Giá vàng tuần tới: Rủi ro vẫn còn

Quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed trong tuần qua đã kích hoạt đợt tăng giá mạnh trên thị trường vàng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng rủi ro với kim loại quý này vẫn còn.

Trong tuần này, thị trường vàng thế giới chứng kiến nhiều biến động với giá liên tiếp tăng - giảm với biên độ lớn. Đặc biệt, sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định mạnh tay cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sau nhiều năm, giá vàng tăng mạnh và liên tiếp “xô đổ” kỷ lục. Trong phiên giao dịch cuối của tuần, vàng giao ngay chính thức cán mốc 2.600 USD/ounce. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay neo ở mức 2.622,4 USD/ounce, tăng 43,7 USD so với mức chốt phiên tuần trước.

 Giá vàng giao ngay neo trên 2.600 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Giá vàng giao ngay neo trên 2.600 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Sau một thời gian dài chờ đợi, Ngân hàng Trung ương Mỹ cuối cùng đã quyết định xoay trục chính sách sau khi xem xét các yếu tố lạm phát, tăng trưởng, việc làm cùng các rủi ro. Theo một số chuyên gia, việc Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng có thể thúc đẩy đà tăng của vàng trong những tuần tới và suốt thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, đà tăng của kim loại quý này có thể sẽ bị hạn chế bởi phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngay sau khi cuộc họp chính sách tháng 9 kết thúc. Theo đó, ông Powell nhấn mạnh rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ không vội vàng trong việc hạ lãi suất và nói thêm rằng Fed đang trong quá trình “điều chỉnh” chính sách tiền tệ của mình.

Theo Jerry Prior, Giám đốc điều hành kiêm quản lý danh mục đầu tư cấp cao của KMLM, sau những bình luận của ông Powell, vàng khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, kim loại quý này sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng ổn định, Prior nói.

Giám đốc điều hành Julia Khandoshko của Mind Money cũng kỳ vọng giá vàng sẽ củng cố trước khi hướng tới mốc 3.000 USD/ounce. Bà nói thêm rằng, giá vàng khó có thể đạt được mục tiêu dài hạn đó trước khi kết thúc năm.

Mặc dù vàng vẫn trong xu hướng tăng kỹ thuật mạnh mẽ, nhưng theo chuyên gia phân tích thị trường Fawad Razaqzada của StoneX Group, các nhà đầu tư nên chuẩn bị để chứng kiến một số biến động trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng giá thấp hơn sẽ là cơ hội mua dài hạn cho giới đầu tư.

Razaqzada nói rằng, thị trường vàng có thể sẽ chứng kiến một số đợt chốt lời trong tương lai không xa và kim loại này chưa thể chạm được mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì triển vọng lạc quan đối với vàng trong dài hạn bởi nhiều lý do, trong đó kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn như Fed sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất, lo ngại căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ cung cấp lực đẩy cho kim loại quý này.

Nhà kinh tế độc lập và chuyên gia thị trường hàng hóa Patricia Mohr cho rằng, sau quyết định nhằm đảm bảo “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế đầu tàu thế giới của Fed, các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ "nối gót" đưa ra quyết định xoay trục chính sách, điều này sẽ giúp thúc đẩy điều kiện kinh tế và nhu cầu về kim loại.

Mặc dù vậy, theo một số nhà phân tích, rủi ro giảm giá đối với kim loại màu vàng đang gia tăng. Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Alex Kuptsikevich của FxPro cho rằng, việc sức mua cạn kiệt có thể dẫn đến một đợt điều chỉnh mạnh trong thời gian tới.

Cùng với đó, giới chuyên gia lưu ý các nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dữ liệu kinh tế. Mặc dù Fed đã vạch ra lộ trình chính sách tiền tệ của mình cho đến giữa năm 2026, nhưng hướng đi thực sự sẽ được xác định bởi sức khỏe của nền kinh tế.

Prior lưu ý rằng rủi ro lớn nhất của vàng hiện nay là sự điều chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán nếu dữ liệu kinh tế đáng thất vọng làm dấy lên nỗi lo về suy thoái. Ông giải thích rằng, do thị trường chứng khoán cũng đang giao dịch gần mức cao kỷ lục, nên việc thanh khoản có thể sẽ kéo giá vàng xuống thấp hơn. Các nhà đầu tư có thể sẽ buộc phải bán vàng nắm giữ của mình để huy động vốn nhằm hỗ trợ các vị thế chứng khoán đang thua lỗ.

Tuần tới, giới đầu tư chờ đợi dữ liệu sản xuất sơ bộ, dữ liệu bán nhà và niềm tin của người tiêu dùng. Báo cáo kinh tế chính mà thị trường theo dõi là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi trong tháng 8, thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Giá vàng miếng neo ở mốc 82 triệu đồng/lượng. Ảnh: nld.com.vn

Giá vàng miếng neo ở mốc 82 triệu đồng/lượng. Ảnh: nld.com.vn

Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước được duy trì ổn định ở mức 78,5 triệu đồng/lượng mua vào và 80,5 triệu đồng/lượng bán ra trong nửa đầu tuần. Vào ngày 17-9, giá vàng miếng bất ngờ “phi mã” khi các thương hiệu đồng loạt điều chỉnh tăng 1,5 triệu đồng ở cả 2 chiều lên cán mốc 80 triệu đồng/lượng mua vào và 82 triệu đồng/lượng bán ra. Giá kim loại quý này sau đó đã được điều chỉnh giảm 200.000 đồng, nhưng đã nhanh chóng quay trở lại mốc 80 triệu đồng/lượng mua vào và 82 triệu đồng/lượng bán ra. Đối với vàng nhẫn, giá vàng nhẫn trong tuần liên tiếp biến động tăng-giảm nhưng với biên độ hẹp. Trong hầu hết các phiên giao dịch trong tuần, giá vàng nhẫn vẫn được duy trì trên mốc 78 triệu đồng/lượng mua vào và trên 79 triệu đồng/lượng bán ra. Vào ngày 20-9, giá bất ngờ tăng mạnh với mức tăng cao nhất lên tới 1,2 triệu đồng lên vượt ngưỡng 80 triệu đồng/lượng bán ra.

Vào lúc 13 giờ ngày 21-9, giá vàng miếng SJC neo ở mức 82 triệu đồng/lượng. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 3,8 triệu đồng/lượng.

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gia-vang-tuan-toi-rui-ro-van-con-795434
Zalo