Gia Lai tạo bứt phá từ 3 trụ cột chiến lược

Định hướng trở thành tỉnh khá của khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Gia Lai tập trung nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo 3 trụ cột chính.

Gia Lai từ tỉnh đầy khó khăn đã vươn mình trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên

Gia Lai từ tỉnh đầy khó khăn đã vươn mình trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên

Hành trình trở thành điểm sáng kinh tế

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ông Hồ Văn Niên cho hay, sau 50 năm giải phóng và gần 40 năm đổi mới, Gia Lai đã chuyển mình với kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hằng năm.

“Nhìn lại hành trình nửa thế kỷ qua của tỉnh nhà, chúng ta có quyền tự hào trước những thành tựu đã đạt được. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Gia Lai đã không ngừng nỗ lực để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Các chương trình nông thôn mới, các dự án kinh tế quan trọng đang góp phần thay đổi diện mạo tỉnh Gia Lai, từng bước trở thành một điểm sáng về nhiều mặt trong khu vực”, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai chia sẻ.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế - GRDP ước tăng bình quân 6,36%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 68 triệu đồng, dự ước năm 2025 đạt 75,69 triệu đồng. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 14,1% - vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.600 tỷ đồng, đến năm 2024 đạt trên 6.330 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2023 và tăng 27,34% so với năm 2020.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tỉnh Gia Lai bám sát vào các nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, đẩy mạnh phát triển kinh tế một cách sâu sắc, toàn diện và bao trùm dựa trên 3 trụ cột chính. Cụ thể, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, nâng cao; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc dựa trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng; phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững có chất lượng và khác biệt, mang bản sắc của Tây Nguyên.

Đến nay, Gia Lai đã xây dựng trục tăng trưởng mới trên thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thương mại - du lịch. Hệ thống giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt từ tỉnh đến trung tâm các xã, đến tất cả các thôn, làng và với các tỉnh lân cận trong khu vực.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Dự án được trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4/2025 và khởi công trong năm 2025, hoàn thành năm 2029. Việc tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đưa vào khai thác sẽ giúp hành trình từ Gia Lai xuống cụm cảng biển ở Bình Định chỉ còn 1,5 giờ so với lưu thông bằng Quốc lộ 19 hiện hữu.

Không những vậy, tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô liên kết vùng, phát huy lợi thế của vùng sản xuất và chế biến các sản phẩm nông - lâm nghiệp với khu vực kinh tế biển cung cấp các dịch vụ logistics và vận tải biển.

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó giám đốc Sở Tài chính Gia Lai cho hay, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đầu tư sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, tạo động lực liên kết, lan tỏa, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt nối Tây Nguyên với cảng biển nước sâu.

“Tuyến cao tốc này còn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, là hành lang vận tải quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kết nối cảng biển Bình Định và khu vực duyên hải miền Trung với cửa khẩu vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đây là tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây Nguyên, mở rộng không gian phát triển”, ông Hòa nói.

Phát huy nội lực, thu hút đầu tư có chọn lọc

Tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai đầu năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn; ngành công nghiệp chế biến; tài nguyên du lịch phong phú; năng lượng tái tạo…

Định hướng phát triển trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, quyết tâm phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú, đặc sắc về vốn văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cũng như đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,06% năm 2025, tỉnh Gia Lai đã chỉ ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Ông Đinh Hữu Hòa cho hay, tỉnh ưu tiên triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Đồng thời, tập trung bố trí trọng tâm, trọng điểm để triển khai những nhiệm vụ, công trình, dự án lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không bố trí vốn dàn trải, manh mún.

“Tỉnh cũng sẽ tăng cường thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực trồng trọt. Chú trọng đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ trồng trọt, tăng cường các giải pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch”, ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, Gia Lai sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, cà phê, tiêu… Tiếp tục kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy phong điện, điện mặt trời triển khai trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trước hết cần tập trung xã hội hóa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng; khuyến khích các sàn thương mại điện tử triển khai chính sách ưu đãi thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương.

“Việc thu hút đầu tư sẽ được tỉnh chọn lọc nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Trong đó, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực và ngành nghề phù hợp, nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn cho ngân sách và có sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng công tác xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp lớn có vốn nước ngoài vào đầu tư tại khu, cụm công nghiệp...”, ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hồ Văn Niên, Gia Lai đang cố gắng tập trung phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tích cực thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác với các địa phương, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.

Thanh Chung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-lai-tao-but-pha-tu-3-tru-cot-chien-luoc-d275604.html
Zalo