Nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam

Yếu tố quan trọng nhất được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn để quyết định đầu tư là cơ hội kinh doanh.

Sản xuất là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất (37%) trong các khoản đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Sản xuất là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất (37%) trong các khoản đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 4,33 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, đăng ký tăng thêm và góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1/2025 có gần 600 triệu USD đầu tư từ Nhật Bản với 48 dự án. Số vốn đầu tư lớn vượt bậc so với cùng kỳ năm trước, Nhật Bản đã đứng thứ 3 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản là nhà đầu tư lớn và truyền thống của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tính đến nay, đã có hơn 5.500 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Các dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ lệ lớn nhất (37%) trong các khoản đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Năm 2025, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam dự báo tiếp tục gia tăng khi các doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam. Kết quả “Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024” với sự tham gia của 5.007 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương cho thấy, tại Việt Nam, có 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, đứng đầu khu vực ASEAN. Ngoài ra, 50,4% doanh nghiệp nhận định triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2025 cải thiện hơn so với năm 2024.

Là một trong những nhà đầu tư lớn của Nhật Bản tại Việt Nam, những năm gần đây, AEON Việt Nam liên tục mở rộng và đa dạng mô hình kinh doanh để khai thác tốt hơn thị trường bán lẻ trong nước nhiều tiềm năng phát triển. Với tốc độ tăng trưởng tốt, lãnh đạo AEON từng nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường trọng điểm lớn thứ 2 của tập đoàn, chỉ sau Nhật Bản. Vì vậy, năm 2025, AEON Việt Nam tiếp tục mở rộng mô hình bán lẻ, dự kiến tuyển thêm gần 5.000 nhân sự đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản tại Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng sản xuất thông minh để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu.

Đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, ông Takeo Nakajima - nguyên Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết: tại khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số những điểm đến đầu tư cạnh tranh nhất với lợi thế chính trị ổn định và tiềm năng phát triển. Với các doanh nghiệp, khi lựa chọn và quyết định đầu tư sẽ căn cứ trên một số yếu tố như cơ hội kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng, ưu tiên và ưu đãi đầu tư. Trong đó, cơ hội kinh doanh được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất.

Tuy niềm tin kinh doanh ở thị trường Việt Nam vẫn được củng cố song các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn Việt Nam cần cải thiện tốt hơn nữa nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, chính sách thuế, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính…

Trong đó, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà cho doanh nghiệp bao gồm phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư… Một số thủ tục liên quan đến nhập khẩu giấy phép kinh doanh và thuế cần tiếp tục cải cách theo hướng minh bạch hơn.

Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nha-dau-tu-nhat-ban-tiep-tuc-dat-niem-tin-vao-thi-truong-viet-nam.html
Zalo