Sửa đổi Luật, đề xuất tăng quyền xử lý vi phạm hành chính của chủ tịch cấp xã sau sắp xếp
Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính bị tác động bởi chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt để bảo đảm phù hợp với chủ trương tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước thời gian qua và trong giai đoạn sắp tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 24/143 điều, sửa kỹ thuật 23/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính) và bổ sung mới 2 điều.
Dự thảo Luật sửa đổi quy định về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay.
Dự thảo Luật cũng bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công nghiệp công nghệ số; dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Trong Dự thảo Luật lần này cũng bổ sung quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ. Quy định này đi kèm với các điều kiện như: thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm hết thời hạn tạm giữ; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng…
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, quy định này nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
Dự thảo Luật sửa đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo hướng, quy định thời hiệu cụ thể là 6 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm, đồng thời, giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Trong quy định điều khoản chuyển tiếp, Dự thảo Luật cho phép Trưởng Công an xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Trưởng công an cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, kể từ khi Luật được thông qua, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các chức danh có liên quan tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Theo lý giải trong tờ trình Dự thảo Luật, việc trao thẩm quyền cao hơn cho lực lượng ở cấp xã (mới) là giải pháp cần thiết, phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp, khi các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước chưa kịp sửa đổi, bổ sung theo quy định của dự thảo Luật.
Các quy định này cũng thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, đặc biệt là trong xử lý vi phạm hành chính, từ đó trao quyền và gắn với trách nhiệm cho chính quyền, lực lượng chức năng ở cấp cơ sở thường xuyên phát hiện, tiếp xúc, xử lý các hành vi vi phạm phát sinh trên địa bàn.
Thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý Vi phạm hành chính.
Cơ quan thẩm tra cũng tán thành việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra trong thời hạn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra để bảo đảm tính kịp thời trong xử phạt vi phạm hành chính khi Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) không tiếp tục quy định việc tổ chức thanh chuyên ngành tại các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ một số đơn vị đặc thù). Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát từng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan.
Về mức phạt tiền trên địa bàn TP Hà Nội và khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 1 Điều 23), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy việc bổ sung quy định địa bàn TP Hà Nội được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần trong một số lĩnh vực như "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm" là không cần thiết.
Bởi mức phạt tiền trong các lĩnh vực này đã được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 33 của Luật Thủ đô năm 2024; trường hợp không bổ sung nội dung này thì việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thủ đô vẫn được áp dụng riêng theo quy định tại khoản 1, Điều 4 của Luật Thủ đô.
Về việc bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương khác, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm cơ sở xem xét nội dung này khi sửa đổi toàn diện Luật, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một sổ điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 25/6.