Giá thực phẩm thế giới giảm gần 2% trong tháng 1/2025

Theo FAO, chỉ số giá thực phẩm thế giới ghi nhận giảm 1,6% trong tháng 1/2025, chủ yếu do giá đường, thịt và dầu thực vật giảm.

Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), giá thực phẩm thế giới ghi nhận giảm trong tháng 1/2025 với -1,6% so với tháng 12/2024, đạt trung bình 124,9 điểm. Sự sụt giảm này đến từ việc giá thịt, dầu thực vật và đường giảm đáng kể.

Ảnh: FAO

Ảnh: FAO

Chỉ số giá đường của FAO đạt trung bình 111,2 điểm trong tháng 1, giảm 6,8% so với tháng 12/2024 và giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đường trong tháng cũng đạt mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

FAO cho biết, sự sụt giảm trong tháng 1/2025 chủ yếu do triển vọng nguồn cung toàn cầu niên vụ 2024/2025 được cải thiện khi thời tiết ở Brazil trong những tháng gần đây thuận lợi, tạo điều kiện cho vụ thu hoạch cây mía của quốc gia này sẽ diễn ra từ tháng 4/2025. Ngoài ra, quyết định của Chính phủ Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu đường (sau khi hạn chế xuất khẩu kể từ tháng 10/2023) đã tạo thêm áp lực lên giá đường thế giới.

Trong tháng, chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 153 điểm, giảm 5,6% so với tháng trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 24,9% so với cùng kỳ. Sau khi tăng 7 tháng liên tiếp, giá dầu cọ quốc tế giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm, phần lớn do nhu cầu hạn chế. Ngược lại, giá dầu đậu nành và dầu hướng dương vẫn ổn định trong bối cảnh lo ngại về thời tiết không thuận lợi ở một số vùng sản xuất đậu nành tại Nam Mỹ và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu mạnh mẽ.

Đối với chỉ số giá ngũ cốc, trong tháng 1/2025, chỉ số giá ở mức trung bình 111,7 điểm, tăng 0,3% so với tháng 12 nhưng lại giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu lúa mì giảm rất nhẹ trong tháng 1 và ít biến động trong tháng. Các yếu tố tác động bao gồm, nhu cầu nhập khẩu lúa mì yếu gây áp lực lên giá; ngược lại, nguồn cung lúa mì khan hiếm ở Nga và điều kiện vụ mùa đông ở một số khu vực EU, Nga và Mỹ đã hỗ trợ kéo giá lên.

Chỉ số giá gạo toàn cầu của FAO giảm 4,7% trong tháng 1 do nguồn cung xuất khẩu dồi dào và sự cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu tiếp tục gây áp lực giảm giá.

Giá ngô thế giới lại ghi nhận tăng trong tháng qua. Áp lực giá tăng xuất phát từ nguồn cung khan hiếm theo mùa. Tại Argentina, vụ trồng trọt đã kết thúc, trong khi tiến độ vụ mùa chính của Brazil chậm lại, cùng với dự báo sản lượng và tồn kho ngô điều chỉnh giảm ở Mỹ.

Tháng qua, chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 117,7 điểm, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này do giá thịt cừu, thịt lợn và thịt gia cầm quốc tế thấp hơn, vượt xa mức tăng của giá thịt bò.

Cụ thể, giá thịt cừu giảm do nhu cầu giảm sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Giá thịt lợn cũng giảm do báo giá ở Liên minh châu Âu (thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn của thế giới) thấp hơn khi dịch lở mồm long móng bùng phát ở Đức, điều này khiến EU phải đối mặt với lệnh cấm từ các quốc gia nhập khẩu chính, dẫn đến nguồn cung dư thừa.

Trong khi đó, giá thịt gia cầm giảm do nguồn cung dồi dào, đặc biệt từ Brazil, nơi giá thức ăn chăn nuôi cạnh tranh đã hỗ trợ sản xuất.

Ngược lại, giá thịt bò thế giới tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ các thị trường trọng điểm.

Chỉ số giá sữa đứng ở mức 142,9 điểm trong tháng 1, tăng 2,4% so với tháng 12/2024 và cao hơn 20,4% so với cùng kỳ. Theo FAO, giá phô mai quốc tế tăng nhiều nhất (+7,6% so với tháng trước), phản ánh nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng trong bối cảnh sản xuất phục hồi chậm và doanh số bán lẻ nội địa tăng mạnh ở các nước sản xuất lớn.

Ngược lại, giá bơ quốc tế tiếp tục giảm bất chấp nhu cầu từ các nhà chế biến thực phẩm ở châu Âu và châu Đại Dương ngày càng tăng. Giá quốc tế của sữa bột gầy và sữa nguyên kem cũng giảm do sản xuất ở châu Âu phục hồi và nhu cầu nội địa cũng như nhập khẩu chậm lại.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-thuc-pham-the-gioi-giam-gan-2-trong-thang-12025-38125.html
Zalo