Khai mạc Tuần văn hóa lễ hội Cổ Loa Xuân Ất Tỵ năm 2025
Ngày 2-2, UBND huyện Đông Anh tổ chức khai mạc Tuần văn hóa lễ hội Cổ Loa Xuân Ất Tỵ 2025.
Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo các sở, ngành thành phố.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức lễ hội Cổ Loa Nguyễn Thị Tám cho biết, Đông Anh - vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi hai lần được chọn làm Kinh đô của nước Việt, đã trở thành một biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với sự lớn mạnh của Thủ đô và đất nước, vị thế, tầm vóc, diện mạo của Đông Anh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ; trong đó những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của huyện, trở thành nguồn lực nội sinh đưa huyện vững bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Cổ Loa xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra trong không khí cả nước “mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ”, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định những thành tựu đột phá mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024.
"Đây là dịp để cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, từ đó tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo du khách đến với Cổ Loa, Đông Anh", bà Nguyễn Thị Tám bày tỏ.
Các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc tổ chức tại lễ hội Cổ Loa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, gồm: Giải bóng chuyền truyền thống cúp Loa Thành, giải vật dân tộc, bắn nỏ truyền thống, thi đấu cờ người, đu tiên, biểu diễn tuồng cổ, hát chèo truyền thống, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục, hát quan họ thuyền rồng… Trong ngày khai mạc đã ghi nhận rất đông người dân và du khách đến dự hội, trải nghiệm.
Là lễ hội lớn của huyện và thành phố Hà Nội, có quy mô, lịch sử hình thành từ lâu đời, tổ chức trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Do đó, công tác bị tổ chức đòi hỏi chu đáo, đầy đủ, có nhiều điểm nhấn và đổi mới về công tác quản lý nhằm tôn vinh công đức của Đức vua An Dương Vương, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời phát huy giá trị vật thể, phi vật thể của di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Các hoạt động chính của lễ hội sẽ diễn ra vào 8h sáng ngày mai, mùng 6 tháng Giêng (tức ngày 3-2). Lễ hội sẽ tái hiện những nghi lễ dân gian truyền thống thông qua nghi thức rước kiệu Bát xã Loa Thành tại Khu di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa.
Năm nay, lễ hội Cổ Loa có nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Sau nghi thức dâng hương, tế lễ là nghi lễ nghênh rước kiệu vua An Dương Vương và rước kiệu của bát xã Loa Thành, gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra từ ngày 2-2. Vào buổi tối, lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc nghệ thuật truyền thống.
Ban tổ chức lễ hội Cổ Loa 2025 cho biết, điểm nổi bật tại lễ hội năm nay là đã di chuyển 100% các điểm kinh doanh dịch vụ ra ngoài không gian tổ chức lễ hội Cổ Loa, bảo đảm không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Ban tổ chức đã ra mắt chuyên trang https://dulichcoloa.com.vn; tăng cường công tác tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu tuyến du lịch hành trình di sản từ Cổ Loa về Đền Sái và hành trình di sản về vùng đất cố đô.
Tại lễ hội, Ban tổ chức đã lắp dựng 10 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, tinh hoa ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương và Bát xã Loa Thành; dựng điểm check-in; ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền đưa thông tin về lễ hội…