Gia tăng người dân đi tiêm vaccine cúm

Số lượt người dân chủ động tiêm vaccine cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường tại VNVC. Tại nhiều cơ sở tiêm chủng khác, tình trạng này cũng tương tự.

Tiêm vaccine phòng bệnh cúm.

Tiêm vaccine phòng bệnh cúm.

Nhiều gia đình cùng đi tiêm vaccine cúm

Anh Triệu Đình T. (Thanh Trì, Hà Nội) chần chừ mãi cũng đưa 2 con đi tiêm phòng. Ba năm trước, anh dừng việc tiêm cúm cho con vì nghĩ con đủ lớn để có kháng thể. Tuy nhiên, khi năm nay bệnh cúm diễn biến phức tạp, anh vội đưa cả nhà đi tiêm. "Con quen với tiêm phòng rồi, cứ tiêm cho yên tâm", anh T. tâm sự.

Tại VNVC Hà Đông, số người đến tiêm tăng hơn ngày thường, trong đó có nhiều người cao tuổi, người trưởng thành đi tiêm cúm. Anh T. nói, mọi khi cuối tuần đến tiêm rất nhanh, nhưng lần này do đông người hơn nên gia đình phải kéo dài thêm thời gian cả tiếng để chờ được tiêm cả gia đình.

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, khách đến tiêm tại 220 trung tâm tiêm chủng trên cả nước gồm trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn.

Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, nhiều gia đình và đại gia đình đã đến VNVC để tiêm vaccine, trong đó có đại gia đình hơn 20 thành viên cùng đến.

Mặc dù tiếp nhận người đến tiêm vaccine cao gấp nhiều lần so với thông thường nhưng vấn đề an toàn tiêm chủng, bảo đảm chất lượng vaccine và hiệu quả phòng bệnh cao sau tiêm chủng luôn được VNVC đặt lên hàng đầu. VNVC vẫn bảo đảm tất cả khâu khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm tại chỗ chặt chẽ cho tất cả khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, tại các trung tâm tiêm chủng không chỉ tăng cường đội ngũ nhân sự bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, mà còn tăng cường nhân sự và biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các khâu như kho vận, logistics… nhằm bảo bảo đảm chất lượng, kho vận, logistics phải gia tăng hiệu suất công việc gấp 10 lần.

Để bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêm chủng, tiết kiệm thời gian cho khách hàng nhất là vào khung giờ cao điểm, bác sĩ Chính cho biết VNVC đang áp dụng khung giờ làm việc sớm hơn từ trước 7 giờ 30 phút và kéo dài đến 18 giờ tối, xuyên trưa không nghỉ để hỗ trợ thuận tiện hơn cho khách hàng tại 108 trung tâm trên toàn quốc.

Ghi nhận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng tăng cao số người đến tiêm vaccine cúm. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, các điểm tiêm chủng tại Hà Nội đều đông lên. Có thời điểm tăng gấp đôi, gấp ba so với trước.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, mùa đông xuân là mùa có số lượng bệnh nhân mắc cúm gia tăng vì hiện nay thời tiết đang thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.

"Tình hình bệnh cúm đầu năm 2025 được đông đảo người dân và các cấp các ngành quan tâm là rất tốt, nhưng không phải là quá bất thường. Người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và tiêm phòng vaccine", ông Tuấn nói.

Cần tiêm vaccine sớm để phòng bệnh

Bác sĩ Chính nhận định việc người dân tăng cường tiêm vaccine cúm cho thấy ý thức tiêm vaccine là phương pháp bảo vệ tối ưu trước các bệnh truyền nhiễm của người dân ngày càng nâng cao và nhân rộng ra cộng đồng. Tiêm chủng phòng bệnh không chỉ tạo miễn dịch bảo vệ bản thân mà còn đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người yếu thế, chưa được tiêm vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng như trẻ sơ sinh, thai phụ, người mắc các bệnh lý cấp tính...

Ông Khổng Minh Tuấn cũng cho rằng, việc người dân cần chủ động tiêm vaccine định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất quan trọng để vaccine có hiệu quả bảo vệ. Thông thường, các loại vaccine đều có kháng thể sau ít nhất 1 tuần, sau 2 tuần kháng thể tăng cao, đạt khả năng phòng dịch tối đa sau 1 tháng.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng cúm, ngoài các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, di chuyển trên phương tiện công cộng, sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng, khám bệnh sớm khi có triệu chứng, không nên tự ý điều trị…

Bác sĩ Chính giải thích thêm, virus có cấu tạo và cơ chế hoạt động khác với vi khuẩn. Vi khuẩn tấn công tế bào từ bên ngoài còn virus sẽ bám vào các tế bào khỏe mạnh của vật chủ và nhân lên. Do đó, kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn, song không tiêu diệt được virus. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh và kháng virus có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, tăng nguy cơ ngộ độc, kháng thuốc khi sử dụng không đúng chỉ định và đúng liều.

Do đó, tiêm vaccine là cách phòng bệnh chủ động. Vaccine cúm cần tiêm nhắc lại hàng năm một mũi do cấu trúc kháng nguyên của virus cúm thay đổi mỗi năm và kháng thể bảo vệ từ vaccine giảm dần theo thời gian.

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm tứ giá thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết….

Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-tang-nguoi-dan-di-tiem-vaccine-cum-post859383.html
Zalo