Nông nghiệp về đích ngoạn mục, hướng tới tăng trưởng 4% năm 2025
Năm 2024 đã chứng kiến nhiều thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức. Sang năm 2025, ngành đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3,5 - 4%, kim ngạch xuất khẩu đạt 70 tỷ USD.
Chiều ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có những thuận lợi và thách thức đan xen, bao gồm tác động của biến động thị trường; thời tiết khắc nghiệt, xâm nhập mặn diễn ra ở các thành phố phía Nam và đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (bão Yagi)... Dù vậy, vượt qua những khó khăn, ngành nông nghiệp năm nay vẫn về đích với những kết quả tích cực.
Cụ thể, năm 2024, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp ước đạt 3,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm trước (YoY); xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% YoY.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4% YoY; chăn nuôi đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% YoY; lâm sản đạt 17,28 tỷ USD, tăng 19,4% YoY; thủy sản đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2% YoY. Việt Nam có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng một sản phẩm so với năm 2023).
Tỷ lệ che phủ rừng năm qua đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, một trong những dấu ấn tiêu biểu của ngành năm qua là công tác phục hồi sau bão Yagi, cơn bão lịch sử trong 70 năm qua, gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất và hỗ trợ đời sống nhân dân.
Một trong những điểm sáng trong công tác phòng chống bão Yagi là quyết định điều tiết lượng nước tại hồ Thác Bà và hồ thủy điện Hòa Bình. Các quyết định chính xác đó đã giúp tránh được nguy cơ phá đập, bảo vệ an toàn cho hàng triệu người dân khu vực hạ lưu. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò tham mưu sáng suốt và năng lực điều hành hiệu quả của Bộ NN&PTNT.
Kết quả năm 2024 thể hiện rõ tinh thần “biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể” của ngành nông nghiệp. Đối diện với những bất lợi khách quan như việc đứt gãy thị trường cho đến những khó khăn nội tại do ảnh hưởng bởi thiên tai, ngành nông nghiệp vẫn vươn lên và đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, xuất khẩu đạt kết quả tốt.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần trên phải được khắc họa và tuyên truyền thật tốt, để ngành tiếp tục tự tin tự lực tự cường đi lên.
Trong khi đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số sẽ là những công cụ để ngành ứng phó biến đổi khí hậu, để thực hiện kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh té chia sẻ, sáng tạo...
Nông nghiệp Việt Nam hiện tại vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường, xuất khẩu đạt nhiều kỷ lục. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.
Đạt được kết quả trên, theo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, sáng tạo các giải pháp trước những khó khăn, thách thức từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Trong đó, sản lượng lúa cả năm 2024 đạt gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4% YoY; xuất khẩu gạo đạt khoảng 9 triệu tấn – mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Các mặt hàng cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực tiếp tục phát triển như sầu riêng tăng 21% YoY, đạt 1,45 triệu tấn; thanh long đạt 1,35 triệu tấn, tăng 13,3% YoY; cao su đạt gần 1,37 triệu tấn, tăng 7,5% YoY...
Sản xuất thủy sản phát triển ổn định với tổng lượng ước đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4% YoY... Trong năm 2024, sản lượng thịt hơi sản xuất nội địa ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2023.
Ngành nông nghiệp cũng từng bước tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Có những sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản.
Trong năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường lớn cùng việc thực hiện giải pháp mở cửa thị trường mới, từ đó góp phần vào kết quả kim ngạch xuất khẩu của ngành; triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030”...
Tuy nhiên, dù ngành nông nghiệp có những kết quả kỷ lục cũng không thể phủ nhận những hạn chế mà ngành đang có. Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, ngành nông nghiệp hiện chưa phát triển ngang tầm với tiềm năng đang có; cơ chế chính sách, công tác quy hoạch, xây dựng thể chế phát triển nhanh và bền vững của ngành còn hạn chế. Vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU thực hiện chưa hiệu quả.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Việt Nam ra thế giới, đi kèm với đó là quy hoạch vùng nguyên liệu để đảm bảo đủ lượng cung ứng ra quốc tế. Việt Nam sẽ phải tập trung nhiều hơn vào phát triển thị trường và có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, chú trọng mẫu mã bao bì...
“Chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm và rõ trách nhiệm. Đặc biệt, phải bám sát tình hình thị trường, bởi Việt Nam đang phát triển kinh tế nông nghiệp: vừa sản xuất, vừa kinh doanh, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa xuất khẩu,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại Hội nghị.
Năm 2025 sẽ là năm tăng tốc và bứt phá của ngành nông nghiệp
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2025 mở ra chương mới cho nông nghiệp Việt Nam với nhiều cơ hội lớn cũng như các thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, chủ đề xuyên suốt của ngành sẽ là “thích ứng linh hoạt – khơi thông nguồn lực – tăng tốc bứt phá”.
Thích ứng linh hoạt là vượt qua các khó khăn, thách thức; khơi thông nguồn lực là tạo động lực tăng trưởng; tăng tốc bứt phá là hướng tới các mục tiêu vươn xa của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình, đặt mục tiêu năm 2025 sẽ là năm tăng tốc và bứt phá của ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, ngành sẽ phải tập trung chỉ đạo và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch xây dựng chiến lược, thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ những nút thắt đang tồn tại. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phục vụ phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo...
Đặc biệt, ngành sẽ phải góp phần trong việc thực hiện hiệu quả chống biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm như ĐBSCL, Tây Nguyên, miền Trung.... Năm 2025, nông thôn sẽ phải hiện đại hơn, nông nghiệp tiên tiến hơn và người dân ấm no hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,5 - 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là 60%...
Để tiếp tục phát triển và hướng tới các mục tiêu mới, năm 2025 ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào 6 giải pháp chính.
Thứ nhất, tập trung kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Thứ hai, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Thứ ba, tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.
Thứ năm, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.