Giá trị sau những hành trình

Ai cũng có những hành trình riêng, để học tập, trưởng thành, tích lũy và bất cứ hành trình tác nghiệp nào cũng có những giá trị. Tôi đã trải qua nhiều cung đường, đã học, đã tích lũy nhưng càng đi, con đường ấy dường như vô tận...

1. Năm 2024 là một năm đặc biệt với những sự kiện lớn. Euro, Olympic liên tục trong tháng hè, đủ khiến nhiều người phải cảm thấy rạo rực. Bởi ở đó sẽ có những điều chưa từng thấy và cả những bài học giá trị mà không phải lúc nào cuộc sống cũng có thể dạy ta. Ngay khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Charles de Gaulle tại Paris (Pháp), một cuộc sống mới dường như bắt đầu...

Tôi đi châu Âu nhiều lần, nhưng lần này là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Khi mà tôi cảm thấy châu Âu quá quen thuộc rồi, thì đó là lúc một miền đất mới mở ra ở một nơi tưởng như quá thân thuộc.

Bài học lớn nhất sau những ngày tháng lang thang ở châu Âu là chuyện đúng giờ, đúng hẹn. Đó không chỉ là tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình mà còn là nền tảng của tính kỷ luật, điều dẫn tới thành công. Hơn nữa, nếu không đúng giờ, bạn sẽ... tốn rất nhiều tiền nếu nhỡ tàu xe, nhỡ sự kiện, hoặc đơn giản, bạn sẽ phải mất thêm nhiều thời gian và sức lực trong thời điểm diễn ra Euro tại Đức hay Olympic ở Pháp.

 Tác giả tác nghiệp tại Olympic Paris 2024. Ảnh: TRUNG GIANG

Tác giả tác nghiệp tại Olympic Paris 2024. Ảnh: TRUNG GIANG

2. Trước ngày diễn ra lễ khai mạc Olympic, mọi con đường ở Paris bị cấm rối tinh rối mù, đến mức người bản địa chưa chắc đã tìm được lối đi. Họ cấm đường theo giờ và nếu chỉ chậm hơn một phút thôi, bạn sẽ phải tìm một con đường có thể xa và mất thời gian vô cùng. Khi đến tham dự Euro 2024 tại Đức, toàn bộ hệ thống vận chuyển công cộng được khai thác tối đa và việc chuyển đổi tuyến diễn ra thường xuyên. Khi đi từ Hannover đến Munich, tôi đã đến đúng giờ nhưng vẫn... nhỡ tàu chỉ vì không xem trên vé cảnh báo ghi đến trước ít nhất 10 phút. Và khi đến nơi đúng giờ thì chuyến tàu đó đổi sang làn khác từ trước đó vài phút. Chưa có chuyến đi nào mà tôi phải chạy tàu như chạy loạn giống chuyến đi này.

Tính ra, tôi có 17 chuyến tàu nhanh, vô số chuyến tàu chậm khi di chuyển gần, 9 chuyến taxi đắt đỏ và gần chục lần chạy tìm tàu, rách 2 đôi giày và cả... rơi mất đồ tác nghiệp, điều mà tôi chưa từng trải qua từ Nam Phi đến Đông Nam Á cũng như dăm lần đi châu Âu trước đó. Những lần chạy nước rút trong nhà ga, tôi chỉ mơ ước rằng mình ở Việt Nam, với 1 chiếc xe máy. Vậy là đủ!

Bài học tiếp theo là ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng có phương án giải quyết. Tại Hà Lan, một đất nước đắt đỏ có ngôi làng vô cùng đẹp, cực kỳ nổi tiếng với những con lạch mà ở đó, người ta chỉ đi bộ hoặc đi thuyền-làng Giethoorn. Nhưng từ Amsterdam đến ngôi làng này chơi trong một ngày, bạn sẽ mất cỡ 200 euro (khoảng 5,5 triệu đồng). Tôi đã quyết định... không đi vì quá tốn kém. Lần mò mãi, tôi tìm thấy giải pháp khá “bí mật”: Nếu đi từ Amsterdam trước 6 giờ và về từ Giethoorn sau 18 giờ 30 phút, giá vé chỉ còn 1/4. Vậy là đi! Trớ trêu thay, khi ra bến xe bus lúc 5 giờ, người ta nói rằng phải 6 giờ mới có chuyến xe bus đầu tiên ra ga trung tâm để đi Giethoorn. Lại tốn thêm tiền taxi. Một chiêu bài giảm giá quá “bất ngờ”.

