Định hướng ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn hiệu quả từ đề thi thử nghiệm
Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2025), môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc, hình thức thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Năm nay là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 2 lần đề minh họa, song song với triển khai nhiều đợt tập huấn cho giáo viên trên toàn quốc phương pháp xây dựng đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.
Vừa qua, Bộ đã tiến hành cho thí sinh thi thử nghiệm ở nhiều địa phương, với 12.000 học sinh tham gia. Kết quả khảo sát năng lực của học sinh sẽ giúp Bộ có cái nhìn tổng quan ban đầu về chương trình, từ đó làm cơ sở để Bộ xây dựng đề thi tốt nghiệp sắp tới.
Điểm khác biệt của đề thi Ngữ văn năm nay so với năm trước là ngữ liệu hoàn toàn mới, không có trong các bộ sách giáo khoa.
Chính điều đó đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua 3 năm học, học sinh đã đủ hiểu cấu trúc chương trình 2018, cấu trúc đề kiểm tra. Đặc biệt, học sinh được làm bài kiểm tra định kỳ 12 lần, gồm ít nhất 12 ngữ liệu hoàn toàn mới đã giúp học sinh đủ nhận thức về yêu cầu bộ môn để điều chỉnh cách học cho phù hợp.
Có thể khẳng định, cấu trúc định dạng đề thi năm nay không mới so với năm 2024. Với tư cách là một giáo viên dạy Ngữ văn trung học phổ thông chương trình 2018 từ lớp 10 đến lớp 12, tôi tin tưởng rằng học sinh sẽ tự tin bước vào kỳ thi sắp tới nếu ôn thi có định hướng theo cấu trúc, định dạng đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm của Bộ dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Đề thi thử nghiệm có gì mới?
Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2025), môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc, hình thức thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Đề kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và tạo lập văn bản.


Đề thi thử nghiệm.
Thứ nhất, phần đọc hiểu đề thi thử nghiệm sử dụng ngữ liệu là một đoạn trích truyện ngắn (trích trong Nếp nhà - Nguyễn Khải). Ngữ liệu khá tiêu biểu về nội dung và phong cách sáng tác của tác giả nổi tiếng. Dung lượng 688 chữ, ngắn gọn, dễ hiểu với học sinh lớp 12. Thông tin chú thích tác giả được tối giản, không gây ảnh hưởng thời gian làm bài của học sinh.
Hệ thống câu hỏi gồm 5 câu, chia theo mức độ: 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu và 1 câu vận dụng, giống như cấu trúc đề minh họa trước đây. Yêu cầu cụ thể như sau:
Câu 1 (mức biết) xác định nhân vật chính, đây là một câu hỏi cơ bản, đòi hỏi khả năng đọc hiểu trực tiếp.
Câu 2 (mức biết) chỉ ra chi tiết thể hiện “nếp nhà”, cần tìm kiếm thông tin và hiểu ý nghĩa của một cụm từ trong ngữ cảnh.
Câu 3 (mức hiểu) phân tích tác dụng của phép lặp cấu trúc, học sinh phải có kiến thức về biện pháp tu từ và khả năng phân tích ý nghĩa.
Câu 4 (mức hiểu) nhận xét thái độ của nhân vật, đòi hỏi phải tổng hợp thông tin và suy luận để trả lời.
Câu 5 (vận dụng) trình bày suy nghĩ cá nhân từ một quan niệm trong văn bản, đây là câu hỏi mang tính mở, liên hệ thực tế, học sinh phải có khả năng nghị luận và trình bày quan điểm cá nhân.
Thứ hai, phần viết (tạo lập văn bản) gồm có 2 câu với định dạng khá quen thuộc. Cụ thể:
Câu 1 (đoạn văn) nghị luận về một khía cạnh của nhân vật trong ngữ liệu đọc hiểu. Đề yêu cầu nghị luận có yếu tố phân tích ngữ liệu, nên học sinh phải đọc hiểu kỹ đoạn trích để tìm ra luận điểm và dẫn chứng phù hợp.
Điểm đáng lưu ý là dung lượng yêu cầu khoảng 200 chữ, nên học sinh cần viết ngắn gọn, súc tích, đúng và trúng vào một nét tính cách nổi bật. Vì thế, cần tránh kể lể dài dòng, mà tập trung phân tích ý nghĩa của nét tính cách đó đối với nhân vật và thông điệp của đoạn trích.
Câu 2 (bài văn) nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ ngữ liệu đã cho. Đây là dạng đề nghị luận xã hội mở rộng và yêu cầu cao hơn so với dạng nghị luận xã hội thông thường. Dạng đề này đòi hỏi học sinh phải vừa hiểu ngữ liệu vừa có kiến thức xã hội, khả năng tư duy phản biện và lập luận chặt chẽ. Bên cạnh đó, góc nhìn “người trẻ” là một yếu tố quan trọng, định hướng cách thể hiện quan điểm sao cho phù hợp. Dung lượng yêu cầu khoảng 600 chữ nhưng cần có cấu trúc bài văn nghị luận rõ ràng (mở bài, thân bài, kết bài).
Nội dung nghị luận có tính thời sự đối với giới trẻ, bàn về vấn đề “nếp nhà” và “tự do cá nhân”. Vấn đề khơi gợi tư duy phản biện và khả năng trình bày quan điểm cá nhân của học sinh. Như vậy, đề vừa kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản vừa đánh giá năng lực tổng hợp, phân tích và lập luận của học sinh.
Định hướng ôn tập từ đề thi thử nghiệm
Từ đề thi thử nghiệm, học sinh có thể rút ra những định hướng ôn tập quan trọng cho kỳ thi trung học phổ thông sắp tới.
Thứ nhất, đề thi thử nghiệm mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo xoay quanh một chủ đề xuyên suốt từ phần đọc hiểu đến viết (bao gồm cả đoạn văn nghị luận văn học và bài văn nghị luận xã hội).
Thứ hai, ngữ liệu là đoạn trích truyện ngắn có dung lượng vừa phải, không dài dòng, miễn thể hiện được một sự kiện. Đặc biệt, nội dung mang tính thời sự trong xã hội đương đại nhưng không nhạy cảm.
Thứ ba, trong 5 câu đọc hiểu như đề minh họa, có 1 câu hỏi tiếng Việt và ưu tiên ở chương trình lớp 12. Năm câu hỏi phải liên kết với nhau giúp học sinh hiểu được nội dung, nghệ thuật của văn bản làm cơ sở gợi mở khi viết đoạn văn nghị luận văn học.
Thứ tư, các câu hỏi đọc hiểu có đủ ba cấp độ tư duy: biết (2 câu), hiểu (2 câu) và vận dụng (1 câu) như đề minh họa. Các câu hỏi sẽ bám sát yêu cầu cần đạt và nội dung kiến thức của chương trình mới, khuyến khích học sinh chủ động tìm tòi, sáng tạo.
Thứ năm, đề thi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực đọc hiểu, phân tích, tổng hợp và tạo lập văn bản của thí sinh, chứ không chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ đơn thuần.
Thứ sáu, đề thi liên hệ giữa văn học và đời sống, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn sẽ được chú trọng.
Tóm lại, để đạt hiệu quả cao, học sinh cần ôn tập có định hướng theo cấu trúc các đề minh họa hay đề thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thành công cuối cùng còn phụ thuộc vào khả năng rèn luyện để hình thành cách giải quyết từng dạng câu hỏi một cách linh hoạt và hiệu quả.