Cung cấp đội ngũ nhân lực y tế ngành y học cổ truyền trình độ cao

Với quy mô đào tạo gần 6.000 sinh viên và hơn 700 học viên sau đại học, Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam đang từng bước đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam trao bằng tốt nghiệp sau đại học cho các tân thạc sĩ, tân bác sĩ nội trú, tân bác sĩ chuyên khoa I, tân bác sĩ chuyên khoa II.

Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam trao bằng tốt nghiệp sau đại học cho các tân thạc sĩ, tân bác sĩ nội trú, tân bác sĩ chuyên khoa I, tân bác sĩ chuyên khoa II.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, 55 năm truyền thống, Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại góp phần phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới góp phần đưa y học cổ truyền Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.

Trao đổi bên lề Lễ trao bằng tốt nghiệp sau đại học cho các tân thạc sĩ, tân bác sĩ nội trú, tân bác sĩ chuyên khoa I, tân bác sĩ chuyên khoa II của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện cho biết, những năm qua, đơn vị đã đào tạo hơn một vạn bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y khoa và dược sĩ; hàng ngàn thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa và tiến sĩ. Chương trình đào tạo không ngừng được mở rộng và đa dạng hóa. Chất lượng đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế đã trở thành một thế mạnh nổi bật, góp phần đưa y học cổ truyền đến gần hơn với đời sống, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Học viện đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 và kiểm định toàn bộ các chương trình đào tạo trình độ đại học.

"Tỷ lệ sinh viên của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam tốt nghiệp ra trường hằng năm có việc làm đều đạt hơn 95%", Phó Giáo sư Huy chia sẻ.

Đẩy mạnh triển khai nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia, cấp Bộ, hợp tác nghị định thư với các tổ chức ngoài nước, đến nay, một số đề tài nghiên cứu của Học viện đã được chuyển giao cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh sản xuất một số sản phẩm như: Dạ dày Tuệ Tĩnh, Bổ khí Thông mạch, Linh Phụ Khang Tuệ Tĩnh, Mộc Tỳ vị, Xịt xoa bóp cốt thống Tuệ Tĩnh, Cao GM Tuệ Tĩnh, Rượu bổ Tuệ Tĩnh.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân.

Với định hướng phát triển Học viện thành cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục đại học định hướng ứng dụng, có hệ thống quản trị Học viện theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, đạt chuẩn chất lượng giáo dục và xếp hạng trong các trường đại học, Học viện tiếp tục mở rộng mã ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe trình độ đại học và sau đại học, đồng thời cung ứng các khóa đào tạo liên tục về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm cung cấp đội ngũ nhân lực y tế trình độ cao.

Học viện cũng đang xây dựng Viện nghiên cứu Y-Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh trở thành một trong những đơn vị hàng đầu cả nước trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, dịch vụ về y, dược học cổ truyền. Xây dựng chiến lược và tổ chức thực hiện định hướng phát triển Bệnh viện Tuệ Tĩnh thành cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu về y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, là cơ sở thực hành chính cho sinh viên, học viên sau đại học của Học viện.

Cơ sở thực hành của Học viện là Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã phát triển nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, thành viên đề tài cấp nhà nước, cấp bộ. Đã thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật theo chương trình 1816: Cấy chỉ, tân châm, khí công dưỡng sinh, xoa bóp bấm huyệt…

Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền, các cơ sở giáo dục đại học cần phối hợp với các bệnh viện trong đào tạo nhân lực ngành y học cổ truyền theo từng chuyên khoa sâu, hướng tới xây dựng các mô hình, phác đồ điều trị y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại trong ung bướu nói riêng và các chuyên ngành khác nói chung…

Trong giai đoạn chuyển tiếp, ngành y tế có thể áp dụng mô hình kết hợp giữa bác sĩ y học hiện đại và bác sĩ y học cổ truyền để điều trị bệnh nhân, trong đó bác sĩ hiện đại sử dụng phương pháp hiện đại nhưng kết hợp với thuốc/phương pháp y học cổ truyền và có sự tham vấn từ bác sĩ y học cổ truyền.

Đây là một trong những nội dung quan trọng để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ y học cổ truyền Việt Nam, hướng tới kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề cho bác sĩ y học cổ truyền từ năm 2027 theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành.

TRẦN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-cap-doi-ngu-nhan-luc-y-te-nganh-y-hoc-co-truyen-trinh-do-cao-post882174.html
Zalo