Phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng

m bảo phát triển bền vững, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành Vật liệu xây dựng (VLXD), trong năm 2024, Vụ Vật liệu xây dựng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

Ông Lê Trung Thành

Ông Lê Trung Thành

Loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vật liệu

Ngành VLXD Việt Nam có lịch sử lâu đời, có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, tổng năng lực sản xuất các VLXD chủ lực của Việt Nam đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn). Trong đó, sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm Top đầu thế giới. Chất lượng VLXD Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng Top đầu ASEAN.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành VLXD nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc để phân tích, đánh giá tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành, địa phương. Sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

Sau khi Chỉ thị số 28/CT-TTg ban hành, Vụ Vật liệu xây dựng đã chủ trì tham mưu triển khai các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng và phổ biến, tuyên truyền đến các địa phương, hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp ngành VLXD. Đến nay, sức lan tỏa của Chỉ thị số 28/CT-TTg trên toàn quốc rất tốt, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện nhiệm vụ được giao; doanh nghiệp tích cực chủ động thực hiện tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, chi phí đầu vào sản xuất, tiết giảm chi phí các khâu trung gian để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, các Bộ ngành tích cực rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 28/CT-TTg.

Vụ Vật liệu xây dựng đã chủ trì tham mưu để Bộ Xây dựng xem xét, ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD nhằm tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa VLXD trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng. Từ đó, sàng lọc và phân biệt rõ các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng tốt và các loại chất lượng chưa tốt để quản lý chính xác, hiệu quả hơn từng nhóm đối tượng. Khuyến khích nâng cao sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng tốt và xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, Thông tư 10/2024/TT-BXD quy định cụ thể, minh bạch phân biệt các sản phẩm, hàng hóa VLXD (nhóm 2) có khả năng gây mất an toàn về chất lượng công trình, sức khỏe, môi trường với các sản phẩm VLXD thông thường không có khả năng gây mất an toàn (nhóm 1) và liên thông với pháp luật về hải quan (áp mã hàng hóa, áp mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…).

Ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết: Năm 2025 và các năm tới, nước ta tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam với mục tiêu đạt 3.000 km đến hết năm 2025, đạt 5.000 km đến hết năm 2030 và khoảng 9.000 km đến hết năm 2050; các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia như đường Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3, 4 TP.HCM, Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nhiều dự án về năng lượng, thủy lợi, thủy nông, các khu công nghiệp, khu kinh tế, các công trình hạ tầng xã hội đô thị và khu vực nông thôn như trường học, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng…; xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác… sẽ có nhu cầu rất lớn về VLXD.

Với các giải pháp đồng bộ được triển khai theo Chỉ thị số 28/CT-TTg về hoàn thiện cơ chế chính sách; áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sản xuất của Ngành, nhất là sản xuất xanh; thúc đẩy thị trường, trong đó chú trọng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường trong và ngoài nước… Dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa VLXD trong thời gian tới sẽ tăng lên, để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.

Thông tư 10/2024/TT-BXD được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng VLXD và góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ VLXD.

Thông tư 10/2024/TT-BXD được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng VLXD và góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ VLXD.

Đảm bảo cân đối cung - cầu và chất lượng VLXD

Chia sẻ về một số giải pháp phát triển bền vững ngành VLXD trong thời gian tới, ông Lê Trung Thành cho biết: Bước sang năm 2025, lĩnh vực quản lý nhà nước về VLXD sẽ tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo cân đối cung - cầu VLXD trên toàn quốc. Đồng thời, triển khai sâu rộng công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD, cụ thể là hướng dẫn địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định, nội dung tại Thông tư số 10/2024/TT-BXD ngày 01/11/2024 về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD để đảm bảo vật liệu đưa vào công trình và phục vụ người dân được kiểm soát tốt về nguồn gốc sản xuất và chất lượng.

Hai là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến khoáng sản làm VLXD gắn với giải pháp phát triển ổn định, bền vững, sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu thân thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Triển khai Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm VLXD đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó có nội dung về quy hoạch và quản lý khoáng sản làm VLXD.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng cát biển trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông, công nghiệp, khu đô thị, nhà ở dân dụng… Thúc đẩy nghiên cứu phát triển các loại VLXD, cấu kiện xây dựng sử dụng cho công trình ven biển và hải đảo; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu phế thải tái chế, thân thiện môi trường; Đôn đốc các cơ sở sản xuất xi măng triển khai nghiên cứu, lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải lò nung để phát điện và hệ thống đồng xử lý rác thải; tăng cường kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực VLXD đến năm 2030.

Bốn là, tiếp tục triển khai hiệu quả, sâu rộng các nội dung tại Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030; Đề án phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; Đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

Năm là, triển khai công tác kiểm tra sự tuân thủ pháp luật quản lý nhà nước về VLXD tại các địa phương và kiểm tra theo chuyên đề từng lĩnh vực quản lý về khoáng sản làm VLXD; đầu tư, sản xuất VLXD; sử dụng vật liệu xây không nung; sử dụng phế thải tại các cơ sở DAP; sử dụng nhiệt thừa để phát điện, sử dụng rác thải làm nhiên liệu để sản xuất xi măng và sử dụng chất thải tro, xỉ, thạch cao làm phụ gia trong sản xuất xi măng; công tác chứng nhận hợp quy sản phẩm VLXD.

Sáu là, tập trung xây dựng đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển VLXD trong giai đoạn mới” trình Ban Bí thư xem xét thông qua để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo các chính sách trong dài hạn được ban hành, thực thi có tính hệ thống xuyên suốt sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển VLXD, phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước ta.

Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-ben-vung-nganh-vat-lieu-xay-dung-393342.html
Zalo