Gia Lai tăng cường lãnh đạo công tác giảm nghèo bền vững
Ngày 27/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Kế hoạch 47-KH/TU để triển khai thực hiện; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp nghiêm túc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát với thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
Báo cáo sơ kết ba năm của Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các đối tượng, từ năm 2022 đến nay đã có 148.586 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn giảm nghèo từ kênh ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 7.400 tỷ đồng.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 148.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo; trong đó, giúp 8.950 hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 31.400 lao động; xây dựng và cải tạo 86.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho 2.196 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo có vốn xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 110.556 lao động, trong đó, giải quyết việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số là 35.790 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 27.639 lao động.
Từ năm 2022 đến thời điểm ngày 30/10/2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 172.208 người thuộc hộ nghèo, 190.033 người thuộc hộ cận nghèo, 848.009 người dân tộc thiểu số sinh sống vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 285.119 người thuộc hộ nông lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình với tổng kinh phí khoảng 955.696 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ để thực hiện là 595.496 triệu đồng. Chương trình đã tạo điều kiện cho các địa phương phát triển bền vững, nhất là trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo từng bước thoát nghèo. Nhờ vậy, đã gia tăng các cơ hội cho các hộ nghèo hưởng lợi từ thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và giúp cải thiện điều kiện sống cũng như tăng cơ hội thoát nghèo; góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội như: việc làm, y tế, giáo dục, điện, nước sạch, thông tin...
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, tỉnh cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án; triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng và huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Nhờ vậy, hiện toàn tỉnh còn 23.852 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,06%, bình quân giảm 2,01%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch 47-KH/TU đề ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Công tác giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, là hoạt động mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc; xác định rõ tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm huy động tổng thể nguồn lực để chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 3 năm thực hiện, kết quả công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn cần phải nỗ lực khắc phục, thực hiện. Đó là số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai vẫn cao so với cả nước, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,37% tổng số hộ nghèo. Trong công tác giảm nghèo, hình thức hỗ trợ tạo việc làm chưa đa dạng; phần lớn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa tích cực tham gia lao động sản xuất, chỉ làm các công việc thời vụ, chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng ở các xã, các thôn, làng đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế.
Công tác xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa nhiều, vẫn chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, chưa khai thác, huy động hết nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong nhân dân và chính đối tượng thụ hưởng là người nghèo.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác giảm nghèo. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay, các gương điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững, từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. ...
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo và thực trạng đời sống của hộ nghèo để kịp thời chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh các chính sách, giải pháp giảm nghèo cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng vùng. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới là hết sức nặng nề, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.