viên lớp 56NĐ1 Khoa Công trình, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1 (Trường Cao đẳng GTVT TW 1) nhanh chóng bắt tay vào công việc tại Km56.

Học viên Trường Cao đẳng GTVT TW 1 được hướng dẫn vận hành máy móc ngay tại dự án.
Sau một hồi kiểm tra máy móc, Chớ thực hiện thuần thục các thao tác vận hành chiếc máy lu, tham gia thi công hạng mục nền đường.
Từng tham gia thực hành lái xe trong quá trình học ở trường, song, Lỳ A Chớ thừa nhận tần suất được tiếp cận máy móc chưa nhiều.
"Trăm hay không bằng tay quen", bước vào thi công thực tế, có nhiều phân đoạn khó không thể tự tìm lời giải, học viên đã được các thầy giáo, công nhân lành nghề hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, có thể ứng dụng hiệu quả kiến thức học được trên giảng đường vào thực tiễn", Lỳ A Chớ chia sẻ.
Được biết, Lỳ A Chớ là một trong 28 học viên của Trường Cao đẳng GTVT TW 1 được điều động lên thực tập và trực tiếp tham gia thi công trên công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong vòng 60 ngày.
Không chỉ học hỏi, tích lũy kiến thức chuyên môn, các học viên còn được rèn luyện tác phong làm việc trong môi trường có tính kỷ luật cao như hàng nghìn kỹ sư, công nhân khác.
Mỗi ngày, học viên thực tập sẽ thức dậy từ 5h sáng, khởi động ca làm việc trong khoảng thời gian từ 6h30 -7h, nghỉ trưa trong khoảng 2 giờ đồng hồ và tiếp tục công việc cho đến 17h.
Trực tiếp quản lý một nhóm 9 học viên, thầy Chu Đặng Quý, giảng viên Khoa Công trình Trường Cao đẳng GTVT TW 1 cho biết, phần lớn các học viên đang ở độ tuổi ngồi ghế nhà trường, chưa va vấp kinh nghiệm thực tế.
Thế nhưng, chỉ sau vài buổi thực địa, tất cả đều đã nắm được quy trình vận hành máy móc và bắt nhịp với các nguyên tắc, kỷ cương trên công trường, từ cách giao tiếp giữa đồng nghiệp với nhau đến việc chấp hành các quy định an toàn trong vận hành máy móc.
"Giai đoạn đầu, các học viên được giao vận hành xe lu dễ tiếp cận và thực hành. Sau khi thành thạo, các em được hướng dẫn vận hành máy xúc, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Với chương trình đào tạo bài bản, học viên tham gia khóa đào tạo đều nhanh chóng thích nghi, bước đầu đáp ứng các yêu cầu đặt ra", giảng viên Chu Đặng Quý nhận định.

Các học viên được chia sẻ quy trình, quy định thi công an toàn tại công trường.
Nhân rộng mô hình, giải bài toán "khát" nhân lực của nhà thầu
Bước vào giai đoạn tăng tốc, áp lực tiến độ của hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh càng lớn khi thời gian triển khai tiếp tục được nghiên cứu rút ngắn từ 36 tháng xuống 24 tháng để sớm thông tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối mặt với khối lượng công việc "khổng lồ" trong hơn 8 tháng cuối cùng, các nhà thầu đã huy động cả nghìn đầu máy để tăng ca, tăng kíp.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tình trạng "thừa máy, thiếu thợ" vẫn đang xảy ra ở các dự án. Việc tuyển dụng công nhân lái xe và vận hành máy ngày càng khó trong bối cảnh hàng loạt dự án giao thông lớn được triển khai rộng khắp cả nước, nhu cầu nhân lực gia tăng nhanh chóng.
Đối mặt với bài toán "khát" nhân lực, với vai trò nhà đầu tư đứng đầu liên danh tại hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả đã phối hợp với các Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TW1 và TW4 để đặt hàng đào tạo.

Các giảng viên, học viên tham gia khóa đào tạo tại hai dự án cao tốc lớn qua Lạng Sơn, Cao Bằng.
Theo ông Trần Văn Chường, Trưởng khoa Công trình (Trường Cao đẳng GTVT TW 1), đây là cơ hội quý báu đối với cả cơ sở đào tạo, các học viên và doanh nghiệp.
Thông qua mô hình thực tập tại công trường, nhà trường có cơ sở để điều chỉnh chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Học viên được tiếp cận thực tế công việc, nâng cao kỹ năng thực hành và có cơ hội việc làm nếu đáp ứng phù hợp với doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp có thêm lựa chọn tuyển dụng và tiết kiệm chi phí tái đào tạo.
"Đáng mừng hơn khi triển khai các chương trình đào tạo ở công trường, các học viên, giảng viên không chỉ được hỗ trợ chi phí sinh hoạt mà sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí theo tháng nếu kết quả thực tập tốt, đóng góp hiệu quả cho dự án", ông Chường chia sẻ, đồng thời cho biết, thời gian tới, nhà trường sẽ bổ sung thêm 150 - 200 học viên tham gia chương trình thực tập trên.
Trong chuyến công tác kiểm tra hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh ngày 21/4, đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đánh giá cao sáng kiến "biến công trường thành thao trường" của Tập đoàn Đèo Cả.
Nhấn mạnh đây là cơ hội quý giá để học viên các trường cao đẳng nghề giao thông được thực hành, nâng cao năng lực thực tế, Bộ trưởng đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu nhân rộng mô hình này không chỉ ở các dự án cao tốc phía Bắc mà cả ở phía Nam.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nơi các dự án đi qua, Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai chương trình "Công nhân thực hành" và "Kỹ sư thực chiến" với quy mô tuyển sinh 500 - 1.000 học viên mỗi năm.
Trong đó, "Kỹ sư thực chiến" dành cho những học viên đã hoàn thành khóa "Công nhân thực hành", có chính sách tài trợ cho người học đạt thành tích tốt và cam kết cơ hội làm việc tại tập đoàn.