Tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, nhiều thách thức đặt ra cho nền kinh tế nước ta, Đảng và Nhà nước đã chủ động nắm bắt, liên tục đưa ra những chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển. Song, các doanh nghiệp phản ánh đang phát sinh những vướng mắc mới cần sớm nhận diện, tháo gỡ, hướng dẫn kịp thời để khơi thông nguồn lực, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy thuộc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, Khu công nghiệp VSIP Hải Dương. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Hoạt động sản xuất tại nhà máy thuộc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, Khu công nghiệp VSIP Hải Dương. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Để những chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn nhanh hơn, thực chất hơn, có hiệu quả hơn, Nhà nước cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực thi chính sách, kịp thời cập nhật, nắm bắt tình hình, giúp các vướng mắc nhanh chóng được tháo gỡ. Qua đó, tạo ra trợ lực, phục hồi niềm tin và khơi dậy tinh thần, khí thế kinh doanh cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, áp lực thúc đẩy quá trình cải cách của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã được nâng cao. Cùng với đó, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính để tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp,… Từ đó, các hoạt động đối thoại, lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tiếp thu những kiến nghị, phản hồi từ cấp Trung ương đến địa phương được thực hiện thường xuyên hơn.

Đã có một loạt các chính sách hỗ trợ được ban hành, trong đó có các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được doanh nghiệp và người dân vui mừng đón nhận. Có thể kể đến như: Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất,... Ước tính, quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191.000 tỷ đồng.

Song trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp, khi theo phản ánh của ông Ngô Mạnh Hùng, đại diện Công ty TNHH Bông Thái Bình cho biết: “Bông rơi nhập khẩu là nguyên liệu chính để sản xuất sợi OE, nhưng gần một năm qua, nhiều doanh nghiệp bông sợi trên địa bàn tỉnh không thể nhập khẩu nguyên liệu này vì mặt hàng này bị đưa vào nhóm phế liệu bông và Hải quan Hải Phòng không cho phép thông quan, do đó một số doanh nghiệp không có nguyên liệu nên phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa,... Vướng mắc này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay chưa được giải quyết dù gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại cho các doanh nghiệp, có doanh nghiệp phải trả tiền lưu kho bãi trong gần một năm nay với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện thống nhất và công bằng”.

Theo số liệu 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 218.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; trung bình một tháng có gần 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cũng có đến 173.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023; trung bình một tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Những con số này cho thấy, dù doanh nghiệp đang có xu hướng phục hồi, nhưng thời kỳ khó khăn vẫn tiếp diễn. Việc hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này là nhiệm vụ cấp bách mà Đảng và Nhà nước cần dốc toàn lực để thực hiện, bởi nếu không nhanh chóng tháo gỡ, mục tiêu Việt Nam có khoảng 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 sẽ vẫn còn là thách thức.

Tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ bày tỏ vui mừng khi lĩnh vực y tế tư nhân đã có tốc độ phát triển nhanh chóng trong hơn 20 năm qua nhờ chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước; góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cùng ngành y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm bất cập trong việc triển khai thực hiện các chính sách khi cùng là chủ trương thu hút đầu tư dự án bệnh viện tư nhân, nhưng mỗi địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng quy định theo cách khác nhau. “Một số địa phương áp dụng quy định Luật Đấu thầu, Luật Đất đai để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bệnh viện tư nhân, không thống nhất áp dụng chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, khiến chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế khó đi vào cuộc sống, tốc độ triển khai đầu tư các bệnh viện tư chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết mà Đảng, Chính phủ đặt ra”, ông Đệ cho biết.

Trên thực tế, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khắc phục những bất cập về chính sách, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng. Chẳng hạn, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm sửa đổi những quy định còn vướng mắc, chồng chéo. Trước đó, Quốc hội đã ban hành một luật sửa tám luật về kinh doanh để gỡ vướng cho một số hoạt động đầu tư. Hay như việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng đã liên tục tiến hành rà soát 11 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh. Tính từ năm 2021 đến tháng 8/2024, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.001 quy định kinh doanh, trong đó có 1.591 thủ tục hành chính, 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành,… Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, Thủ tướng cũng đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 40 thủ tục hành chính nội bộ.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, trong năm 2025, nhiều luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành, với tư duy bứt phá, tháo gỡ khó khăn, chắc chắn các nguồn lực lâu nay bị ách tắc sẽ được khơi thông. Nhưng để làm được điều này, cần nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật; các cơ quan soạn thảo trước khi ban hành cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, nhất là với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch. Đặc biệt, nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn những giải pháp chính sách tạo dựng một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn phải an toàn, qua đó phục hồi niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng hiện nay. Thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó ưu tiên giảm thuế, phí, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước. Các bộ, ngành và địa phương cần liên tục rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản. Song, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần trang bị tâm thế sẵn sàng, chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức, linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén nắm bắt cơ hội để bứt phá trong kỷ nguyên mới, vươn mình của dân tộc ■

DŨNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thao-go-vuong-mac-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-post852578.html
Zalo