GD tư thục có nhiều đóng góp nhưng gặp khó trong tiếp cận quỹ đất để phát triển
Ưu tiên sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập làm trường nhất là cho khối tư thục tiếp cận nguồn lực này, có thể tạo điều kiện rất lớn cho các nhà đầu tư GD.
Vừa qua, tại chương trình tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, nhằm ghi nhận và giải đáp các ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt tinh thần không để lãng phí trụ sở hành chính dôi dư sau sáp nhập; cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng ưu tiên sử dụng những nơi này làm trường học, cơ sở y tế và không gian công cộng cho người dân. [1]
Từ tinh thần đó, nhiều nhà đầu tư giáo dục đề xuất tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực này.
Góp phần giải quyết khó khăn của trường tư
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Sĩ Thư - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giáo dục Grit (Grit Education) cũng bày tỏ: “Những nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục như chúng tôi đều cảm thấy rất vui mừng trước thông tin trên.
Bởi, điều này mở ra những cơ hội phát triển mới cho hệ thống giáo dục tư, đặc biệt những nhà sáng lập và điều hành trường học tư còn trẻ như chúng tôi. Với những chủ trương như vậy, trong tương lai, có thể cởi được “nút thắt cổ chai” cho đầu tư giáo dục.

Thầy Nguyễn Sĩ Thư - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giáo dục Grit (Grit Education). Ảnh: NVCC.
Hiện nay, các nhà đầu tư giáo dục tư nhân đang đứng trước những khó khăn như: Về nguồn lực để xây trường, đất xây trường hiện đang có 2 vấn đề: Một là, đất còn rất ít, thậm chí là đất có quy hoạch đúng cấp học mà xã hội đang cần thì hầu như không còn. Hai là, để mua được đất trường học, thì giá cũng rất cao, mặc dù đây là đất thuộc nhóm ưu tiên, nhưng thực tế lại đang được mua bán với giá rất cao, trong khi trường học thường cần đất có diện tích rất rộng.
Về mặt vị trí, các trụ sở của cơ quan nhà nước dôi dư thường ở vị trí rất đẹp và thuận lợi, nên nếu chủ trương này đi vào thực tiễn, có thể xây trường tại đó, thì giải quyết được bài toán về cơ sở vật chất và vị trí cho nhà đầu tư.
Chúng tôi có cơ hội để phát triển và nâng cao chất lượng. Thay vì phải lo quá nhiều về cơ sở vật chất (thường chiếm 90% đầu tư của trường tư), thì nay, có thể tập trung vào 3 việc quan trọng cho giáo dục là:
Một là xây dựng chương trình cho tốt, hiệu quả. Hai là đào tạo đội ngũ giáo viên. Ba là xây dựng hệ thống vận hành trường và môi trường trường học sao cho ưu tiên tính giáo dục cao nhất”.
Ngoài ra, thầy Nguyễn Sĩ Thư cũng nhấn mạnh đến sự công bằng và tiến bộ dành cho những đơn vị có được phương án vận hành, tổ chức trường học khoa học, hiện đại và có thế mạnh rõ nét.
Thầy Thư chia sẻ, lúc đầu cũng có những e ngại, nếu chỉ dành cho khối trường công (vì là tài sản công), nhưng nếu cơ hội mở ra cho cả khối trường tư cùng tham gia xây dựng phương án tổ chức trường học hiệu quả, chắc chắn, Nhà nước sẽ được hưởng lợi tốt nhất và đúng với tinh thần, “tạo ra sự công bằng cho khối tư nhân phát triển, ai tốt, ai tiến bộ sẽ được ưu tiên”.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Dongsim (Bắc Ninh). Ảnh: NVCC.
Theo thầy Nguyễn Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Dongsim (Bắc Ninh), nếu các trường tư thục hiện nay có thể được tạo điều kiện để tiếp cận thêm “quỹ đất”, mở rộng quy mô, sẽ có thể nâng cao chất lượng dạy học. Bởi, có khá nhiều nhà trường mặc dù đã có mặt bằng nhưng diện tích vẫn còn khá eo hẹp so với nhu cầu sử dụng, hoặc chưa thể đáp ứng được hết các tiện ích cần được đầu tư.
