Gia tăng số ca mắc sởi với bệnh nhi trên 10 tuổi

Thời gian gần đây, khoa Nhi bệnh viện Thanh Nhàn xuất hiện nhiều bệnh nhi trên 10 tuổi mắc sởi dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Nhiều bệnh nhi trên 10 tuổi mắc sởi

Theo ghi nhận của phóng viên (PV) báo Nhà báo và Công luận tại Khoa Nhi bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình mỗi ngày bệnh viện sẽ có 10 -15 bệnh nhân điều trị nội trú, thường tập trung ở độ tuổi dưới 5 tuổi và có 1 số trường hợp bệnh nhi lớn tuổi cũng mắc bệnh do chưa tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine chưa đủ mũi.

Đặc biệt, nhiều bệnh nhi lớn tuổi nhưng vẫn mắc sởi dù đã tiêm phòng đầy đủ 2 mũi. Như một bệnh nhi 15 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội, những ngày gần đây có biểu hiện ho rát cổ, sốt. Do không có biểu hiện mệt mỏi hay bỏ ăn nên gia đình không nghĩ đến khả năng mắc sởi. Chỉ khi bệnh nhân xuất hiện các nốt ban đỏ lan rộng trên mặt kèm theo sốt, gia đình mới đưa đến bệnh viện.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, (Hoàng Mai) bố bệnh nhi chia sẻ: “Gia đình tôi đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng, chống sởi cho cháu nhưng vẫn không hiểu tại sao cháu lại mắc bệnh. Tôi được các bác sĩ giải thích là người đã được tiêm vaccine sởi rồi, hoặc đã bị bệnh sởi nhưng vẫn có thể bị lại. Tiêm vaccine chỉ khiến tình trạng bệnh nhẹ hơn chứ không thể đảm bảo 100% không bị sởi”.

Gia tăng số ca mắc sởi với bệnh nhi trên 10 tuổi tại bệnh viện Thanh Nhàn.

Gia tăng số ca mắc sởi với bệnh nhi trên 10 tuổi tại bệnh viện Thanh Nhàn.

Bác sĩ Lê Huyền Trang, Khoa Nhi, bệnh viện Thanh Nhàn thông tin: “Trong đợt dịch sởi năm 2024 – 2025 khoa nhi tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi mắc sởi. Bệnh nhân nằm viện nội trú là bệnh nhân có những biến chứng, thường tập trung vào độ tuổi dưới 5 tuổi (do chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi).

Đặc biệt với những bệnh nhi trên 10 tuổi đã tiêm vaccine rồi nhưng không tiêm mũi nhắc lại nên suy giảm sức đề kháng chống sởi với biến chứng nặng như bội nhiễm, viêm phổi

Bs. Lê Huyền Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ với PV báo Nhà báo và Công luận.

Bs. Lê Huyền Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ với PV báo Nhà báo và Công luận.

“Sởi là bệnh cấp tính với các biểu hiện bệnh như sốt cao, mệt mỏi, ho… bệnh nhân mệt và thường có biểu hiện của việc chán ăn. Khi trẻ có các biểu hiện này thì phụ phuynh nên đưa con, em mình đến các cơ sở y tế để được thăm, khám và điều trị kịp thời”- Bác sĩ Lê Huyền Trang khuyến cáo.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi đợt 3

Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi năm 2025 đợt 3. Trong đó, sẽ gồm cả trẻ 11-15 tuổi tại nơi nguy cơ cao, rất cao chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Vaccine sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này là 500.000 liều vaccine chứa thành phần sởi do một tập đoàn tài trợ. Dự kiến với đợt phân bổ vaccine lần 1 sẽ hoàn thành tiêm chủng trước ngày 30/4 và lần 2 trước ngày 15/5. Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay vaccine cho các địa phương để kịp thời triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Mục tiêu của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 3 là 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi được tiêm 1 mũi vaccine chứa thành phần sởi. Các nhóm đối tượng triển khai của kế hoạch là: trẻ đủ 6 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 và trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra; Trẻ từ 11 đến 15 tuổi tại xã/phường nguy cơ cao/rất cao chưa được tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi và trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi”.

500.000 liều vaccine chứa thành phần sởi sẽ được phân cho các địa phương.

500.000 liều vaccine chứa thành phần sởi sẽ được phân cho các địa phương.

Để chủ động bệnh sởi bộ y tế, khuyến cáo, nên chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch và các nhóm tuổi khác (6 - 9 tháng, 1 - 10 tuổi) tham gia chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Nam Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-tang-so-ca-mac-soi-voi-benh-nhi-tren-10-tuoi-10288397.html
Zalo