Giải bài toán nguồn vốn để tăng tốc phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội

Để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Xây dựng cho rằng, cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng. Xác định nguồn vốn là vấn đề then chốt, vì vậy, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nhu cầu vốn, để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.

Cần gói vay mới cho nhà ở xã hội

Hiện nay, nhà ở xã hội đang sử dụng 2 nguồn vốn là gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tự cân đối vốn và vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP về nhà ở xã hội từ ngân sách.

Tuy nhiên, gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội vẫn chưa được khai thác triệt để. Theo báo cáo quý III/2024 của Bộ Xây dựng, hiện gói tín dụng này mới giải ngân được 1.783 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,5% tổng vốn. Trong đó, khoảng 1.633 tỷ đồng đã tiếp cận tới 15 dự án. Khoảng 150 tỷ đồng còn lại đến từ người vay mua nhà.

Để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng. Ảnh: TN

Để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Xây dựng cho rằng, cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nhu cầu vốn, để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, tiêu chí, điều kiện vay của gói sẽ áp dụng theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Theo đó, người dân sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng.

Lãi suất của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng sẽ bằng với mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ (hiện đang là 6,6%/năm). Thời hạn vay tối đa 25 năm. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng sẽ kéo dài cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng. Tuy nhiên, thời hạn sẽ không vượt quá ngày 31/12/2030.

Về lộ trình thực hiện, dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2029, mỗi năm, gói sẽ giải ngân khoảng 16.500 tỷ đồng. Riêng năm 2030, số tiền giải ngân sẽ nâng lên thành 17.500 tỷ đồng.

Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp

Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ, để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Dự án nhà ở xã hội do HUD xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TN

Dự án nhà ở xã hội do HUD xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TN

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, gửi hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh cho Bộ Tài chính để trình Thủ tướng phê duyệt, cấp bảo lãnh Chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ, quản lý nguồn vốn theo quy định.

Đồng thời, các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển nhà ở xã hội bền vững và hiệu quả, cần phải ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi và chủ động cho các địa phương trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.

“Để phát triển mạnh mẽ phân khúc nhà ở xã hội, sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt. Theo đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án một cách minh bạch và hiệu quả” - ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội hiện đang phải tự bỏ vốn đầu tư và đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thanh kiểm tra, phê duyệt dự án. Do đó, cần tạo cơ chế hỗ trợ tài chính cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Nếu không có các gói ưu đãi đặc biệt về lãi suất và vốn vay, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Ngoài ra, để đảm bảo nhà ở xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng, cần xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cho phép việc chuyển nhượng dễ dàng hơn. Điều này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm thiểu tình trạng đầu cơ, trục lợi” - ông Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Để tăng tốc phát triển nhà ở xã hội, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, ngoài việc cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, cần xây dựng một Nghị quyết Quốc hội để giải quyết triệt để các bất cập pháp lý liên quan đến nhà ở xã hội và các dự án bất động sản./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-bai-toan-nguon-von-de-tang-toc-phat-trien-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-165535-165535.html
Zalo