Bảo vệ thành quả phòng chống sốt rét sau 50 năm thống nhất đất nước
Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam mở rộng công cuộc thanh toán bệnh sốt rét trên phạm vi cả 2 miền Nam Bắc trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh. Trải qua nhiều giai đoạn với những nỗ lực của ngành Y tế, dịch dần được loại trừ ở các địa phương và Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ bệnh vào năm 2030.
Từng bước loại trừ bệnh
Tại Lễ mít tinh Ngày phòng chống sốt rét năm 2025, Bộ Y tế tự tin đưa ra mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 với những con số ấn tượng về phòng chống dịch… Thời gian gần đây, số ca mắc sốt rét ghi nhận tại Viện Sốt rét – Côn trùng – Ký sinh trùng Trung ương chỉ rải rác, chủ yếu là các ca sốt rét ngoại lai là người đi lao động từ châu Phi và các vùng có dịch về.
Hiện nay, ít ai còn nghe nói đến bệnh sốt rét, dù đã từng suốt một thời gian dài, dịch bệnh hoành hành làm mất đi bao sinh mạng. Đây là thành quả của sự nỗ lực trong nhiều năm qua của ngành Y tế; từng bước ngăn chặn dịch, giảm dần ca bệnh và loại trừ dần bệnh từ sau khi hòa bình lập lại.
Nhìn lại cuộc chiến với bệnh sốt rét từ trong chiến tranh và sau năm1975 đến nay, công tác phòng chống dịch đã trải qua nhiều giai đoạn với những chiến lược thay đổi phù hợp.

Cán bộ điều tra, phòng chống sốt rét tại Đồng Xoài năm 1978. Ảnh tư liệu: Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minh
Sau khi đất nước thống nhất, trước tình hình bệnh sốt rét trên cả nước phức tạp, cả miền Bắc và miền Nam cùng bắt tay vào cuộc chiến mới với dịch bệnh nguy hiểm. Chiến lược thanh toán sốt rét được triển khai ở phạm vi toàn quốc với quy mô rộng lớn. Tuy nhiên, công tác này đã gặp phải nhiều khó khăn do thời điểm này, sự di chuyển của người dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới trong vùng sốt rét lưu hành nặng; người dân đi rừng, ngủ rẫy, đào đãi vàng, tìm trầm, rà kiếm phế liệu chiến tranh, khai thác lâm thổ sản ở rừng núi… bị nhiễm bệnh nhiều...
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minhrét, thời điểm sau giải phóng, hàng loạt vụ dịch sốt rét đã xảy ra trên cả nước, tỷ lệ bệnh nhân sốt rét chiếm tới 60-70% tổng số các bệnh. Lúc này, mục tiêu thanh toán sốt rét trong cả nước là làm giảm nhanh tình hình sốt rét nghiêm trọng ở miền Nam; ra sức bảo vệ những thành quả phòng chống sốt rét đạt được ở miền Bắc.
Trước thực tế đó, từ năm 1977, Việt Nam đã chuyển chiến lược tiêu diệt sốt rét sang chiến lược thanh toán sốt rét không hạn định. Chính phủ ra chỉ thị “đến năm 1980 phải thanh toán cơ bản bệnh sốt rét trong cả nước", nhanh chóng xây dựng và củng cố lực lượng chuyên môn làm công tác chống sốt rét... Đặc biệt, các tỉnh phía Nam nhanh chóng xây dựng lực lượng chuyên khoa triển khai kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, dịch vẫn chưa được kiểm soát. Đặc biệt, năm 1991, bệnh sốt rét bùng phát mạnh khắp cả nước, với hàng triệu người mắc bệnh, trong đó có gần 32.000 trường hợp sốt rét ác tính, khiến hàng nghìn người tử vong. Bộ Y tế đã thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét; chương trình y tế quốc gia ưu tiên, đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ bằng nhiều biện pháp, cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn việc tổ chức thực hiện; thuốc sốt rét được cung cấp ngày càng đầy đủ và nhiều loại có hiệu lực cao; các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh như phun tồn lưu, tẩm màn ngày càng có điều kiện mở rộng...
Nhờ sự quan tâm, đầu tư, dịch sốt rét đã được kiểm soát, giảm dần theo từng năm. Từ chỗ dịch phổ biến ở cả 2 miền đến nhiều năm liền không còn dịch xảy ra. Số bệnh nhân sốt rét từ con số hàng triệu người mắc đã chỉ còn ghi nhận rải rác.