“Chẳng hạn, tại Trường Mầm non Dongsim, hiện nay, diện tích hiện nay đang đáp ứng nhu cầu cơ bản, nhưng vẫn gặp khó về cấu trúc hạ tầng, ví dụ như khu vực y tế, khu bếp ăn, khu vệ sinh, sân chơi, bể bơi…
Mặc dù phía trước cổng trường cũng có khu vực công viên, có thể tận dụng cho trẻ tham gia một số hoạt động ngoài trời, nhưng nếu có thể có thêm không gian, nhà trường sẽ đẩy mạnh đầu tư, để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho trẻ.
Ví dụ, nhà trường sẽ xây dựng thêm bể bơi, xây dựng sân khấu biểu diễn cho học sinh, mở rộng khuôn viên, hay quy hoạch một khu vườn nhỏ để trồng cây ngay tại trường, để học sinh thuận tiện hơn trong việc tham gia những hoạt động trải nghiệm, các dự án về môi trường, cây xanh, thay vì phải di chuyển ra ngoài để khám phá...
Như vậy, nếu các trường tư thục có cơ hội để phát triển và mở rộng quy mô, chắc chắn sẽ có thể nâng cao chất lượng giáo dục tư thục, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung trên cả địa bàn” - vị Hiệu trưởng dẫn chứng.

Các hoạt động của trẻ ở Trường Mầm non Dongsim (Bắc Ninh).
Trước đề xuất trên, cô Hoàng Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Anh (Bắc Ninh) nhìn nhận, việc Nhà nước có thể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tiếp cận với nguồn lực này, sẽ tạo cơ hội và động lực phát triển cho hệ thống giáo dục tư thục.
“Nếu các trường tư thục có thể tiếp cận và khai thác các mặt bằng vốn là trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tôi cho rằng, đó là một điều rất lý tưởng, bởi, hầu hết các trụ sở này đều nằm ở những vị trí “đắc địa”, với nhiều điều kiện thuận lợi. Nhiều năm qua, có thể nói, hệ thống tư thục cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giúp giảm tải học sinh tại các trường công lập. Song, không phải ở địa phương nào cũng có thể tiếp cận “quỹ đất sạch” một cách dễ dàng, do đó, nếu triển khai được như vậy, là một điều tuyệt vời” - nữ Hiệu trưởng lý giải.
Cần thay đổi lại quy hoạch mạng lưới giáo dục
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giáo dục Grit cũng phân tích thêm: “Về lâu dài, chủ trương trên sẽ hướng tới xây dựng một nền giáo dục có chất lượng cao và tạo ra những “mũi nhọn” nhân lực cho đất nước và chắc chắn giáo dục tư thục sẽ góp phần quan trọng việc chủ trương này.
Để triển khai được điều này, Nhà nước sẽ phải: Thay đổi lại quy hoạch mạng lưới giáo dục trước đây đã hình thành theo địa giới phường/quận/huyện trước…, cho phép các xã/phường linh hoạt dựa theo tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, dân cư, mà điều chỉnh dễ dàng quy hoạch mạng lưới này.
Bên cạnh đó, thay đổi lại quy hoạch đất đai cho phép các trường hoặc địa phương thuận lợi được thay đổi cấp học của mình để phù hợp với sự thay đổi của xã hội. Ví dụ, một khu dân cư cách đây 10 năm có dân số trẻ, nhu cầu học tập chủ yếu là trường mầm non, tiểu học, nhưng sau đó, trẻ lớn dần lên, thì cũng chính nhóm dân cư đó lại cần trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nhiều hơn… Tuy nhiên, quy hoạch đất đai lại không dễ gì cho phép trường học đó đổi hoặc xây sang thành cấp học lớn hơn.
Ngoài ra, trường công và tư cùng được đối xử công bằng, sẽ tạo động lực phát triển. Và tôi tin, điều tiến bộ hơn, hiệu quả hơn, chất lượng hơn sẽ được ghi nhận; vai trò của Nhà nước là tạo ra sự công bằng cho cả 2 đối tượng này, có thể nghiên cứu hình thức tách đơn vị chủ quản trường học riêng ra khỏi đơn vị quản lý nhà nước về giáo dục. Vì đơn vị quản lý giáo dục vừa trực tiếp là chủ quản trường công, lại phải quản lý trường tư, thì khó có thể tạo ra được một “sân chơi” công bằng.
