ĐHCĐ PNJ: Mục tiêu lợi nhuận sau thuế thận trọng 1.960 tỷ đồng do giá vàng tăng, sức mua giảm
Sáng 26/4, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2025 thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% với mức kỷ lục năm 2024.

Mục tiêu doanh thu 31.607 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.960 tỷ đồng
Tại ĐHCĐ, HĐQT PNJ đã trình cổ đông và thông qua kế hoạch năm nay với mục tiêu doanh thu 31.607 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với kết quả năm ngoái; lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục của năm 2024 (PNJ thường vượt kế hoạch kinh doanh).
Theo lãnh đạo PNJ, ngành trang sức đối mặt với những khó khăn khi nguồn nguyên vật liệu khan hiếm do giá vàng tăng, trong khi sức mua chưa phục hồi và mức tăng trưởng ngành bán lẻ hàng xa xỉ suy giảm. Nhiều doanh nghiệp ngành vàng đã đóng cửa, hoạt động cầm chừng, chuyển ngành. PNJ hiện là công ty trang sức duy nhất niêm yết có hơn 1.000 thợ kim hoàn, hai nhà máy và năng lực sản xuất khoảng bốn triệu sản phẩm/năm.
Kết thúc quý I/2025, doanh thu thuần PNJ đạt 9.635 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 8% xuống mức 678 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Công ty đã hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về hoạt động kinh doanh của từng kênh, doanh thu trang sức bán lẻ tăng 6% so với cùng kỳ, doanh thu trang sức bán sỉ tăng 22,8% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12% trong cơ cấu doanh thu toàn Công ty, tương ứng 1.156 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu vàng 24K giảm gần 66% so với cùng kỳ.
Đối mặt "cơn bão kép" giá vàng tăng ảnh hưởng sức mua
Lý giải về kế hoạch kinh doanh xây dựng trên nguyên tắc thận trọng, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho rằng, người tiêu dùng đang có xu hướng chi tiêu dè dặt hơn, dẫn đến sức mua của ngành bán lẻ nói chung và hàng xa xỉ nói riêng giảm sút.
Sức mua tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi thông qua những chính sách kích cầu của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, nhưng ngành hàng trang sức và xa xỉ thường có độ trễ một nhịp. Trong kịch bản khả quan, sức mua có thể bắt đầu hồi phục trong nửa sau năm nay. Khó khăn về nguồn cung được PNJ đánh giá là thách thức lớn cho hoạt động kinh doanh năm nay.
Công ty nỗ lực chuẩn bị vàng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế tác trang sức, nhưng việc thu mua khó khăn hơn trước bởi giá biến động mạnh và khan hiếm nguồn cung. Bên cạnh đó, sự thận trọng của PNJ khi đặt ra kế hoạch kinh doanh năm nay bắt nguồn từ nhận định “trong nguy có cơ”.
"Trong kinh doanh vàng của chúng tôi có một quy luật là dù giá vàng lên hay xuống cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu kinh doanh trang sức bán lẻ cũng như lợi nhuận của Công ty cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sức nóng của vàng. PNJ vẫn kiên định với chiến lược tăng trưởng mảng cốt lõi là kinh doanh nữ trang và đẩy mạnh kênh bán lẻ bên cạnh kênh sỉ", Chủ tịch PNJ nói.
Trước khó khăn hiện nay, PNJ cũng đã có sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để ứng phó, điều này đã và đang được đẩy mạnh. Trong đó có việc đầu tư số AI, Công ty luôn chú trọng đẩy mạnh. Đồng thời, Công ty đẩy mạnh mảng “nam trang”, tức phát triển phân khúc trang sức dành cho phái nam.
Do đó, thay vì tập trung lợi nhuận trước mắt, PNJ sẽ dành nguồn đầu tư dài hạn để tiếp tục gia tăng thị phần, nâng cao vị thế cạnh tranh của công ty trong ngành trang sức và mở rộng sang những ngành hàng mới theo đúng tầm nhìn chiến lược đến năm 2030. Hoạt động của PNJ trong năm nay sẽ xoay quanh chiến lược: mở rộng hệ thống cửa hàng, tăng công suất nhà máy, khai thác thị trường bán lẻ trang sức và củng cố chuỗi cung ứng.
Cụ thể, PNJ dự kiến năm nay sẽ tận dụng khoảng trống thị trường để mở thêm 12-25 cửa hàng mới nhằm gia tăng sự hiện diện tại các thị trường tiềm năng. Đây là phần quan trọng trong chiến lược mở rộng mạng lưới phân phối, giúp Công ty nhanh chóng tiến đến mục tiêu 500 cửa hàng trên toàn quốc trước năm 2030.
