Gia tăng ca nhập viện vì cúm mùa, bác sĩ cảnh báo không chủ quan

Theo BS.Lê Văn Thiệu, thời điểm này miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, cùng không khí hanh khô, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển.

Không tự ý dùng Tamiflu điều trị cúm A

Những ngày qua, một số bệnh viện liên tục ghi nhận sự gia tăng nhanh của số ca mắc cúm A phải nhập viện, nhất là trẻ em.

Đáng nói, đã có nhiều trường hợp biến chứng nặng về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn,...

Thông tin mới đây từ BSCKII. Trần Văn Bàn (Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh), chỉ trong 5 ngày đầu năm 2025, đơn vị đã thăm khám và điều trị cho hơn 300 ca cúm A,B số lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần 20% bệnh nhi đã có biến chứng nặng về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn,... gây khó khăn và kéo dài thời gian điều trị, phần lớn do trẻ sử dụng thuốc tại nhà không qua kê đơn và đưa tới thăm khám muộn.

Trước sự gia tăng đột biến các ca mắc cúm A, B, ngày 11/1, trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, thời điểm này miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, cùng không khí hanh khô, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng.

BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trao đổi với Người Đưa Tin.

BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trao đổi với Người Đưa Tin.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua cũng khiến mọi người cảm thấy khó chịu hơn, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp…

Song song với đó, hiện vào thời điểm cận Tết, khi các hoạt động tụ tập đông người như lễ hội và mua sắm diễn ra phổ biến, trẻ em thường xuyên tham gia những nơi đông đúc, dễ tiếp xúc với người mắc bệnh. Hiện nay, các chủng cúm A, B đã trở thành một trong những virus cúm mùa thông thường.

Tuy nhiên, theo BS.Thiệu viêm phổi do cúm hoặc liên quan đến cúm là nguyên nhân quan trọng gây bệnh hoặc tử vong trên những bệnh nhân có nguy cơ cao.

BS.Thiệu cho hay, cúm A sẽ trở nặng sau 3-5 ngày, thời gian dễ tiến triển có biến chứng viêm phổi trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, có những đối tượng mới 2 ngày cúm đã phải thở máy. Do vậy, mỗi người bệnh cần quan tâm đến sức khỏe để đến cơ sở y tế khám kịp thời, tránh nguy cơ tiến triển nặng.

Hiện cúm A có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc đáp ứng điều trị của bệnh nhân rất tốt. Điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus cho bệnh nhân cúm A có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh đường hô hấp dưới và nằm viện. Liệu pháp kháng khuẩn phù hợp làm giảm tỉ lệ tử vong do viêm phổi do nhiễm khuẩn thứ phát.

BS.Thiệu cho hay, sử dụng thuốc kháng virus trong vòng 1 đến 2 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng làm giảm thời gian sốt, mức độ nặng của các triệu chứng.

Điều trị bằng các loại thuốc kháng virus được khuyến cáo cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (bao gồm tất cả bệnh nhân nằm viện), những người có các triệu chứng giống cúm.

Trước việc người dân bị cúm tự mua Tamiflu điều trị tại nhà, BS.Thiệu khuyến cáo Tamiflu (oseltamivir) là thuốc kháng virus chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A nặng hoặc có nguy cơ biến chứng.

"Người bệnh phải được xác định là nhiễm cúm A, kèm theo đó là chỉ định của bác sĩ thì mới có thể dùng Tamiflu", BS.Thiệu thông tin.

"Do đó, việc tự ý dùng thuốc khi không cần thiết có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc, gây lãng phí, không hiêụnquả, người bệnh không tự ý mua", BS.Thiệu nhấn mạnh.

Vị bác sĩ Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cũng lưu ý thêm, khi trẻ nhỏ bị cúm cần theo dõi các triệu chứng như: Sốt cao liên tục > 38,5°C, hoặc co giật; khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực; tím môi và đầu chi, tay chân lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ…

Đặc biệt lưu ý cha mẹ không tự ý điều trị tại nhà, đảm bảo trẻ được tiêm phòng cúm đầy đủ hàng năm và đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Chủ động phòng chống cúm mùa

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa do chủng cúm A(H1N1), hay còn gọi là chủng cúm lợn - là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A(H1N1), các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A(H3N2), cúm B và cúm C.

Bệnh cúm mùa lưu hành ở mọi nơi trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong.

Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng.

Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng.

Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 6.00.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc, với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A (H1N1).

Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh.

Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-tang-ca-nhap-vien-vi-cum-mua-bac-si-canh-bao-khong-chu-quan-204250111105351155.htm
Zalo