Chứng khoán hôm nay 10/1: VN-Index đối mặt áp lực điều chỉnh, nhà đầu tư cần thận trọng
VN-Index đối mặt áp lực điều chỉnh và thanh khoản yếu, dự kiến dao động quanh vùng hỗ trợ 1.230 - 1.240 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt cao, theo dõi tín hiệu dòng tiền lớn trước khi mua mới.
Giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro
VN-Index quay đầu giảm điểm sau phiên tăng nhẹ hôm qua. Điểm đáng chú ý trong phiên 9/1 la thanh khoản siêu thấp, khối lượng khớp lệnh thấp nhất vòng 4 năm trở lại đây và sụt giảm mạnh (-37,3%) so với mức trung bình 20 phiên. Thanh khoản mất hút cộng với nhịp điều chỉnh trong biên độ không quá lớn đang cho thấy sự thận trọng và có phần chán nản của giới đầu tư, nên khả năng cao nhịp chỉnh sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới.
Chuyên gia CSI kỳ vọng, nhịp chỉnh sẽ đưa VN-Index về vùng hỗ trợ 1.230 điểm trong các phiên tới. Vì vậy, nhà đâu tư nên tiếp tục bảo lưu quan điểm thận trọng, kiên nhẫn chờ VN-Index test mốc hỗ trợ và xuất hiện tín hiệu tích cực từ thanh khoản thì quay trở lại vị thế mua mới.
Công ty Chứng khoán Beta cho rằng, thị trường đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp và chưa thể tạo ra xu hướng rõ ràng. Đồng thời, dòng tiền tham gia thị trường vẫn yếu, chưa đủ lực để tạo động lực phục hồi. Giai đoạn này, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục, tránh việc mua bắt đáy sớm vì rủi ro tiếp tục giảm giá vẫn hiện hữu. Đặc biệt, cần theo dõi các tín hiệu hỗ trợ từ dòng tiền lớn hoặc những thông tin tích cực từ kết quả hoạt động kinh doanh quý 4 có thể tác động đến thị trường. Trong khi chờ đợi, nhà đầu tư có thể tận dụng thời gian để phân tích kỹ lưỡng các cổ phiếu tiềm năng, tập trung vào nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thị trường hồi phục bất thành và lùi bước với diễn biến thăm dò trong vùng 1.243 – 1.253 điểm. Có khả năng thị trường sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 1.240 điểm, vùng điểm thấp của tháng 12/2024. Dự kiến vùng này vẫn có tác động hỗ trợ cho thị trường trong thời gian gần tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại thị trường. Tạm thời nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, có thể cân nhắc mua ngắn hạn nếu thị trường ghi nhận tín hiệu hỗ trợ tốt từ dòng tiền, ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh.
Khối ngoại tiếp đà rút ròng, VN-Index rung lắc mạnh
Sau 2 phiên phục hồi kiểm tra vùng kháng cự với thanh khoản suy giảm. VN-Index trong phiên 9/1 tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.240 điểm, giá thấp nhất tháng 9/2024. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/1, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.245,77 điểm, giảm 5,25 điểm (-0,24%).
Thanh khoản khớp lệnh ghi nhận kỷ lục buồn, sụt giảm -37,3% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 313 triệu cổ phiếu (-24,25%), tương đương 7.496 tỷ đồng (-26,42%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường chìm trong sắc đỏ với 17/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên là các nhóm ngành như: Thực phẩm tiêu dùng (-1,46%), Phân bón (-1,16%), Thép (-1,01%),...Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng tăng điểm phải kể đến như: Đường (+0,77%), Dầu khí (+0,32%), Điện (+0,30%), BĐS dân cư (+0,26%).
Khối ngoại như “thêm dầu vào lửa” khi bán ròng -440 tỷ đồng trên sàn HSX. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong phiên 9/1 là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: STB (-85 tỷ đồng), VNM (-44 tỷ đồng), SSI (-41 tỷ đồng),... Ở chiều ngược lại, nhóm nhà đầu tư ngoại gia tăng tỷ trọng một số mã như: HDB (+46 tỷ đồng), PAN (+17 tỷ đồng), FPT (+15 tỷ đồng),...