Đồng bào dân tộc thiểu số Khánh Hòa tự tin vươn lên nhờ chính sách đúng
Tỉnh Khánh Hòa đã chủ động lồng ghép rất hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua hơn 4 năm triển khai, từ nguồn lực của các chính sách này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tự tin, phát triển kinh tế bền vững.

Hơn 1.100 căn nhà tạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xóa, xây mới
Chị Pi Năng Thị R En, ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh là minh chứng rõ nét trong câu chuyện thoát nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa. Gia đình chị từng sống trong căn nhà tạm dột nát, mỗi khi mưa lớn phải đi tránh trú nơi khác. Nhờ chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, chị R En nay đã có chỗ ở an toàn.
“Được Nhà nước hỗ trợ nhà kiên cố, không còn tình trạng dột, nát và mưa tạt nữa. Gia đình không còn phải qua nhà mẹ trú ẩn nữa. Gia đình tôi cũng chủ động vay thêm để làm nhà vệ sinh. Được thụ hưởng chương trình Nhà nước trao sinh kế, chúng tôi cố gắng chăn nuôi tăng gia, sản xuất, sau này có cuộc sống ổn định hơn. Nuôi hai con bò thành 5 con, thành 10 con.”- Chị R En nói.
Tỉnh Khánh Hòa có hơn 82.000 người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Raglai, tập trung ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. 4 năm qua, HĐND tỉnh Khánh Hòa ban hành 15 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 33 quyết định, 10 kế hoạch và rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình dành cho đồng bào miền núi. Trong đó, tỉnh đã ban hành những nghị quyết đặc thù cho phép các địa phương sử dụng ngân sách và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ trực tiếp cho 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa đã hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình đạt hơn 790 tỷ đồng, trong đó 85% từ nguồn ngân sách trung ương; Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng hơn gấp đôi so với 2020, đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,2%/năm. Tỉnh đã xóa được hơn 1.130 căn nhà tạm, dột nát; xây dựng, nâng cấp 171 công trình dân sinh.
Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, tất cả hộ dân đều được dùng điện lưới và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Võ Nam Thắng, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa cho biết, chính sách hỗ trợ xây nhà mới và phát triển sinh kế giúp người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
“Chúng tôi tổ chức cho đội ngũ người có uy tín tham quan các nhà máy trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực tuyên truyền. Đồng thời phối hợp với Trường Chính trị tỉnh bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ chủ chốt ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số địa phương, sở ngành. Chúng tôi cũng tăng cường tập huấn cho cán bộ lãnh đạo nhằm giúp họ hiểu rõ và quyết liệt triển khai chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở” - Ông Võ Nam Thắng nói.
Vùa qua, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã được Thủ tướng công nhận thoát nghèo. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về tư duy phát triển của người dân miền núi. Từ chỗ trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân đã tự vươn lên, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP, vùng trồng VietGAP, mô hình trang trại, hợp tác xã kiểu mới... đang dần hình thành và mở rộng.

Miền núi tỉnh Khánh Hòa có nhiều đổi thay
Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư huyện Khánh Sơn cho biết, đến nay, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng trồng sầu riêng ở Khánh Sơn 2.900 ha. “Huyện Khánh Sơn thoát nghèo nhưng các mô hình hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế luôn luôn được chú trọng theo hướng sinh kế bền vững. Huyện Khánh Sơn đang chuyển đổi từ cây năng suất thấp sang qua giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Chúng tôi đang hướng đến cụ thể có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ giàu, khá giả tăng cao”.
Dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng vùng miền núi phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc. Các chính sách, chương trình không chỉ giúp hai huyện miền núi thoát nghèo mà còn tạo đà phát triển dài hạn, hình thành những vùng động lực mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu các huyện miền núi trong tỉnh phân bổ các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo được động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

Tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt việc đầu tư khoa học, công nghệ theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia:“Cần phải hiện đại hóa trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Vấn đề này chình quyền phải vào cuộc. Đây là đầu tư thông minh, cho bà con miền núi cần câu, chứ từng người dân một rất khó những vấn đề này. Mục tiêu là gia tăng giá trị trên diện tích đất. Quy hoạch cần phải thực hiện tốt, phân tán rủi ro. Ngoài cây sầu riêng cần trồng thêm cây khác, nếu sầu riêng có vỡ trận thì vẫn đảm bảo cho bà con ổn định cuộc sống”- ông Nghiêm Xuân Thành nói.