Giá cao su hồi phục khi nguồn cung thắt chặt

Giá cao su đã tiếp tục hồi phục khi lo ngại về tình hình thời tiết làm ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng.

Sau đợt tăng giá mạnh trong quý III/2024 (kéo dài xu hướng tăng bắt đầu từ cuối năm 2022), giá hợp đồng tương lai cao su đã đạt mức cao nhất trong 7 năm qua trên 213 cent/kg vào ngày 2/10/2024 và hiện đang giao dịch ở mức quanh 200 cent/kg.

Sự lạc quan phản ánh những hạn chế nghiêm trọng về nguồn cung toàn cầu tại các khu vực sản xuất cao su chính và nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm cao su, dẫn đầu là Trung Quốc.

Hai loại cao su chiếm ưu thế trên thị trường toàn cầu là cao su thiên nhiên có nguồn gốc từ mủ của các loại cây nhiệt đới như Hevea brasiliensis, và cao su tổng hợp được làm từ các nguồn hóa dầu và khí đốt tự nhiên. Gần 75% sản lượng cao su thiên nhiên của thế giới nằm ở Đông Nam Á, trong đó Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là ba trong bốn quốc gia sản xuất cao su lớn nhất do điều kiện nhiệt đới nóng và ẩm ướt lý tưởng cho cây cao su phát triển.

Tuy nhiên, những thách thức và hạn chế riêng biệt mà các nhà sản xuất cao su phải đối mặt là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá cao su lên mức cao nhất trong nhiều năm. Theo ước tính của WhatNext Rubber Media International, quý I/2024 chứng kiến sản lượng cao su ở Thái Lan giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước, ở Indonesia giảm 15,2% và ở Việt Nam giảm 2,7%. Sự sụt giảm này đã dẫn đến mức giảm lớn hàng năm về sản lượng toàn cầu là 5% trong bốn tháng đầu năm 2024.

Điều kiện thời tiết cực kỳ bất lợi có thể giải thích phần lớn xu hướng sản xuất đang suy yếu này. Tại Thái Lan, đợt nắng nóng thiêu đốt trong quý I/2024 khiến sản lượng thấp kéo dài vào năm ngoái, với cây cao su bị còi cọc trong điều kiện quá nóng như vậy. Sau hạn hán là mưa gió mùa lớn và lũ lụt lớn ở một số khu vực, điều này đã cản trở đáng kể đến sản lượng cao su của nước này trong mùa cao điểm, thường kéo dài đến tháng 9.

Farah Miller, người sáng lập công ty dữ liệu tập trung vào cao su Helixtap Technologies cho biết: "Những biến động này có thể ảnh hưởng mạnh đến tần suất khai thác của cây cao su và tổng sản lượng mủ cao su. Do đó, Helixtap dự báo sản lượng cao su sẽ giảm 10-15% trong năm 2024".

Bão Yagi vào đầu tháng 9/2024 cũng đã làm giảm nghiêm trọng sản lượng cao su ở Trung Quốc (quốc gia sản xuất cao su lớn thứ năm thế giới). Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Hải Nam Trung Quốc, khoảng 230.000 ha đồn điền cao su đã bị bão tàn phá, khiến sản lượng cao su khô giảm 18.000 tấn. Mặc dù hoạt động khai thác cao su đã được nối lại ngay sau đó, nhưng mưa lớn vẫn tiếp tục cản trở việc chế biến mủ cao su thô trong suốt tháng 9.

Jom Jacob, chuyên gia phân tích chính của WhatNext Rubber cho biết, số ngày mưa và lũ lụt bất thường trong mùa thu hoạch cao điểm năm 2024 cũng có thể khiến cây cao su bị thiệt hại do bệnh lá. Tại miền Nam Thái Lan, bệnh rụng lá là một tác nhân gây bệnh cao su ngày càng phổ biến, ảnh hưởng xấu đến cả năng suất và chất lượng mủ cao su thu được từ cây cao su.

