GAVI, UNICEF, WHO tái khẳng định cam kết hỗ trợ Bangladesh về tiêm chủng cho trẻ em
Các tổ chức của Liên hợp quốc, hợp tác với một liên minh vaccine, đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ chính phủ Bangladesh trong việc bảo vệ mọi trẻ em khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI) của Bangladesh đã đạt được những tiến bộ đáng kể song vẫn cần phải đầu tư cải thiện an ninh y tế. (Nguồn: UNICEF)
Hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng thế giới 2025 (từ ngày 24-30/4), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vaccine (GAVI) đã kêu gọi chính phủ Bangladesh tăng cường chương trình tiêm chủng quốc gia bằng cách tái khẳng định cam kết trong việc đảm bảo đủ nguồn nhân lực và ngân sách, cũng như chuỗi cung ứng vaccine và mở rộng quy mô tiêm chủng HPV.
Theo một tuyên bố chung, các tổ chức trên cho biết, tất cả các biện pháp này sẽ tạo ra một môi trường hướng tới đạt được tỷ lệ tiêm hơn 95% trên toàn quốc, không bỏ lại bất kỳ trẻ em nào.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (EPI) của quốc gia Nam Á này đã đạt được tiến triển đáng kể, song hiện vẫn còn khoảng 400.000 trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và 70.000 trẻ (1,5%) chưa được tiêm vaccine nào.
Đại diện UNICEF OiC tại Bangladesh Stanley Gwavuya nhấn mạnh, "việc tiếp cận mọi trẻ em và phụ nữ, đặc biệt là ở những khu vực khó tiếp cận và nghèo đô thị, đòi hỏi phải cấp bách hơn, nỗ lực hơn và đầu tư nhiều hơn".
Kỷ niệm Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, Đại diện WHO tại Bangladesh Ahmed Jamshed Mohamed nhấn mạnh, "chúng tôi tái khẳng định cam kết thúc đẩy, cung cấp và bảo vệ sức khỏe thông qua sức mạnh của vaccine - một trong những công cụ y tế công cộng hiệu quả và cứu sống nhất".
Cũng theo ông Ahmed Jamshed Mohamed, WHO tự hào sát cánh cùng chính phủ Bangladesh và các đối tác để đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng và tương lai khỏe mạnh hơn, kiên cường hơn cho mọi trẻ em.
Trong khi đó, người đứng đầu khu vực của Gavi, ông Sam Muller kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào tiêm chủng để cải thiện an ninh y tế và bảo vệ người dân khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine tại Bangladesh và các nước Đông Nam Á.