Chúng ta cũng có thể nghĩ tới phương án: Giai đoạn đầu cần vốn tư nhân, cần trí tuệ tiến bộ và bộ máy linh hoạt của tư nhân tham gia vào giáo dục; sau này, giống như Singapore, Nhà nước hoàn toàn có thể trở thành “cổ đông lớn nhất” của các hệ thống giáo dục tư, tức là mua lại các tổ chức này mà vẫn giữ nguyên được những thế mạnh mà họ đã tạo ra”.
Để chủ trương này thực sự trở thành “cú hích” phát triển giáo dục tư thục bền vững, giảm bớt gánh nặng ngân sách cũng như giảm tải áp lực cho hệ thống công lập, thầy Nguyễn Sĩ Thư cho rằng: “Cần tách bạch vai trò quản lý nhà nước để phát triển các hệ thống giáo dục công, hệ thống giáo tư và cả hệ thống giáo dục có yếu tố nước ngoài ra khỏi vai trò đơn vị chủ quản, điều hành các hệ thống trường công riêng, tránh vai trò này bị nhầm lẫn.
Sau khi quy hoạch chung là trụ sở nào cho giáo dục, trụ sở nào cho y tế, cho sinh hoạt cộng đồng..., có thể xem xét đối với lĩnh vực giáo dục, ở địa phương đó đang cần phát triển giáo dục gì: Nhu cầu cần có đủ trường, đủ lớp cho các gia đình đi học thì chắc chắn giáo dục công nên ở đó hay là muốn tạo ra những trường học có chất lượng cao cho địa phương? Khi đã xác định được mục tiêu tạo ra giáo dục có chất lượng cao cho địa phương, Nhà nước có thể cho các đơn vị công và tư cùng “chào” phương án tổ chức trường học ra sao để đạt hiệu quả và mục tiêu của Nhà nước. Thậm chí đơn vị này có thể đi mời các trường tư, các tổ chức giáo dục cùng vào “chào” phương án một cách công khai, minh bạch và cầu thị.
Các địa phương cũng nên công khai minh bạch ngân sách sử dụng cho giáo dục có hiệu quả hay không? Thay vì đầu tư hoàn toàn cho trường công để thúc đẩy giáo dục “mũi nhọn”, thì cũng cần quan tâm đến việc giáo dục tư đảm nhận có hiệu quả hơn, có tiết kiệm được ngân sách hơn và đem lại nhiều lợi ích cho địa phương đó hay không?”.
Ngoài ra, thầy Nguyễn Sĩ Thư cũng đề cập: “Với góc nhìn quản trị trường học, chúng tôi thấy, một đứa trẻ, một học sinh có thể bị ảnh hưởng chính bởi những yếu tố sau: Chương trình giáo dục; Đội ngũ giáo viên và cán bộ, nhân viên của trường; Môi trường giáo dục bao gồm cả văn hóa, nền nếp, các hoạt động, sự kiện, cơ sở vật chất; Cách điều hành và vận hành nhà trường; Gia đình và cộng đồng xunh quanh trường học…
Về bản chất, chúng ta đang mong muốn phát triển một thế hệ người Việt Nam vươn tầm thế giới, một nguồn nhân lực cao, chính vì vậy, cần thu hút những người giỏi về phục vụ cho lĩnh vực giáo dục đào tạo”.

Một ngày trải nghiệm của học sinh Grit School tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tây Hà Nội. Ảnh: NTCC.
Mong có cơ chế rõ ràng, cho phép nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với mục đích giáo dục
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Anh, để thực hiện được điều này, cần phải có cơ chế rõ ràng.
Đặc biệt, nữ Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Có thể mỗi địa phương sẽ có những chính sách khác nhau, nên tôi cho rằng, cần có sự thống nhất trong quan điểm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và cần công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu.
