Gen AI - trợ thủ đắc lực trong dạy học Ngữ văn

Đưa trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) vào giảng dạy như công cụ hỗ trợ hiệu quả, cô Trịnh Thị Huyền - giáo viên Trường THPT Hữu Nghị (Lê Chân, Hải Phòng) tiên phong đổi mới phương pháp, hiện đại hóa việc dạy học môn Ngữ văn.

Cô Trịnh Thị Huyền trình bày biện pháp giáo dục hiện đại trước Ban giám khảo trong Cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Cô Trịnh Thị Huyền trình bày biện pháp giáo dục hiện đại trước Ban giám khảo trong Cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Gen AI là công nghệ được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện với con người thông qua các giao diện trò chuyện như cửa sổ trò chuyện trên web, ứng dụng tin nhắn, email, thoại… Trong giáo dục, Gen AI có thể được sử dụng để tạo bài giảng, câu hỏi, trò chơi tương tác hoặc mô phỏng các tình huống học tập, giúp cá nhân hóa và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Qua nghiên cứu, cô Huyền nhận thấy, Gen AI đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy học Ngữ văn. Không chỉ giúp giáo viên thiết kế bài giảng sáng tạo, cung cấp các tài liệu phong phú như hình ảnh, video, hoặc các bài phân tích văn học chuyên sâu, mà ứng dụng Gen AI còn giúp cá nhân hóa việc học tập và phát triển tư duy của học sinh.

Bên cạnh đó, các công cụ AI còn giúp tự động chấm bài, đánh giá và phản hồi nhanh chóng, giảm tải công việc cho giáo viên. Gen AI có khả năng phân tích dữ liệu học tập, từ đó đề xuất nội dung phù hợp với từng cá nhân, giúp học sinh nắm vững kiến thức và kỹ năng theo năng lực riêng. Nhờ đó, môn Ngữ văn không chỉ hấp dẫn hơn, mà còn giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, khả năng cảm thụ và sáng tạo trong môi trường học tập hiện đại.

 Cô Huyền trong giờ lên lớp.

Cô Huyền trong giờ lên lớp.

Vì thế, vận dụng quy trình 5 bước của dạy học phân hóa, cô Huyền đưa ra một số kỹ thuật, phương pháp dạy học phù hợp với học trò, để giúp các em chinh phục các nhiệm vụ học tập trong văn bản “Xúy Vân giả dại” (Trích chèo Kim Nham, SGK Ngữ văn 10, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống).

Với 6 mặt khối lập phương tương ứng với các nhiệm vụ: Miêu tả: Sân khấu biểu diễn chèo; So sánh: Đặc điểm tổ chức biểu diễn giữa chèo với các loại hình sân khấu khác như tuồng, múa rối nước; Phân tích: Phân tích đặc điểm nhân vật chèo, lối kể chuyện trong chèo; Áp dụng: Liên hệ tác phẩm với thực tế xã hội hoặc đời sống cá nhân; Lập luận: Tranh luận về một quan điểm được nhắc đến trong chèo; Đánh giá: Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của chèo. Cô Huyền ứng dụng ChatGPT và một số phần mềm tóm tắt, phân tích và trích xuất những điểm chính của văn bản.

Từ đoạn trích “Xúy Vân giả dại”, qua nhiệm vụ được phân công bằng các câu hỏi cụ thể, học sinh thấy được đặc trưng, giá trị của thể loại chèo. Nội dung này sẽ được trình chiếu bằng các slide trên phần mềm PowerPoint hoặc Canva.

Ngoài ra, cô Huyền còn ứng dụng chiến lược RAFT để tăng khả năng đọc hiểu mở rộng ngữ liệu, giúp học sinh tìm hiểu “tích trò” trong văn bản chèo; kỹ thuật “sáu chiếc nón tư duy” giúp học sinh tìm hiểu nhân vật văn học.

Để giờ học được hiệu quả, cô giáo hướng dẫn học sinh tìm hiểu nguồn và giới thiệu các phần mềm Gen AI. Đồng thời, cô giải đáp thắc mắc cho từng nhóm học sinh liên quan đến nhiệm vụ được phân công. Qua phần báo cáo nhiệm vụ nhóm, cô đánh giá và rút kinh nghiệm, tổng hợp kiến thức cho các em.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gen-ai-tro-thu-dac-luc-trong-day-hoc-ngu-van-post731885.html
Zalo