Đồng thời, Công ty nâng công suất nhà máy trang sức từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm, sẵn sàng đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng khi thị trường hồi phục. Ngoài ra, PNJ sẽ tiếp tục khai thác sâu hơn thị trường bán lẻ trang sức bằng việc đẩy mạnh chiến lược ra mắt thương hiệu Mancode by PNJ dành cho nam giới. Đây được đánh giá là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết.
Trả lời câu hỏi cổ đông về việc PNJ quản trị rủi ro thế nào trước biến động của giá vàng tăng cao, Tổng giám đốc Lê Trí Thông cho rằng, hiện tại thị trường không có công cụ phái sinh, không có câu chuyện mua vàng theo giá tương lai. Để quản trị rủi ro đó thì PNJ phải cân đối dòng vào và dòng ra, nghĩa là lượng hàng bán ra và mua vào nguyên liệu.
PNJ phải cân đối giữa đầu vào và đầu ra trong bối cảnh nguồn nguyên liệu khan hiếm. Đồng thời, PNJ sẽ cân bằng giữa trung bình giá và tồn kho của Công ty. PNJ cũng không bán theo giá cố định hoàn toàn mà phải điều chỉnh giá các sản phẩm bán lẻ. Vì thế, khi giá thị trường lên xuống, vượt qua mức dự trữ thì công ty cũng phải cân đối để điều chỉnh và bình quân giá, nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng, không phải điều chỉnh giá quá nhiều lần trong một ngày trước nếu giá vàng biến động quá nhanh.
Về nguyên liệu dự trữ để sản xuất, theo ông Thông con số này cũng không cố định, bởi giá vàng luôn biến động. Nhưng có những giai đoạn giá vàng biến động quá lớn, Công ty cũng phải giảm lượng tồn kho. Trong điều kiện năm nay, để có nguyên liệu để sản xuất, PNJ phải mua lại nữ trang cũ để tái chế các sản phẩm mới, song qua quá trình tái chế cũng phải chịu mất mất một ít, vì hao mòn và hao hụt. Vì thế, trước bối cảnh giá vàng tăng trong thời gian qua, lượng tồn kho của PNJ có thể tăng lên hoặc giảm.
"Công ty không bán theo giá cố định hoàn toàn, mà khi giá lên cũng sẽ điều chỉnh giá, nếu vượt qua mức chịu đựng thì điều chỉnh giá để bảo vệ khách hàng. Chúng tôi không phải nhà đầu cơ, chúng tôi tập trung vào trang sức, chúng tôi bán giá trị gia công thiết kế", ông Thông nói.
Với kết quả đạt được trong năm 2024, HĐQT PNJ đề xuất chia cổ tức theo đúng kế hoạch 20% bằng tiền mặt. Trong đó, Công ty đã tạm ứng 6% nên còn chi trả thêm 14% thời gian tới, tương ứng còn trả 473 tỷ đồng. Về phân phối lợi nhuận, PNJ muốn dành 40% lợi nhuận để trích vào quỹ đầu tư phát triển, 5% cho quỹ khen thưởng phúc lợi. Chỉ tiêu cổ tức 2025 duy trì ở mức 20% tiền mặt.
Về phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), Công ty dự kiến phát hành với tỷ lệ 0,96% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương với 3,24 triệu cổ phiếu. Giá ưu đãi 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức trên 70.000 đồng/CP hiện nay. Đối tượng là thành viên HĐQT, ban điều hành, cố vấn cao cấp, quản lý, chuyên gia và nhóm nhân sự chủ chốt.
Ngoài ra, Công ty còn có bổ sung tờ trình mua lại tối đa khoảng 8 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích là để có biện pháp bảo vệ lợi ích cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước các biến động mạnh của thị trường.
Theo PNJ, kế hoạch này nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông trước diễn biến tâm lý thị trường, chúng tôi chỉ thực hiện mua lại khi giá trị cổ phiếu PNJ xuống tới một mức mà chúng tôi cho rằng nó làm mất đi giá trị dành cho cổ đông. Nếu cần thiết phải mua lại chúng tôi có thể hành động kịp thời không chờ thời gian tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua.
Cũng tại đại hội thường niên năm nay, PNJ có 3 thành viên HĐQT kết thúc nhiệm kỳ. Do đó, Công ty cũng đã tiến hành bầu bổ sung trở lại 3 thành viên gồm: Trần Ngọc Phương Thảo, Nguyễn Tuấn Hải và Tiêu Yến Trinh trở lại HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 và được đại hội thông qua.