Gia Lai: Kiến tạo sinh kế từ 'lá phổi xanh' Tây Nguyên
Với những chủ trương đúng và chính sách sát thực tiễn, hơn 3 năm qua, tỉnh Gia Lai đã phủ xanh hàng nghìn hecta rừng, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân và góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường.
Phủ xanh đất trống đồi trọc
Gia Lai là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 1.551.013,25ha. Trong đó, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo các Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 và 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ là 714.597ha, chiếm 46,07% diện tích toàn tỉnh.
Diện tích đất có rừng đạt 649.996,84ha, gồm: 478.687,09ha rừng tự nhiên, 156.422,33ha rừng trồng và 14.887,42ha rừng trồng chưa thành rừng.
Trong hơn 3 năm qua, tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển rừng bền vững. Nhờ chủ trương đúng đắn, chính sách sát thực tiễn, hàng nghìn hecta rừng đã được phục hồi, tái phủ xanh.
Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, các mô hình quản lý, sử dụng rừng hiệu quả còn giúp người dân – đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa – có sinh kế ổn định, coi rừng là điểm tựa cho cuộc sống bền vững.

Trong 3 năm qua, tỉnh Gia Lai tiến hành phủ xanh hàng ngàn ha đất trống đồi trọc.
Từ năm 2021–2024, tỉnh Gia Lai đã trồng hơn 33.100ha rừng, đạt 82,76% chỉ tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU. Với mục tiêu 8.200ha trong năm 2025, tỉnh dự kiến vượt kế hoạch 40.000ha cả nhiệm kỳ.
Huyện Kông Chro trồng 5.770ha, là địa phương dẫn đầu tiến độ. Giai đoạn 2022–2024, huyện đã vận động 976 hộ dân kê khai gần 2.620ha đất lấn chiếm để trồng rừng, đồng thời khai thác 608,41ha rừng trồng, thu hơn 41.737 m³ gỗ.

Trồng rừng hướng đi đúng đắn mang lại hiệu quả lâu dài.
Hiệu quả bền vững
Ông Từ Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro chia sẻ: Phát triển rừng bền vững là trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Những năm qua, công ty đã phủ xanh hàng trăm ha đất trống, phối hợp với người dân trong công tác trồng và bảo vệ rừng. Nhờ đó, nhiều hộ có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Ông Lộc cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên vận động người dân kê khai đất lâm nghiệp để trồng rừng, thu hồi đất bị lấn chiếm, khuyến khích gắn trồng rừng với phát triển kinh tế bền vững.

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku một trong những đơn vị trồng rừng với diện tích lớn.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku đã trồng hơn 1.117ha rừng, trong đó 466,26ha do công ty tự trồng, còn lại hơn 651,4ha là trồng hợp tác với cá nhân, hộ gia đình.
Ông Đoàn Văn Hợi, Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã thu hồi 468,32ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và vận động 650 hộ dân ký hợp đồng hợp tác trồng rừng trên hơn 766ha đất. Việc phủ xanh đất trống được triển khai song song với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng để cùng hưởng lợi.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, các chính sách bảo vệ rừng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Người dân được hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm khi tham gia bảo vệ rừng. Giai đoạn 2022–2024, tỉnh đã giao khoán hơn 104.000ha rừng cho 5.463 hộ và 38 cộng đồng, với tổng kinh phí gần 18,8 tỷ đồng.

Trồng rừng giúp người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có công việc làm ổn định, thu nhập cao, đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021–2024, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương dành cho phát triển lâm nghiệp tại Gia Lai đạt hơn 1.010 tỷ đồng. Các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn này đã giúp nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương.
Trao đổi với PV, một cán bộ Chi cục Lâm nghiệp – Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Với gần một nửa diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Không chỉ cung cấp lâm sản cho thị trường, ngành còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống xói mòn và điều hòa khí hậu. Đồng thời, đây cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới.

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, hàng trăm ha đất trống, đồi trọc được phủ xanh.
Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đã có nhiều chuyển biến. Người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, với mức hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng từ 300.000 đồng/ha/năm đã giúp người dân tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai hiệu quả tại cộng đồng sống bằng nghề rừng đã tạo việc làm, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, góp phần giảm nghèo và cải thiện phúc lợi.
Từ năm 2021 đến nay, lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng đã tổ chức hơn 1.000 đợt tuyên truyền, thu hút 80.000 lượt người tham gia; phát gần 89.000 tờ rơi, tranh ảnh tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng.
Các lớp tập huấn cũng được mở rộng, thu hút nhiều lao động, trong đó có đông đảo phụ nữ.