Giá dầu châu Á giảm nhẹ trước thềm Năm mới

Chiều 30/12, giá dầu tại thị trường châu Á giảm nhẹ trong một phiên giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Vào lúc 14 giờ giờ Việt Nam, giá dầu Brent

giao dịch kỳ hạn giảm 8 xu Mỹ xuống 74,09 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5 xu Mỹ xuống 70,55 USD/thùng.

Phiên này, các nhà giao dịch đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc và Mỹ vào cuối tuần này để đánh giá tốc độ tăng trưởng của hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Tuần trước, giá cả hai hợp đồng dầu chủ chốt đều tăng khoảng 1,4%, khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tuần kết thúc vào ngày 20/12, do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động và nhu cầu nhiên liệu gia tăng trong dịp lễ.

Giá dầu cũng nhận được lực đẩy nhờ tâm lý lạc quan về đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm tới và sự gia tăng nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này.

Ông Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia hàng hóa tại công ty môi giới tài chính Marex, nhận định mức tiêu thụ dầu toàn cầu đã đạt kỷ lục trong năm 2024, bất chấp việc Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng. Ông cũng cho rằng, dự trữ dầu trong năm tới có thể ở mức tương đối thấp.

Ông Fitzmaurice cũng dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ được cải thiện trong thời gian tới, khi các biện pháp kích thích gần đây phát huy hiệu quả trong năm 2025. Bên cạnh đó, lãi suất thấp hơn ở Mỹ và các nơi khác cũng sẽ hỗ trợ cho tiêu thụ dầu.

Các nguồn tin thương mại cho biết Trung Quốc cũng đã cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu thô ít nhất 152,49 triệu tấn cho các nhà máy lọc dầu độc lập trong đợt thứ hai của năm 2025.

Gần đây, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 và 2025, nhưng cũng đưa ra cảnh báo rằng, niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn còn yếu. Bên cạnh đó, những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, sẽ tiếp tục là lực cản đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm tới.

Trong khi đó, tại châu Âu, hy vọng về một thỏa thuận mới để vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đang mờ dần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không còn thời gian trong năm nay để ký kết một thỏa thuận mới.

Theo các nhà phân tích, việc mất khí đốt của Nga qua đường ống có thể sẽ khiến châu Âu tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Trà My (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-chau-a-giam-nhe-truoc-them-nam-moi/358517.html
Zalo