Những núi đồi lớn lên

Tôi đứng lặng trong chiều muộn ở khuôn viên Khu tưởng niệm liệt sĩ tại căn cứ Động Tranh (Bastogne), Bình Tiến, TX. Hương Trà, bần thần một nỗi 50 năm đã đi qua vùng rừng núi rộng lớn phía tây thành phố Huế này, và những câu thơ vừa đến trong đầu 'những núi đồi tan hoang/ thuở đạn bom cày xới/ khói hương thơm hàng hàng/ chiều Động Tranh hoang hoải…'.

 Bình Thành - Cây cầu nối những giấc mơ lớn lên của các bản làng. Ảnh: Lê Tấn Thanh

Bình Thành - Cây cầu nối những giấc mơ lớn lên của các bản làng. Ảnh: Lê Tấn Thanh

Động Tranh, còn được biết đến với địa danh Bạch Tôn, xuất phát từ tên một thị trấn nhỏ của nước Bỉ xa xôi - Bastogne nơi diễn ra trận chiến kinh hoàng kéo dài hơn một tháng trời giữa quân Mỹ - Đồng minh và quân Đức Quốc xã trong Thế chiến II, cướp đi gần 50.000 sinh mạng ở cả hai phía, mà nay quân đội Mỹ lấy đặt tên cho một trong những căn cứ quân sự ở miền Trung Việt Nam. Nơi những ngọn đồi Hạt Gạo này suốt mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã diễn ra nhiều trận chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt, nhiều chiến sĩ quân giải phóng đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xanh.

Hương Trà có mấy xã vùng gò đồi (Hương Bình, Bình Thành, Bình Điền và Hồng Tiến - nay là Bình Tiến) nhưng có lẽ trong tâm trí của người dân đồng bằng cứ hay gọi chung cả vùng đất này là Bình Điền, có lẽ vì vị trí trung tâm của nó. Mỗi lần lên về A Lưới theo Quốc lộ 49B ngang qua Bình Điền, trong tôi lại dậy lên hai mẩu ký ức. Một là từ ba mạ tôi. Sau 1975, ba tôi vốn là một trung sĩ - tá viên điều dưỡng quân y quân đội Sài Gòn sau khi ra trình diện thì được gọi đi học tập cải tạo tại Bình Điền 15 ngày hiểm nguy, chết chóc rình rập. Mạ tôi ở nhà một nách ba đứa con dại, đứng ngồi không yên, cơm độn nước mắt. Đã thế, một người anh họ của tôi thỉnh thoảng từ nhà trên chạy xuống, điệu bộ hớt ha hớt hải, hét to: “Có tin Bình Điền! Có tin Bình Điền!”. Trò đùa vui ác nhơn khiến mạ tôi nhiều phen tái xám mặt mày, đau thắt cả ruột! “Tin Bình Điền” ngày ấy có gì ngoài tin chết chóc? Cái tên Bình Điền khắc vào trí não tôi lần đầu tiên từ lời kể của mạ tôi như thế!

Chuyện thứ hai, là vào những năm 1980 khi tôi học Trường THCS Nguyễn Du, vì là học sinh giỏi với lại là cán bộ liên đội nên được thầy cô cho đi giao lưu với trường Bình Thành. Ngày ấy có chủ trương một trường ở đồng bằng kết nghĩa với một trường miền núi. Đoàn thầy trò chúng tôi đi đò từ bến đò chợ Đông Ba lên tới Bình Điền mất gần một ngày trời! Tôi nhớ đêm hôm đó giao lưu lửa trại rất vui. Thầy cô và học sinh hai trường nối nhau hát hò đến khuya. Không khí thật ấm áp, thân tình! Buồn cười nhất là tiết mục của một cậu bạn học sinh lớp 6 đen nhẻm trường Bình Thành xung phong lên hát bài “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang…”. Gần 50 năm trôi qua, tôi chưa bao giờ quên được tiếng hát ấy, bài hát lần đầu tiên trong đời tôi được nghe ấy, cậu bạn trường Bình Thành kết nghĩa ấy, bên ánh lửa trại bập bùng, giữa núi rừng đêm lạnh hoang vu.

Sau này mới biết rằng, khoảng thời gian hơn 10 năm sau giải phóng ấy, chính quyền tỉnh đã làm một cuộc di dân rất lớn, đầy gian truân, thử thách! Hàng trăm hộ dân từ các xã đồng bằng ngược núi lên “vùng kinh tế mới”. Hầu hết người dân di cư lên Bình Điền - Khe Điêng ngày ấy đều là dân vùng ven biển, đầm phá, ven thành phố, có đời sống đặc biệt khó khăn, thiếu vốn, thiếu công cụ sản xuất, đông con, làm ăn thất bát hoặc không quen với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp ở vùng gò đồi. Thời gian đầu quá trình khai phá diễn ra chậm, đời sống kinh tế khó khăn, nhiều hộ gia đình đã trở về quê cũ, bỏ đi nơi khác hoặc vô Nam.