Đánh giá về tình hình kiểm soát dịch sốt rét hiện nay, TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định: “Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, vai trò nòng cốt của ngành Y tế và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, Việt Nam đã khống chế được bệnh sốt rét, giảm số mắc, không còn ca tử vong. Việt Nam đã loại trừ được sốt rét tại 48 tỉnh, thành phố; các ca bệnh sốt rét chỉ còn tập trung chủ yếu tại một số ổ dịch nhỏ như: Huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), huyện Krongpa (tỉnh Gia Lai)... Riêng năm 2024, cả nước chỉ ghi nhận 353 bệnh nhân sốt rét, không có trường hợp tử vong. Việt Nam đang tự tin hướng tới loại trừ sốt rét vào năm 2030. Đây là mục tiêu lớn mà nhiều nước trên thế giới đang mong muốn”.
Khắc phục khó khăn để giữ vững thành quả
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, công tác phòng chống sốt rét đã có một quá trình lâu dài, bền bỉ; tiến hành bài bản các hoạt động, từ công tác giám sát, xét nghiệm, điều trị; đặc biệt là tiến hành các nghiên cứu sâu và sử dụng các thuốc đặc hiệu để loại trừ. Đồng thời, Việt Nam cũng đã huy động sự tham gia hết sức tích cực, chủ động của người dân vào công tác phòng chống sốt rét, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho chính mình, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy đã kiểm soát được dịch, nhưng để đạt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức cả khách quan và chủ quan. Việc chẩn đoán xét nghiệm ở tuyến cơ sở hiện gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi hoặc có thiết bị, nhưng các kỹ thuật viên lâu ngày không nhìn thấy ký sinh trùng sốt rét, kỹ năng phát hiện bị giảm dần.
Điều kiện thực tế Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi, nên véc tơ gây bệnh phát triển, khó kiểm soát, khó tiêu diệt véc tơ, nhất là trong rừng, rẫy, trong khi vẫn còn trên 6 triệu dân sống trong vùng sốt rét lưu hành.
Đặc biệt, thời gian gần đây, các ca sốt rét ngoại lai đang có xu hướng tăng. Trong khi việc quản lý dân di biến động dân cư phức tạp, ngành Y tế không thể đảm đương được, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể. Nhân lực trong phòng chống sốt rét bị cắt giảm, kinh phí cắt giảm, các tổ chức quốc tế cũng giảm dần kinh phí khi dịch giảm; dẫn đến khoảng trống thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc tơ và giám sát ca bệnh…
Về nhiệm vụ hiện nay, theo TS. Hoàng Đình Cảnh, bên cạnh việc điều trị kịp thời, dứt điểm các ca bệnh tại các khu vực dịch còn lưu hành; cần phải chủ động phòng chống sốt rét quay trở lại tại các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là các ca bệnh sốt rét ngoại lai đến từ châu Phi và các nước có dịch bệnh sốt rét đang lưu hành.
Cần tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, để mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ phòng, chống và điều trị sốt rét chất lượng; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến và các mô hình đổi mới sáng tạo trong phòng, chống và loại trừ sốt rét như: Sử dụng test nhanh có độ nhạy cao, phát hiện nhiều loại ký sinh trùng sốt rét; điều trị mở rộng cho nhóm có nguy cơ cao; tăng cường hợp tác phòng, chống sốt rét biên giới; giám sát và xét nghiệm sàng lọc cho người dân trở về từ các vùng lưu hành bệnh.
Đặc biệt, vai trò phòng bệnh của cộng đồng quan trọng. Trước hết, cộng đồng phải chủ động thực hiện các biện pháp như: Tránh muỗi đốt, nằm màn và sử dụng các dụng vụ diệt muỗi, xua muỗi tránh bị đốt; người dân, nhất là người ở khu vực có dịch sốt rét cần phải đến các cơ sở y tế định kỳ xét nghiệm.
“Để Việt Nam loại bỏ bệnh sốt rét vào năm 2030, ến năm 2027, toàn quốc phải đạt điều kiện không còn trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét nội địa và Việt Nam đang có cơ hội tốt để loại trừ sốt rét”, TS. Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh.