Ghi dấu ấn trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới miền Trung và Tây Nguyên

Sự tấn công mạnh mẽ, liên tục của các cơ quan chức năng ở phía Bắc khiến các 'ông trùm' buộc phải xuôi về phía Nam tìm cung đường mới để vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ. Với việc liên tiếp lập chiến công, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) miền Trung, Cục PCMT&TP BĐBP đã từng bước ghi dấu ấn trên mặt trận phòng, chống tội phạm, trở thành 'lá chắn thép' bảo vệ biên giới, vùng biển 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung và 4 tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 26/5/2024, tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang, BĐBP bắt giữ 198kg ma túy các loại được cất giấu trong xe ô tô nhập cảnh từ Lào. Ảnh: Trúc Hà

Ngày 26/5/2024, tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang, BĐBP bắt giữ 198kg ma túy các loại được cất giấu trong xe ô tô nhập cảnh từ Lào. Ảnh: Trúc Hà

Từ các chuyên án, vụ án do Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung xác lập, triệt phá, có thể thấy, cuộc đấu trí với các "ông trùm" buôn bán “cái chết trắng” của người lính đặc nhiệm Biên phòng cam go, li kì hơn nhiều những thước phim hành động, trinh thám. Đường biên giới các tỉnh miền Trung tiếp giáp với Lào là những dãy núi hiểm trở, người dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, thường xuyên qua lại, bởi vậy, các "ông trùm" lôi kéo người dân, đặc biệt là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu bằng tiền, bằng ma túy để vận chuyển thuê ma túy với tiền công rẻ mạt. Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Lợi dụng sự thông thương, các đối tượng đã đóng thùng để kí gửi xe khách hoặc “phẫu thuật” xe ô tô để cất giấu ma túy rồi nhập cảnh qua cửa khẩu.

Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung cũng bắt giữ nhiều chủ hàng ở các thành phố Đà Nẵng, Huế, Đông Hà. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung đã chủ trì và phối hợp bắt giữ 1.156,75kg ma túy các loại. Những kết quả này cho thấy quy mô và “sức nóng” của khu vực biên giới miền Trung và Tây Nguyên. Các chuyên án do Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung xác lập mang tính nghiệp vụ cao, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đảm bảo các yếu tố chính trị, nghiệp vụ và pháp luật.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhắc đến kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy thì đó là một thiếu sót vô cùng lớn trong bề dày thành tích của Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung. Sự toàn diện của người lính đặc nhiệm được thể hiện rõ nét khi đơn vị đã xác lập, triệt phá thành công những đường dây buôn lậu cả chục tỉ đồng với phương thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi, hay ngược xuôi trên các cung đường Nam - Bắc để truy bắt kẻ buôn người.

Năm 2020, Chuyên án A2-1120 do Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung xác lập đã bóc gỡ đường dây buôn lậu qua cảng biển Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng) gây chấn động vì đã lột trần được thủ đoạn chứa hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng cấm nhập, hàng tạm dừng nhập khẩu vào các container, sau đó, vận chuyển về Việt Nam bằng đường biển, tập kết tại cửa khẩu cảng biển Tiên Sa. Công ty này khai báo thủ tục hải quan, sử dụng các mã xuất, nhập khẩu hàng hóa thông thường để hệ thống sẽ phân luồng vàng hoặc xanh, từ đó thuận lợi cho việc thông quan, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Trong trường hợp khi container vào vị trí tại cảng (đã khai báo E-manifet), nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng sẽ làm thủ tục từ chối nhận hàng với lý do gửi nhầm để tránh bị xử lý. Đặc biệt, các công ty này đều là giám đốc ảo, người thì đã chết, người thì nghiện ma túy bỏ đi biệt tích. Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung đã khởi tố vụ án sau khi bắt giữ 2 container của Công ty TNHH Thiên Phú Thành Phát và Công ty TNHH TM&DV SUNSET vào ngày 26 và 27/11/2020. Từ tài liệu do Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung chuyển giao, Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, giúp sức và làm rõ thêm được 22 container khác có trị giá 71,3 tỉ đồng.

Thực tế, nhiều đối tượng buôn gỗ luôn nhắm thấy “món hời” từ gỗ cẩm lai còn tồn lại trong các kho gỗ tại các tỉnh của Lào. Để vận chuyển được số gỗ cẩm lai này về Việt Nam, các đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật pháp, sự cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa để vận chuyển qua biên giới. Sắn lát khô là hàng nông sản, khi nhập khẩu sẽ thuộc luồng vàng nên lực lượng ở cửa khẩu chỉ kiểm tra xe, giấy tờ mà không kiểm tra hàng hóa, nếu không có dấu hiệu khả nghi.

Lợi dụng điều này, các đối tượng “trộn” hàng cấm và nhập có điều kiện để đi qua cửa khẩu. Năm 2022, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung đã bắt giữ 2 vụ, thu giữ hơn 150 tấn gỗ cẩm lai được trộn trong sắn lát khô nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) và được “phủ” bởi gỗ giáng hương, mun sọc rồi nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh).

Sau 2 tháng điều tra, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung đã tìm ra 2 kẻ buôn người trong Chuyên án A2-823p. Ảnh: Trúc Hà

Sau 2 tháng điều tra, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung đã tìm ra 2 kẻ buôn người trong Chuyên án A2-823p. Ảnh: Trúc Hà

Năm 2023 và 2024, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung cũng xác lập 2 Chuyên án A2-823p và A2-824p triệt phá 2 đường dây mua bán người dưới 16 tuổi với nạn nhân là trẻ em gái người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Trong Chuyên án A2-823p, mặc dù nạn nhân đã bị lừa bán sang Trung Quốc 5 năm trước, bản thân không rõ nhân thân, lai lịch kẻ lừa bán mình, nhưng chỉ sau 2 tháng kể từ khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, lực lượng đánh án đã tìm ra được 2 kẻ buôn người. Đặc biệt, Chuyên án A2-824p, bóc gỡ đường dây mua bán người từ tỉnh Kon Tum đi Bình Định, Phú Yên, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung và các đơn vị phối hợp đã giải cứu được nhiều nạn nhân nữ (trong đó có trẻ em gái dưới 16 tuổi), người đồng bào dân tộc thiểu số bị lừa bán vào quán karaoke để bóc lột tình dục. Lực lượng đánh án đã bắt giữ 6 đối tượng và khởi tố tội danh mua bán người dưới 16 tuổi.

Theo Đại tá Lê Thiết Hùng, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung, tình hình hoạt động của tội phạm phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại... trên địa bàn khu vực biên giới, vùng biển các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ngày càng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều đó đặt ra những thách thức mới đối với đơn vị trước yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh PCMT&TP. Việc này đòi hỏi sự toàn diện, phải có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, năng lực và phong cách lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng cán bộ, đảng viên theo hướng tập trung, đồng bộ, hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo trong chỉ đạo điều hành; thực hiện nói đi đôi với làm; bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ theo tinh thần 7 dám (Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung) của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; không đùn đẩy, né tránh, không tranh công đổ lỗi. Đơn vị cũng tập trung đột phá về công tác nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới, trên biển, cảng biển; đột phá về công tác thu thập, khai thác tin tài liệu từ áp dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật ứng dụng và đột phá về công tác đấu tranh chuyên án xuyên quốc gia để đạt được kết quả cao nhất trong công tác.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ghi-dau-an-tren-mat-tran-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-o-khu-vuc-bien-gioi-mien-trung-va-tay-nguyen-post485400.html
Zalo