Giấc mơ rừng FSC ở thành phố Hòa Bình

Năm 1993, chứng chỉ rừng bền vững - FSC ra đời. Gần đây, FSC trở thành điều kiện bắt buộc để đưa sản phẩm gỗ vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… Do vậy, chứng chỉ này được coi như tấm

Năm 1993, chứng chỉ rừng bền vững - FSC ra đời. Gần đây, FSC trở thành điều kiện bắt buộc để đưa sản phẩm gỗ vào các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… Do vậy, chứng chỉ này được coi như tấm "hộ chiếu xanh” cho những thân gỗ trồng đúng cách, chăm đúng kỳ, khai thác đúng chuẩn. Với hơn 1.449 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, thành phố Hòa Bình bước vào bản đồ quản trị rừng tầm thế giới, bắt đầu từ những cánh rừng trồng nhỏ bé tại các phường, xã: Kỳ Sơn, Mông Hóa, Trung Minh, Quang Tiến...

Công ty TNHH Sơn Thủy (xã Mông Hóa) - đơn vị có diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ FSC lớn của thành phố Hòa Bình, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ rừng bền vững đến chế biến gỗ xuất khẩu.

Công ty TNHH Sơn Thủy (xã Mông Hóa) - đơn vị có diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ FSC lớn của thành phố Hòa Bình, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ rừng bền vững đến chế biến gỗ xuất khẩu.

Để chạm tay vào chứng chỉ FSC danh giá nhất thế giới, thành phố Hòa Bình đã có hành trình không ngắn, không dễ và đủ bền để tạo ra cú bật cho rừng trồng - thứ tài nguyên từng bị nhìn nhận như "vốn lùi” trong phát triển.

Theo đồng chí Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình, khởi nguồn của hành trình này là Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy - văn kiện chiến lược về phát triển bền vững rừng sản xuất đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết không chỉ đưa ra mục tiêu cụ thể, mà quan trọng hơn đã định hình một tư duy quản trị rừng dài hạn: gắn bảo vệ với phát triển, gắn sinh kế với tiêu chuẩn quốc tế, gắn cây rừng với thị trường.

Kỳ Sơn, Mông Hóa, Trung Minh, Quang Tiến... được chọn làm "vùng FSC” tiên phong. Ở đó, người dân không còn trồng keo theo kiểu "bán non” mà chuyển sang mô hình gỗ lớn, gắn với quy trình kỹ thuật thâm canh và kiểm soát nghiêm ngặt. UBND thành phố hỗ trợ từ giống cây - chủ yếu là keo lai nuôi cấy mô, đến phân bón, hướng dẫn lâm sinh và thậm chí là kết nối doanh nghiệp chế biến. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã khiến những cánh rừng tưởng như vô danh bắt đầu có tên, có chuẩn, có cơ hội bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên vùng đất từng quen với kiểu trồng "ăn nhanh”, nay những khu rừng gỗ lớn dần hiện hình thẳng hàng, đều tán, gốc cây mang ký hiệu lâm sinh và chu kỳ khai thác được tính theo năm chứ không còn theo mùa. Gần 1.450 ha rừng FSC không chỉ giúp Hòa Bình tạo nên vùng nguyên liệu sạch, mà còn mở ra mô hình quản trị rừng gắn chặt với thị trường.

Theo báo cáo của UBND thành phố, diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 10 năm tuổi hiện đạt 238,08 ha, với các loài chủ lực như keo, trám, re, trẩu... Đáng chú ý, năng suất rừng trồng tăng mạnh từ 65 m³/ha (năm 2020) lên 76,3 m³/ha hiện nay, trong khi tổng diện tích chuyển hóa từ rừng non sang rừng gỗ lớn đã vượt mốc 1.300 ha. Đây không chỉ là những con số, đằng sau đó là hàng trăm hộ dân đã thay đổi cách làm rừng. Thay vì bán keo non sau 4 - 5 năm như trước, họ chấp nhận chờ đợi thêm vài mùa, đổi lại là gỗ to, đầu ra ổn định và giá bán cao gấp rưỡi. Những người từng chỉ quen cầm cưa, nay bắt đầu cầm bút tính chu kỳ sinh trưởng, tìm hiểu về tiêu chuẩn quốc tế, chủ động liên kết với doanh nghiệp.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình, việc đạt chứng chỉ FSC đồng nghĩa với cam kết lớn: không dùng giống kém chất lượng, không phá rừng tự nhiên, không sử dụng hóa chất cấm, không khai thác kiểu "rút ruột”. Rừng giờ đây là chỗ dựa sinh kế, là tài sản có giá, có chuẩn, có tương lai. Tín hiệu đáng mừng là năm 2024, tổng thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình trong toàn thành phố đạt 65,4 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với năm trước. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác được đạt hơn 59.000 m³, củi gần 10.000 ster, chưa kể tre, luồng, măng, dược liệu, quả rừng… tất cả đều cho thấy một cánh rừng có thể sống khỏe, sống xanh và sinh lời nếu được chăm bằng niềm tin dài hạn.

Từ chỗ là "vành đai xanh” phòng hộ cho đô thị miền núi, những cánh rừng FSC ở Hòa Bình giờ đây còn mang sứ mệnh khác: trở thành vùng nguyên liệu chiến lược, mở cánh cửa cho ngành chế biến gỗ phát triển theo hướng bài bản và hội nhập. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Triều khẳng định: Việc đạt chứng chỉ FSC không chỉ giúp gỗ trồng của thành phố Hòa Bình nói riêng bước chân vào thị trường quốc tế, mà còn tạo tiền đề cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, chuyển từ sản xuất gỗ thô sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Khi gỗ keo, trám, re được quản lý theo chuỗi, gắn vùng trồng với nhà máy chế biến, lợi nhuận không còn bị "cắt khúc” giữa nông dân và doanh nghiệp.

Trong chiến lược lâu dài, thành phố Hòa Bình định hướng hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn gắn với quy hoạch cơ sở chế biến lâm sản, tiến tới giảm dần xuất khẩu dăm gỗ thô, thay bằng các sản phẩm đạt chuẩn FSC phục vụ thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ - những nơi tiêu chuẩn kiểm soát nguồn gốc gỗ đang ngày càng nghiêm ngặt. Đây cũng là lúc các địa phương không chỉ dừng lại ở việc "giữ rừng”, mà phải làm rừng có lãi. Nghị quyết số 27-NQ/TU vì thế không chỉ là chỉ đạo, mà là lời hứa với tương lai: một nền kinh tế lâm nghiệp bền vững - sống cùng rừng, nhờ rừng và vì rừng.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/200573/giac-mo-rung-fsc--o-thanh-pho-hoa-binh.htm
Zalo