Phục hồi và phát triển thương hiệu 'Ớt Thanh Bình'

Huyện Thanh Bình được xem là thủ phủ ớt của tỉnh Đồng Tháp với diện tích trồng ớt trung bình hàng năm lên đến 1.200ha, sản lượng đạt 16.400 tấn mỗi năm. Một trong những thành công nổi bật của huyện là đã xây dựng được thương hiệu “Ớt Thanh Bình”. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, diện tích ớt giảm mạnh do nhiều nguyên nhân như: năng suất giảm, giá cả bấp bênh... Cụ thể, vụ đông xuân 2024 - 2025 toàn huyện chỉ có 445,4ha diện tích trồng ớt.

Nhằm phục hồi và phát triển thêm diện tích trồng ớt, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu “Ớt Thanh Bình”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình Võ Thành Ngoan đã chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn về việc triển khai Kế hoạch phục hồi và phát triển ngành hàng ớt huyện Thanh Bình và Kế hoạch thực hiện mô hình ứng dụng nhân rộng quy trình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng năng suất và chất lượng.

Với mục tiêu cụ thể, phục hồi diện tích ớt đến năm 2027 đạt 1.000ha/năm, năng suất đạt từ 15 tấn/ha; xây dựng giải pháp cải tạo đất trồng ớt, quản lý hiệu quả các đối tượng dịch hại; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân. Đồng thời hướng đến phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với cây ớt.

Để đạt hiệu quả cao nhất trong thực hiện, huyện phối hợp với các chuyên gia đến từ các viện, trường để tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu về cây ớt cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật; thành lập nhóm chuyên môn hỗ trợ trực tiếp người sản xuất; tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân như: xây dựng nhà lưới nhân giống sạch; áp dụng công nghệ sinh học vào phòng trừ dịch hại trên ớt như: bọ trĩ, rầy phấn trắng, bệnh khảm...). Đồng thời thực hiện tuyên truyền kế hoạch phục hồi và phát triển ngành hàng ớt, lồng ghép tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Võ Thành Ngoan đề nghị, ngành nông nghiệp huyện cùng các địa phương cần tăng tốc thực hiện với quyết tâm cao nhất, hiệu quả nhất; nâng cao vai trò cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền vận động người dân tại các vùng trọng điểm tham gia thực hiện mô hình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng năng suất, chất lượng, với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm. Cùng với đó nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, đa dạng các loại ớt, có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người trồng; tập huấn đúng đối tượng, sát với tình hình, xây dựng quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại... góp phần phục hồi và phát triển thương hiệu “Ớt Thanh Bình” trong thời gian tới.

Kiều Trang

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phuc-hoi-va-phat-trien-thuong-hieu-ot-thanh-binh--129107.aspx
Zalo