Gia đình - nơi để yêu thương
Gia đình là tổ ấm, là nơi đầu tiên và cuối cùng để mỗi người tìm đến trong cuộc đời. Đó là nơi chan chứa yêu thương, là bến đỗ bình yên giữa những xô bồ, áp lực của cuộc sống. Nhưng hạnh phúc gia đình không phải tự nhiên mà có, mà cần được xây dựng từ những điều nhỏ bé và giản dị hằng ngày.
Việc quan tâm và sẻ chia không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là một biểu hiện của tình yêu thương trong mỗi gia đình. Những khoảnh khắc tưởng chừng bé nhỏ này chính là nền tảng vững chắc cho một mái ấm hạnh phúc.
Từ những điều nhỏ bé
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình Việt Nam, 85% người trưởng thành cho rằng gia đình là nguồn gốc chính của hạnh phúc trong cuộc sống. Điều này cho thấy sự quan trọng của mối quan hệ gia đình trong việc hình thành cảm xúc và tâm lý tích cực cho mỗi cá nhân. Trong tổ ấm ấy, sự kết nối giữa các thành viên là vô cùng quý giá, giúp mỗi người không chỉ vượt qua khó khăn mà còn phát triển toàn diện.
Tổ ấm gia đình được xây dựng trên các yếu tố nền tảng như tình yêu thương, sự chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau. Những khoảnh khắc bình dị, từ bữa cơm gia đình cho đến những cuộc trò chuyện hằng ngày, đều góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho hạnh phúc.
Theo chị Nguyễn Thị Tâm ở xã An Chấn (huyện Tuy An), bữa cơm gia đình không chỉ là thời điểm để nạp năng lượng mà còn là khoảng thời gian quý báu để các thành viên kết nối với nhau, cùng trò chuyện về công việc và học tập; không chỉ tạo ra những kỷ niệm đẹp mà còn giúp các thành viên gắn bó hơn.
Chị Tâm bày tỏ: “Mỗi tối, tôi dành ra ít nhất 30 phút để cùng con cái làm món ăn yêu thích. Đó không chỉ là việc nấu nướng mà là thời gian để chúng tôi tạo ra những kỷ niệm đẹp”.
Hay như anh Phan Xuân Thanh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng anh vẫn cố gắng tham gia nấu bữa tối để thay đổi không khí và cảm nhận sự ấm áp từ gia đình. “Những khoảnh khắc như vậy không chỉ đơn thuần là ăn uống mà là hành trình yêu thương mà gia đình tôi xây dựng cùng nhau. Nhìn các con ăn uống vui vẻ, đó chính là động lực để tôi tiếp tục chăm sóc gia đình”, anh Thanh nói.
Việc xây dựng một gia đình hạnh phúc không nhất thiết phải đến từ những điều lớn lao. Không chỉ một bữa cơm mà những lời hỏi han, sự quan tâm dù nhỏ nhặt cũng góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu thương, là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Cúc ở phường 9 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi luôn chăm sóc và hỏi han nhau. Đặc biệt, gia đình tôi coi trọng việc sum họp trong các dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ hè... để ông bà, con cháu được quây quần, gần gũi, chia sẻ về sức khỏe, công việc, học tập. Ông bà, cha mẹ, những người lớn phải làm gương cho con cháu. Mỗi khi con cháu có hành vi, lời nói không đúng mực, ông bà đều nhẹ nhàng nhắc nhở, bảo ban để sửa chữa. Hơn hết, cha mẹ tôi cũng coi con dâu như con gái, con rể như con trai để yêu thương, gần gũi và công bằng trong đối xử, giúp các con thoải mái, đoàn kết, chia sẻ, thực sự yêu thương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
Gìn giữ hạnh phúc gia đình trong thời đại mới
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo Người, đã là người trong gia đình thì phải luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, “chị ngã em nâng”, “anh em như thể tay chân/ rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần”...
Thế nhưng, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, gia đình truyền thống Việt Nam đang có nhiều biến chuyển. Cuộc sống hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không dành thời gian đúng mức cho gia đình.
Cũng vì thế, trong gia đình, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Việc tìm tiếng nói chung cũng ngày càng khó khăn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. Vợ chồng nếu không biết “giữ lửa”, tình cảm cũng rất dễ bị nguội lạnh.
Để xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ mới, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL, các cấp, ngành, tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý về công tác xây dựng gia đình; tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc...
Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Gia đình được xem là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Gia đình còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại, phát triển đều phải biết chăm sóc, bảo vệ từng mái ấm gia đình. Nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình hạnh phúc sẽ giúp mỗi người cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước”, bà Thái nhấn mạnh.