'Cánh chim đầu đàn' về sản khoa ở tỉnh miền núi
Gần 30 năm gắn bó với nghề Y, dù ở vị trí công tác nào, Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Nhung (Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên) vẫn luôn tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Nhung (Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên) chăm sóc mẹ và bé sau sinh.
Năm 2024, chị là một trong những cá nhân của tỉnh Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2019 – 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ước mơ khoác áo blouse trắng
Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, nhưng mảnh đất huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) là nơi chị Ngô Thị Nhung nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ, gắn bó với nghề đến nay đã gần 30 năm. Trải lòng về nghề Y, chị tâm sự, những năm 1978-1979, gia đình chị lên huyện Tuần Giáo lập nghiệp khi chị còn là học sinh tiểu học. Hằng ngày, ngoài thời gian đến lớp, chị thường theo mẹ đến Bệnh viện huyện Tuần Giáo - nơi mẹ chị làm việc. Từ những lần theo chân mẹ, hình ảnh về các cô, chú mặc áo blouse trắng tận tình thăm khám sức khỏe cho người dân khiến chị rất thích thú, ấn tượng và ước mơ trở thành bác sĩ của chị càng thêm cháy bỏng.
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên, chị về công tác tại Khoa Ngoại sản (Bệnh viện Đa khoa huyện Tuần Giáo). Sau 6 năm công tác với chuyên môn nghiệp vụ giỏi, được sự tín nhiệm của Ban Giám đốc Bệnh viện, năm 2002, chị được cử đi học thạc sĩ tại Trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp thạc sĩ, năm 2005 chị được chuyển đến công tác tại Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên từ đó đến nay.
Bác sĩ Ngô Thị Nhung kể, trước khi về khoa công tác, do điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, người dân vùng cao phải chịu nhiều thiệt thòi, chưa được tiếp cận nhiều với nhiều phương pháp y học hiện đại, buộc phải chuyển tuyến về Hà Nội điều trị.
Những năm gần đây, với trình độ chuyên môn đào tạo bài bản, được nâng cao qua nhiều lớp chuyên sâu, cùng với bề dạy kinh nghiệm, bác sĩ Nhung đã cùng với tập thể Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy kịch, hiểm nghèo như: thai 36 tuần chuyển dạ, tăng huyết áp; suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết; thai 29 tuần, sản giật, rau bong non, thiếu máu nặng, thiếu máu huyết tán; bệnh nhân chảy máu nguy kịch sau sinh, chửa ngoài tử cung vỡ choáng nặng...
Bên cạnh đó, chị luôn tìm tòi, áp dụng các kỹ thuật chuyên môn mới trong chẩn đoán điều trị như: phẫu thuật nội soi buồng tử cung; phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo, cắt tử cung nội soi; phẫu thuật bảo tồn vòi tử cung trong chửa ngoài tử cung; điều trị chửa ngoài tử cung bằng phương pháp nội soi… Điều này không chỉ giúp người bệnh bớt đau đớn, sớm bình phục mà còn hạn chế tình trạng chuyển tuyến, đi lại vất vả gây tốn kém cho người bệnh.
Là người “đứng mũi chịu sào”, trực tiếp can thiệp vào sự sống của người mẹ và đón những sinh linh bé nhỏ chào đời, khoảnh khắc được nghe tiếng trẻ khóc khiến chị hạnh phúc vô cùng. Tuy nhiên, trên địa bàn, do trình độ dân trí và nhận thức về sinh sản chưa cao, người dân không đi khám thai định kỳ, nhiều sản phụ đến lúc sinh nở đã phát hiện nhiều bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Với suy nghĩ “Lương y như từ mẫu”, chị luôn gần gũi, sẻ chia, động viên và luôn tìm ra những phương pháp tốt nhất để điều trị cho người bệnh. Chính tình yêu thương mà chị dành cho bệnh nhân đã giúp họ tin tưởng hơn và đặt trọn niềm tin trong quá trình điều trị. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, chị đã cùng với đội ngũ y, bác sĩ trong khoa cấp cứu được nhiều trường hợp bệnh nhân nặng qua cơn nguy kịch. Theo chị, niềm hạnh phúc to lớn nhất của người thầy thuốc là được nghe tiếng trẻ khóc chào đời và nụ cười của sản phụ, chị Nhung chia sẻ.
"Cánh chim đầu đàn” ở Khoa sản
Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Nhung còn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài hay, được áp dụng vào thực tiễn công việc; nâng cao chất lượng quản lý và công tác chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều đề tài của chị được Hội đồng khoa học của ngành đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác điều trị bệnh, tiêu biểu như: Đề tài “Nghiên cứu kết quả áp dụng điều trị chửa ngoài tử cung chưa vỡ bằng Methotrexat tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong 3 năm 2019-2021” đạt loại Xuất sắc; Đề tài “Nghiên cứu một số nguyên nhân và kết quả xử lý chảy máu sau đẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên trong 5 năm 2013-2017”, đạt loại Giỏi. Các đề tài khoa học của chị đã giúp cho nhiều đồng nghiệp trẻ tìm được nguyên nhân hay gặp trong chảy máu sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, khuyến cáo các phương pháp điều trị phù hợp.
Là đồng nghiệp, bác sỹ Nguyễn Đinh Tuân luôn dành những tình cảm trân quý, sự kính trọng đối với Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Nhung, bởi lòng nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc của chị. Bác sỹ Tuân tâm sự, trong cuộc sống cũng như trong công việc, chị Nhung luôn quan tâm đến mọi người, sẵn sàng sẻ chia, dìu dắt và hỗ trợ, tạo điều kiện cho những bác sĩ trẻ mới vào nghề được tham gia các khóa đào tạo nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chị luôn lắng nghe ý kiến từ cấp dưới để nắm bắt, chỉ đạo các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đạt hiệu quả cao nhất...
Gần 30 năm công tác trong ngành, trong đó có 15 năm giữ chức vụ Trưởng khoa từ năm 2010 đến nay, dù ở cương vị nào, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 2015 đến năm 2018, chị liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở và 5 năm liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Đặc biệt, năm 2024, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2019 đến năm 2023 và nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Y tế; Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Điện Biên.
Nhận xét về bác sĩ Ngô Thị Nhung, Phó Giám đốc Bệnh viên Đa khoa tỉnh Điện Biên Trần Đức Nghĩa cho biết, bác sĩ Nhung là người có trình độ chuyên môn giỏi, có nhiều đề tài hay được áp dụng vào thực tiễn công việc nhằm nâng cao chất lượng quản lý và công tác chuyên môn nghiệp vụ. Là “cánh chim đầu đàn” ở Khoa sản, chị luôn gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.