Đà tăng của giá cao su cũng được hỗ trợ bởi tình trạng mất cân bằng cung cầu dài hạn trên thị trường cao su toàn cầu, với một số hộ nông dân sản xuất nhỏ ở Thái Lan và Indonesia không thể cung cấp đủ nhân công cần thiết để mở rộng diện tích trồng cao su nhằm đáp ứng mức tiêu thụ, bên cạnh một số hộ nông dân khác đã chuyển từ trồng cao su sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn.

Indonesia – quốc gia sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới là Indonesia – đã ghi nhận mức giảm sản lượng 20% trong bốn năm tính đến năm 2023, và số hộ nông dân trồng cao su ở nước này này giảm đáng kể trong thời gian này.

"Do chính phủ không tích cực hỗ trợ nông dân nên đã có một cuộc chạy đua chuyển đổi sang dầu cọ và các sản phẩm khác trong thời kỳ giá cao su giảm mạnh từ ba đến bốn năm trước… Việc thay thế cây cao su cũ bằng cây mới cũng có tiến triển hạn chế", Shinichi Kato, Chủ tịch của một công ty kinh doanh cao su tại Tokyo cho biết.

Tương tự như trường hợp của thị trường cà phê và các hàng hóa toàn cầu quan trọng khác, sự lạc quan của thị trường cao su trước tháng 10/2024 cũng phản ánh kỳ vọng của nông dân rằng Quy định về phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024. Khi quy định này được thực hiện, luật mới sẽ ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng vào EU và do đó, các nhà sản xuất cao su lo ngại rằng xuất khẩu của họ sẽ bị cắt khỏi thị trường EU, điều này lại làm giá tăng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, kể từ đỉnh điểm vào đầu tháng 10, giá đã hạ nhiệt, với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc hoãn EUDR ít nhất 12 tháng dẫn tới giá cao su hạ nhiệt.

Tác động của việc EUDR trì hoãn đến tháng 12/2025 đối với các công ty lớn và đến tháng 6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ đối với giá cao su rõ ràng là bi quan, khi các nhà xuất khẩu cao su hiện không phải lo lắng về việc bị cắt khỏi thị trường EU rộng lớn trong tương lai gần.

Các yếu tố quan trọng khác cũng góp phần làm giảm giá cao su trong những tháng gần đây. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai đã làm tăng mạnh khả năng tiếp tục các cuộc xung đột thương mại, đặc biệt là dưới hình thức tăng thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - nước nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Các biện pháp thương mại đối đầu như vậy cũng có thể thúc đẩy người tiêu dùng ngừng mua các sản phẩm cao su. Với nhiều sản phẩm cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, xu hướng giảm giá dầu rộng rãi trong quý IV cũng đã giúp kiềm chế giá cao su.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), những yếu tố như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc hạ giá cao su vào tháng 11, vì chúng tạo ra trạng thái “chờ và xem” ở những người mua với ý định tích trữ nguyên liệu thô với giá thấp hơn từ những người bán cạnh tranh hơn để chuẩn bị cho nhu cầu tăng trong tương lai.

Bất chấp những yếu tố như vậy, giá cao su lại đang tiếp tục giao dịch quanh mốc 200 cent/kg. ANRPC – tổ chức liên chính phủ gồm 13 thành viên đại diện cho khoảng 84% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu – đã hạ dự báo về nguồn cung cao su thiên nhiên vào năm 2024 từ 14,54 triệu tấn xuống còn 14,50 triệu tấn, chủ yếu là để ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi và ngày càng có nhiều bằng chứng về tác động tiêu cực của bệnh rụng lá ở các khu vực sản xuất chính.

Cùng với việc điều chỉnh tăng nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15,67 triệu tấn lên 15,75 triệu tấn do kỳ vọng lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, bức tranh từ số liệu của ANRPC rõ ràng vẫn ủng hộ giá cao hơn trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028, tương đương với mức thâm hụt hàng năm khoảng 600.000 - 800.000 tấn cao su. Nhưng với các báo cáo gần đây cho thấy, sản lượng ở Thái Lan và Việt Nam đang phục hồi nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn vào đầu năm 2025. Thời gian sẽ cho biết liệu đà tăng của giá cao su có còn tiếp tục hay không.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-cao-su-hoi-phuc-khi-nguon-cung-that-chat-post363533.html
Zalo