Giá điện tăng, doanh nghiệp tìm cách thích ứng
Giá điện tăng đang buộc doanh nghiệp cải tổ sản xuất, tiết giảm chi phí, trong khi cơ quan chức năng nên kiểm soát giá cả nghiêm ngặt hơn.
Nâng cấp công nghệ, tái cơ cấu các khoản chi
Theo các quyết định của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện bình quân đã tăng 4,8%. Việc tăng giá này đặt trong bối cảnh chi phí đầu vào ngành điện không ngừng leo thang. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tác động của lần điều chỉnh giá này không dừng lại ở khía cạnh kinh tế mà còn tạo sức ép thay đổi hành vi sử dụng điện của người dân lẫn cách thức vận hành của doanh nghiệp. Với khối sản xuất, giá điện tăng là cú hích để nhìn lại toàn bộ quy trình vận hành. Nhiều doanh nghiệp đã lập tức chủ động tái cơ cấu các khoản chi, tính toán kỹ lưỡng hơn từng khâu tiêu thụ điện năng.
Theo ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp tiêu thụ 3,7 triệu kWh. Với mức tăng 4,8%, chi phí sản xuất mỗi năm tăng thêm khoảng 4 tỷ đồng, tác động mạnh nhất đến nhóm sản phẩm NPK hàm lượng cao. Điều này buộc doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện, ví dụ như triển khai hệ thống ISO 50001:2018, số hóa quản trị năng lượng qua phần mềm PMS, lắp đặt biến tần ba pha, thay mới động cơ hiệu suất cao và đèn chiếu sáng LED tiết kiệm. Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, giá điện chiếm khoảng 20%-30% giá thành sản phẩm nên đơn vị chủ động nâng cấp công nghệ, cải tiến dây chuyền để tối ưu hiệu suất.
Minh bạch hóa giá thành và kiểm soát giá
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá, việc điều chỉnh giá điện là hợp lý nếu nhìn trong tổng thể thị trường. Tuy nhiên, ngành điện lực nên cải tổ mạnh mẽ nội tại, giảm các chi phí thường xuyên, vận hành tối ưu hệ thống, tăng tỷ trọng huy động từ các nguồn điện giá rẻ. Trong đó nên công khai chi tiết chi phí sản xuất của từng loại hình (thủy điện, nhiệt điện than, khí, năng lượng tái tạo…) để người dân giám sát. Sớm triển khai lộ trình thị trường điện cạnh tranh (bán buôn và bán lẻ) để hạn chế độc quyền, minh bạch hóa giá bán, kích thích đầu tư xã hội vào năng lượng sạch.
Theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, giá điện tăng, nếu không có các biện pháp kiểm soát chặt, sẽ là cái cớ để nhiều mặt hàng “té nước theo mưa”. Do vậy đề nghị các cơ quan quản lý vào cuộc quyết liệt, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết giá minh bạch trước và sau thời điểm điều chỉnh. Với nhóm hàng hóa - dịch vụ do Nhà nước định giá, không cho phép điều chỉnh vượt mức tăng chi phí điện. Đối với các lĩnh vực khác, phải có giám sát chặt và xử lý nghiêm trường hợp tăng giá vô lý.
Có thể nói, tăng giá điện là xu thế không thể tránh khỏi khi áp lực chi phí đầu vào ngày càng lớn, Việt Nam phải từng bước hội nhập sâu hơn vào thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cần đi kèm với điều kiện quản lý giá chặt chẽ, minh bạch và công bằng. Doanh nghiệp xem đây là cơ hội tái đầu tư tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi công nghệ, trong khi Nhà nước giám sát chặt chẽ thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như thúc đẩy nhanh thị trường điện cạnh tranh và chiến lược năng lượng bền vững quốc gia.