Và khi từ Giethoorn về, dường như ai cũng biết đến bài giảm giá này nên họ tụ tập đông một cách không tưởng. Chuyến buýt về nhà ga ken đặc người, ai cũng chờ đến 18 giờ 30 phút để vào ga lên tàu về Amsterdam. Một cảnh tượng vừa khốn khổ vừa buồn cười. Tất cả đứng ngồi lả tả ngoài ga tàu, đúng 18 giờ 30 phút, tất cả ào vào quẹt vé để lên tàu chiếm chỗ, dù trước đó nhà ga này hoàn toàn vắng tanh, thậm chí căng tin ở đây đã đóng cửa lúc... 18 giờ. Sau một ngày chen chúc, dồn nén trải nghiệm món giảm giá, đúng là cái gì cũng có giá của nó. Nhưng khi bạn nghèo thì sự bất tiện ấy cũng đáng để thử.

Trái lại, ở một thế giới khác, khi tôi đi tìm "đại bản doanh" của đội tuyển Đức tại Nuernberg, đội tuyển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... xem họ đóng quân ở đâu thì cả một bầu trời rực rỡ. Điểm chung của họ là đóng quân ở xa trung tâm gần 100km, đường đi vòng vèo, loằng ngoằng như vào một khu rừng bỏ hoang, tịnh không bóng người. Bóng đá chuyên nghiệp họ tính đến cả địa điểm, chất lượng không khí, độ ồn và khả năng thư giãn ở khu vực đó. Còn ở Olympic Paris, đến làng vận động viên, tôi khá tò mò khi thấy có rất ít vận động viên đoàn Mỹ. Hóa ra, khi vào thành phố, đoàn Mỹ thuê hẳn tòa nhà ở trung tâm cực to đẹp với giá hàng chục nghìn euro mỗi ngày. Và tòa nhà đó được Mỹ giữ để không sau khi Olympic kết thúc, đợi đón đoàn Paralympic. Thậm chí, đội bóng rổ với toàn siêu sao tỷ phú còn thuê hẳn khách sạn hạng sang để ở cho... riêng tư. Vậy nên, có điều kiện thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

3. Bài học tiếp theo mà tôi nhận được sau hành trình thể thao rực rỡ ở châu Âu là chuyện tưởng như rất cũ: Của nả hãy giữ thật chặt. Sau nhiều lần tác nghiệp ở các giải đấu thể thao lớn, trộm vía tôi chưa mất mát bất kỳ thứ gì, trừ việc 1 cái laptop bị hỏng ở World Cup 2010 (may mắn khi đó tôi mang đi 2 chiếc). Thậm chí, khi dự World Cup 2010, ở Nam Phi cực kỳ nguy hiểm, cứ bước chân ra đường là sợ nơm nớp thì tôi cũng vẫn an toàn tuyệt đối. Nhưng ở châu Âu thân thuộc, tôi đã bị lừa mất cả 1 chiếc balo trong đó có laptop và đồ đạc lỉnh kỉnh.

Đó là câu chuyện ở ga Cologne. Tự tin rằng mình quá quen và nghĩ rằng đứng giữa ga đông người, đầy cảnh sát sẽ... không sao, tôi lấy laptop ra ngồi kiểm tra bài vở một cách tự nhiên. Nhưng khi lên tàu, tôi bị xô đẩy và balo đã bay mất từ lúc nào không hay. Đúng lúc đó tàu chạy. Tôi chỉ còn biết nhìn xuống sân ga xa dần bằng đôi mắt đầy ân hận, tiếc nuối. Hóa ra, tôi đã bị theo dõi khi lấy laptop ra làm việc. Công việc gửi bài về bị đình trệ cho đến khi tôi mượn tạm được máy của bạn bè ở Đức. Cả chuyến đi, nhuận bút không đủ để mua lại chiếc laptop đã mất. Quá tự tin, bất cẩn một thoáng thôi dẫn tới hậu quả khôn lường. Đúng là bài học nhớ đời!

Nhưng trên tất cả, cái tôi thu được gấp nhiều lần những thứ mất đi. Tôi hiểu giá trị của thời gian, của kỷ luật, của sự logic và khả năng tổ chức của nước đăng cai giải đấu lớn. Hàng nghìn hạng mục, hàng trăm nghìn con người, tất cả được vận hành đồng bộ, chi tiết và phối hợp nhịp nhàng. Họ đã làm thế nào? Đó vẫn là hành trình để tôi khám phá. Có lẽ cần nhiều hành trình nữa để những bài học mới lại vỡ vạc ra. Hình như sau bao hành trình, tôi vẫn chưa đủ trưởng thành thì phải... Các cụ nói cấm sai, đi một ngày đàng học một sàng khôn.

LÊ THÀNH TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/gia-tri-sau-nhung-hanh-trinh-812981
Zalo