Các doanh nghiệp tư nhân lớn 'hiến kế' phát triển đất nước
Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tư nhân lớn sáng 21/9, lãnh đạo của các doanh nghiệp đã đề xuất một số ý tưởng để Việt Nam ngày càng phát triển, hùng cường, thịnh vượng hơn.
Chú trọng vào công nghiệp hỗ trợ
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.
Tập đoàn Trường Hải đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực ASEAN. Đối với ô tô thì vấn đề xanh, tiện ích đang là xu hướng. Tuy nhiên, ông Dương cho biết, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn.
"Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác thì đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế", ông Dương nói.
Chủ tịch Thaco mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…
Về công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư lĩnh vực này, theo ông Dương đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Trường Hải may mắn "đi sớm" vào lĩnh vực cơ khí.
"Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng", ông Trần Bá Dương cho biết.
Trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.
Vì vậy, đại diện Tập đoàn Trường Hải cũng kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.
Đối với nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất, với khu vực như Tây Nguyên có thể chuyển đổi theo hình thức vừa rừng vừa chăn nuôi, thậm chí có một số chuyển đổi nông nghiệp để có những khu liên hợp vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi để làm được tuần hoàn.
"Đây là hướng phát triển rất tốt ở Việt Nam. Điển hình, thời gian vừa rồi, người dân trồng sầu riêng rất tốt và đã xuất khẩu được loại quả này", ông Trần Bá Dương nói.
Mong Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá
Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT KN Group, bày tỏ sự tin tưởng vào hướng đi đúng đắn của Chính phủ với các chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và kinh tế thương mại.
Ông Kiểm chia sẻ, KN Group xác định phát triển bền vững, trong đó ưu tiên tập trung 2 lĩnh vực, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo.
"Hiện tại, KN Group đang hướng tới xây dựng trung tâm công nghiệp thế hệ mới, hiện đại, đầy đủ tiện nghi cho công nhân viên và những chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp, đưa Việt Nam có thể làm chủ công nghệ phát triển mạnh mẽ và các trung tâm đào tạo ngành nghề, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển giao thông thuận lợi, hiện đại", ông nói.
Chủ tịch KN Group kỳ vọng, cùng với sự ủng hộ của Chính phủ sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu "Make in Việt Nam" vươn tầm quốc tế.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển công nghiệp thế hệ mới, có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong Chính phủ có thể sớm ban hành những chính sách mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
"Chúng tôi cũng mong Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI…", ông Lê Văn Kiểm cho biết.
Về lĩnh vực năng lượng, Chủ tịch KN Group khẳng định, Chính phủ đã thể hiện sự ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện kế hoạch cam kết quốc tế, chống biến đổi khí hậu thông qua ban hành Quy hoạch điện VIII vừa qua.
Tập đoàn mong Thủ tướng và các lãnh đạo quan tâm, xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện năng lượng mặt trời nổi, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thì được ưu tiên triển khai trong dự án điện VIII và xem xét tăng thêm công suất trong điều chỉnh quy hoạch điện lưới quốc gia.
"Điều này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai mà còn thu hút các tập đoàn lớn mong muốn được sử dụng năng lượng sạch, để được chứng nhận xanh cho sản phẩm cho họ", ông Kiểm nói và bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ góp phần tích cực xây dựng tương lai đất nước tốt đẹp hơn.
Đầu tư vào sức khỏe, cải thiện nòi giống dân tộc
Bà Thái Hương - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH Group, cho rằng đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu dinh dưỡng quốc gia, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.
Bà Hương cho rằng, phải tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò sữa.
Bên cạnh đó, bà kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng; tập trung đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.