Ông Nguyễn Vinh, một lão nông ngoài 60 bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đầu tiên cơ cực trên vùng đất mới. Quá trình khai hoang gặp phải một thử thách rất lớn là bom mìn sót lại sau chiến tranh! Không kể những trường hợp mang thương tật vĩnh viễn, nhiều cái chết đau lòng do bom mìn, vật liệu nổ đến nay còn ám ảnh. Khó khăn nữa là một quá trình dài loay hoay, vật lộn với những thử nghiệm cây trồng phù hợp, từ khoai sắn, ngô đậu, lúa nước… cho đến dứa, cam, quýt, mía đường,… Trong khi đó, năng suất lao động thấp, hoạt động tăng gia sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, dụng cụ lao động thô sơ nên người dân không thể trồng trọt hết diện tích đã được khai phá, dẫn đến tình trạng một số nơi đất bị hoang hóa trở lại.

...Bao cơ cực, gian lao ngày cũ đã qua. Các xã vùng đồi của Hương Trà nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, đầy sức sống. Những ngôi nhà vườn khang trang, rộng rãi vùng Hương Bình, Bình Thành. Khu phố chợ Bình Điền sôi động hàng quán ngày đêm. Vẫn theo lão nông Nguyễn Vinh, hai mươi năm trở lại đây, đời sống người dân dần khởi sắc với các dự án trồng rừng mà hai cây chủ lực là cao su và keo. Ông kể chuyện “vàng trắng” thật hình tượng: “Thời hoàng kim” của những hộ dân trồng cao su, “cứ sớm sớm vô rừng cạo mủ rồi ra bán cho thương lái, đến cuối tuần vợ chồng chở nhau về Huế sắm vàng”!

Với cây keo, khởi đầu từ Dự án WB3 của Ngân hàng Thế giới đầu những năm 2000, giờ đây kinh tế rừng, trồng rừng gỗ lớn đã trở thành nguồn sống bền vững của người dân vùng núi, gò đồi các xã, huyện của tỉnh nói chung và thị xã Hương Trà nói riêng. Hộ ít thì vài hecta, hộ nhiều có đến hàng chục hecta rừng keo gỗ lớn, mỗi năm thu lãi từ 60-80 triệu/hecta. Theo ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh (FOSDA), trồng rừng bền vững không chỉ nâng cao đời sống kinh tế cho người dân mà còn góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, môi trường, nguồn nước, đất đai… giúp giảm thiểu những hậu quả của biến đổi khí hậu. “Đến nay, hàng ngàn nông dân toàn tỉnh thật sự giàu lên nhờ trồng rừng và rừng gỗ lớn”, ông Dự khẳng định.

Những ngày tham gia Trại sáng tác Văn học nghệ thuật Hương Trà, tôi có dịp trở lại những thôn xóm Bình Thành, Bình Tiến, Hương Bình. Chúng tôi đi thuyền trên lòng hồ Hương Điền rộng lớn. Những núi đồi xếp lớp xanh muôn trùng soi bóng xuống lòng hồ thăm thẳm, như những bước chân lưu dân Việt Thường. Tôi đến thăm Trường tiểu học Bình Thành, khuôn viên trường rộng rãi, rợp bóng cây xanh, dãy nhà học hai tầng khang trang. Không còn cảnh rừng chiều hoang hoải, rừng đêm gió chạy hoang vu. Nhìn học sinh nô đùa trong sân trường, tôi chợt nhớ cậu bạn đen nhẻm trường Bình Thành kết nghĩa ngày xưa. Tôi đồ rằng bạn là con trai của một “lưu dân” thời kinh tế mới Bình Điền - Khe Điêng năm xưa, bạn vô tư và hát say sưa bài hát “người lớn” ấy chỉ vì người cha của bạn đã hát nhiều lần trong những đêm rừng lạnh nhớ về quê cũ. Đã bốn mươi năm trôi qua rồi! Bây giờ bạn có đang thay cha mẹ mình làm chủ những cánh rừng rộng lớn? Không hiểu sao tôi cứ tin là như thế!

Và tôi ước chi bạn đọc được những dòng này. Rồi bạn nhắn cho tôi một tiếng. Để tôi biết “Tin Bình Điền” là những tin vui.

Phạm Nguyên Tường

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-nui-doi-lon-len-149930.html
Zalo