Đồng thời, cũng cần có cơ chế rõ ràng, trong việc cho phép các đơn vị tư nhân được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp với nhu cầu giảng dạy và học tập. Bởi lẽ, hầu hết các trường tư thục đều hướng đến các chương trình học rất hiện đại, năng động, sáng tạo; nếu buộc phải giữ nguyên hiện trạng của các tòa nhà của trụ sở cũ, sẽ không đáp ứng được nhu cầu học tập, dẫn đến không thể khai thác hết tiềm năng của khu đất đó”.

Cô Hoàng Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Anh (Bắc Ninh). Ảnh: NVCC.
Thầy Nguyễn Tuấn Anh cũng hy vọng, nếu chủ trương trên được thực hiện, điều cần nhất là xem xét đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư, để “rút ngắn” thời gian mở rộng, phát triển trường.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Dongsim cũng bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng, khi địa phương đã xác định được vị trí nào dành để phục vụ lĩnh vực giáo dục, thì cần có thông tin minh bạch, cụ thể, tạo “sân chơi” đấu thầu công bằng giữa các nhà đầu tư. Các địa phương cũng có thể tính đến ưu tiên những nhà đầu tư giáo dục có những ý tưởng thực sự hay, mang được triết lý giáo dục với nhiều điểm mới tích cực cho người học, có chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại… được tiếp cận nguồn lực này”.
Còn theo thầy Nguyễn Sĩ Thư, để linh hoạt, tiên phong, chỉ giáo dục tư nhân mới có thể nhanh chóng làm tốt việc này. Vì vậy, cần đưa ra những cơ chế chính sách giúp hệ thống giáo dục tư nhân có được những thuận lợi.
Cụ thể: Tự chủ thu hút nhân tài về giảng dạy cho giáo dục từ các nguồn tri thức trong và ngoài nước và các trường học có thể đưa ra quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm linh hoạt để chịu trách nhiệm về việc nhân sự đủ điều kiện đứng lớp giảng dạy các môn mới như: Giáo dục STEM, tiếng Anh, ngoại ngữ khác, các môn về AI, về sáng tạo, nghệ thuật...
Thu hút được các nhà quản trị, nhà vận hành giỏi từ các lĩnh vực khác sang quản lý trường học, vì họ là những nhà quản trị bài bản, khoa học chứ không chỉ là những thầy cô giáo giảng dạy đi lên, để tạo ra những đột phá trong tổ chức giáo dục tư nhân và sau này là cả các tổ chức giáo dục công.
Khuyến khích các trường dựa trên khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát triển sáng tạo thêm chương trình riêng của nhà trường để tạo ra những thế mạnh riêng.
Cho phép phát triển các tổ chức gây quỹ phát triển giáo dục bền vững (tránh bị tối đa hóa lợi nhuận và lợi dụng chính sách ưu đãi đất đai và thuế của nhà nước mà chỉ làm giàu cá nhân) để phát hiện, đầu tư cho các tổ chức giáo dục trẻ có ý tưởng tốt, có khả năng tạo ra những thế mạnh đột phá... Đồng thời, điều tiết các tổ chức giáo dục tư nhân quá tập trung tới lợi nhuận, sẽ phải trả lại thuế cho Nhà nước hoặc tái đầu tư cho giáo dục.
Nhà nước nên xây dựng chiến lược phát triển con người, nguồn nhân lực lâu dài và cụ thể hóa từ bậc mầm non đến đại học, trong đó, chỉ ra được trường công, trường tư sẽ phụ trách những phần nào? Cần có những chỉ số, thông số đạt được và tạo ra một hệ sinh thái khuyến khích các chiến lược đó đi vào mỗi nhà trường… Tôi tin rằng, khi Nhà nước đưa ra những chủ trương, mục tiêu cụ thể đối với hệ thống giáo dục, giáo dục tư nhân sẽ rất nhanh chóng hoạch định ra kế hoạch để thực thi, đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội ở trình độ cao”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tienphong.vn/tong-bi-thu-tru-so-cong-doi-du-uu-tien-de-lam-truong-hoc-noi-kham-benh-vui-choi-cua-nhan-dan-post1734496.tpo