Giá xuất khẩu gạo chạm đáy, cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những ngày vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm sâu, xuống 399 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, đây là giá thấp nhất của gạo Việt Nam trong vòng 3 năm qua và cũng ở mức thấp nhất trong số 4 thị trường cung cấp gạo chính của thế giới.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua (Ảnh minh họa). Ảnh: VGP.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua (Ảnh minh họa). Ảnh: VGP.

Giá gạo giảm xuống dưới 400 USD/tấn

Từng lập kỷ lục vào khoảng giữa tháng 8/2024, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt 700 USD/tấn, cao nhất trong số các thị trường cung ứng gạo. Nhờ những yếu tố thuận lợi, xuất khẩu gạo năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực và lập được kỷ lục mới cả về kim ngạch (5,7 tỷ USD) và về mức giá trung bình xuất khẩu (600 USD/tấn).

Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, giá gạo của Việt Nam đã giảm sâu, xuống mức 399 USD/tấn với gạo 5% tấm, ở mức thấp nhất thế giới. Mức giá gạo xuất khẩu của Thái Lan là 431 USD/tấn, còn Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 413 USD/tấn và 404 USD/tấn. Mức giá xuất khẩu gạo cũng đã hạ nhiệt ở tất cả các quốc gia cung ứng gạo.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần đến từ việc Ấn Độ - quốc gia cung ứng gạo lớn nhất thế giới – đã quay trở lại trường đua xuất khẩu. Từ cuối tháng 9/2024, Ấn Độ đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (phi basmati). Sự trở lại của Ấn Độ đã gia tăng nguồn cung và làm giảm bớt mối lo thiếu hụt gạo cung ứng cho thế giới, từ đó giúp hạ nhiệt giá gạo. Ấn Độ cũng đang tăng mạnh sản lượng lúa để sớm tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường. Tính đến cuối tháng 1/2025, nông dân Ấn Độ đã trồng lúa vụ Rabi đạt 3,515 triệu ha, tăng 15,7% so với 3,038 triệu ha của năm 2024, sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 3 - 4/2025 tạo ra nguồn cung mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các quốc gia nhập khẩu cũng đang bắt đầu có sự điều chỉnh, hướng tới việc giảm dần nhập khẩu gạo và gia tăng xuất khẩu trong nước nhằm bình ổn giá gạo và đảm bảo an ninh lương thực khi nhu cầu tăng cao. Indonesia - quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam - đang dự kiến sẽ giảm nhập khẩu gạo vào năm 2025 để tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Indonesia thông báo chính phủ đã đặt mục tiêu cho Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) mua 3 triệu tấn gạo sản xuất trong nước với giá 401 USD/tấn để thực hiện lộ trình tự cung tự cấp lương thực vào năm 2027; đồng thời mở rộng diện tích trồng trọt để tăng năng suất cây trồng, đạt được hai vụ thu hoạch từ 1,7 triệu ha vào năm 2024 và hướng tới 2,5 triệu ha vào năm 2025. Dự kiến mức thặng dư này sẽ khuyến khích nông dân tăng sản lượng và đóng góp vào an ninh lương thực quốc gia.

Các quốc gia tiêu thụ gạo khác cũng có dự báo sự chững lại trong nhập khẩu gạo. Tại Hàn Quốc, quốc gia này dự báo lượng gạo tiêu thụ bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm trong năm 2025, xuống còn 53,3 kg do thói quen ăn uống thay đổi. Còn tại Nhật Bản, nước này đang có kế hoạch giải phóng một phần trong số 1 triệu tấn gạo dự trữ chiến lược để ổn định giá và đảm bảo nguồn cung gạo trước tình trạng giá gạo trong nước tăng vọt và người tiêu dùng lo ngại về tình trạng thiếu gạo tại quốc gia này.

Xuất khẩu gạo đối mặt với khó khăn về đầu ra

Trước tình trạng này, gạo xuất khẩu gặp áp lực đầu ra, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn tồn kho, năm nay vụ chính thu hoạch sớm, được mùa đã khiến giá gạo xuất khẩu giảm sâu. Mặt khác, 2 thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia cũng vẫn còn tồn kho năm cũ, và các thương nhân cũng đang đợi Việt Nam vào vụ mới, nguồn cung dồi dào để được giá tốt hơn nữa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2025, ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tháng 1 vừa qua, giá trị xuất khẩu nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước là do giá nông sản giảm, và nhu cầu của một số thị trường cũng giảm. Đối với mặt hàng gạo, giá xuất khẩu bình quân đã giảm từ 623 USD/tấn năm 2024 xuống còn khoảng 441 USD/tấn, do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, và một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, thời gian này đơn giá xuất khẩu gạo vẫn cao nhờ các hợp đồng cũ và các hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25. Mặt bằng giá mới sẽ phản ánh rõ ràng hơn trong báo cáo tháng 2. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, giá gạo hiện nay đang ở mức đáy, nhưng những khó khăn chỉ là tạm thời, trong thời gian tới, khi nhu cầu tăng cao, các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào sẽ kéo giá xuất khẩu gạo tăng lên.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm nay, Việt Nam cần xúc tiến xuất khẩu gạo tới các thị trường khác. Trong đó có thể kể đến đến thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 7,5%. Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường này đều chứng kiến sự tăng vọt, trong đó, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 48,9%, thị trường Indonesia tăng 16,6%, thị trường Malaysia tăng 2,1 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 68,4%.

Thứ trưởng cũng cho biết: Với thị trường Halal, bộ đã chỉ đạo một số doanh nghiệp đã có những sản phẩm xuất khẩu. Bộ đã triệu tập các doanh nghiệp họp bàn và thúc đẩy các giải pháp để chúng ta bước vào những thị trường mới, để làm sao mà duy trì được quy mô và đà tăng trưởng trong năm 2025.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024/25 sẽ tăng lên 533,8 triệu tấn, tăng 11,6 triệu tấn so với niên vụ 2023/24; tổng nguồn cung toàn cầu dự kiến sẽ tăng 10,6 triệu tấn, đạt 713,1 triệu tấn; thương mại gạo dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 57,2 triệu tấn do xuất khẩu tăng từ nhiều quốc gia.

ANH THƯ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-xuat-khau-gao-cham-day-co-hoi-nao-cho-viet-nam-10299570.html
Zalo