Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến giá bán phân bón?
Với việc giá điện tăng từ ngày 10/5, giá thành sản xuất phân bón và giá phân bón bán ra trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các doanh nghiệp phân bón thuộc Vinachem.

Xuất bán sản phẩm phân bón lân vi sinh Supe Lâm Thao. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Việc tăng giá điện cho sản xuất kinh doanh áp dụng từ ngày 10/5 vừa qua tác động đáng kể đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như giá thành sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để duy trì hoạt động hiệu quả và giá bán phân bón hợp lý cho nông dân tại thị trường trong nước cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, với sản lượng điện tiêu thụ bình quân 3,7 triệu kWh/tháng, việc tăng giá điện theo Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025 của Bộ Công Thương sẽ làm chi phí sản xuất của Công ty tăng bình quân thêm hơn 4 tỷ đồng/năm.
Theo đó, tùy từng loại sản phẩm mà chi phí tăng khác nhau, nhưng bình quân giá thành sản phẩm phân bón tăng khoảng 10.000 đồng/tấn. Việc giá điện tăng sẽ làm ảnh hưởng đến chi phí và tăng giá thành của tất cả các sản phẩm phân bón supe lân và NPK, trong đó NPK hàm lượng cao bị ảnh hưởng lớn nhất. Vì vậy, Công ty sẽ tính toán và có cơ chế về giá bán phù hợp với tình hình thị trường, ông Nghĩa cho biết.

Sản phẩm phân bón DAP Đình Vũ hiện đã có mặt tại 63 tỉnh thành trên cả nước đáp ứng nhu cầu của nhà nông. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM lại cho biết, từ ngày 10/5, giá điện sản xuất bình quân tăng khoảng 4,8%. Với sản lượng điện tiêu thụ bình quân của Công ty khoảng 5,5 triệu kWh/tháng, tổng chi phí sản xuất của Công ty dự kiến sẽ tăng khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức tăng này, giá bán các sản phẩm trên thị trường cơ bản sẽ được giữ ổn định để đảm bảo sức cạnh tranh.
Để hạn chế thấp nhất các tác động đến giá bán phân bón tại thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Công ty Cổ phần Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao tiếp tục thực hiện số hóa ISO, trong đó có ISO 50001:2018 để tăng hiệu quả quản lý năng lượng. Bên cạnh đó, Công ty tổ chức và quản trị sản xuất phù hợp, ưu tiên sản xuất tại các khung giờ thấp điểm; áp dụng phần mềm quản lý năng lượng PMS, kiểm soát sử dụng năng lượng từng đơn vị, tính toán định mức tiêu hao điện năng cho từng đơn vị sản phẩm cũng như có các chế tài phù hợp để khen thưởng và xử phạt trong quá trình thực hiện quản lý và tiết kiệm năng lượng, ông Trần Đại Nghĩa cho biết.
Ông Trần Đại Nghĩa chia sẻ, đối với các giải pháp kỹ thuật, Supe Lâm Thao đầu tư lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng như: Tủ biến tần ba pha, tủ bù các trạm biến áp; tính toán, thay thế các thiết bị có hiệu suất thấp bằng các thiết bị máy móc mới có hiệu suất cao, có công suất phù hợp với phụ tải đảm để tiết kiệm năng lượng. Cùng đó, Công ty vận hành có hiệu quả các hệ thống thiết bị tiết kiệm điện năng đã được lắp đặt như: Bộ biến tần ba pha quạt hút khí Flo 250kW, quạt hút sấy nóng, sấy nguội 110-132kW, động cơ nghiền 45-55 kW, động cơ đĩa vê viên, động cơ que trộn 37-45kW. Ngoài ra, Công ty cũng đang triệt để áp dụng là thay thế toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng Led có độ phát sáng cao, tiết kiệm điện năng (1.350 bộ); lắp đặt hệ thống điều khiển có thể cài đặt theo nhu cầu và mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Về phía Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM, DAP Đình Vũ đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị và tối ưu hóa sản xuất. Mục tiêu là hạn chế tối đa tác động bất lợi của việc tăng giá điện, đồng thời duy trì ổn định giá bán và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Tuy nhiên, là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu phân bón, đại diện DAP-VINACHEM cũng cho biết, trong bối cảnh các chính sách thuế quan mới từ Mỹ có thể tạo ra áp lực bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu, trong đó có phân bón, DAP Đình Vũ kiến nghị Chính phủ xem xét có các chính sách ưu đãi thuế nội địa, nhất là các loại thuế liên quan đến nguyên nhiên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý liên quan cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón tiếp cận các thị trường mới để mở rộng xuất khẩu. Đặc biệt, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp cận tín dụng ưu đãi là rất quan trọng để doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư đổi mới công nghệ, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, tiết kiệm năng lượng và phát triển sản xuất xanh cũng chính là giải pháp cần thiết để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2025, dự kiến sản lượng DAP của Công ty đạt 240.000 tấn; trong đó sản lượng 4 tháng đầu năm đạt 94.142 tấn phân bón các loại.