Gặp mặt, giao lưu '50 năm toàn thắng về ta': Ký ức hào hùng, vẹn nghĩa tri ân
Chương trình gặp mặt, giao lưu đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chủ đề '50 năm - Toàn thắng về ta' đã diễn ra trong không khí xúc động, hào hùng, vẹn nghĩa tri ân. Chương trình do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, nhà đồng hành tổ chức sáng 16-4, tại Hội trường Thống Nhất của Di tích quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập - nơi ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng 50 năm trước toàn thắng về ta.
Sống lại lịch sử hào hùng
Trong những ngày tháng Tư rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, các cựu chiến binh - những người đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hội ngộ về Hội trường Thống Nhất trong niềm xúc động, tự hào. Trong không gian ấm cúng ấy, chúng tôi chứng kiến những cái ôm thắm thiết, những cái bắt tay siết chặt, cùng nụ cười hạnh phúc của các đồng đội lâu ngày mới được hội ngộ.
Xúc động trong ngày gặp mặt, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu, 97 tuổi, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H63, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ trẻ rằng: “Để cắm được lá cờ trên Dinh Độc Lập và để chúng ta được vinh dự đứng tại nơi đây, biết bao chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh. Trong niềm vui chiến thắng, chúng ta phải trân trọng, khắc ghi những mất mát, hy sinh đó”.

Các đại biểu trò chuyện bên lề chương trình.
Ngược dòng thời gian 50 năm trước, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, khi đồng chí Bùi Quang Thận cắm lá cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập, dân tộc ta phải trải qua cuộc trường chinh đúng 30 năm. Để có được hòa bình, độc lập, thống nhất non sông, biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, chiến đấu kiên cường, lập nên những chiến công oanh liệt.
Kể lại những năm tháng hào hùng ấy, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng không giấu nổi niềm tự hào. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12). Đêm 29-4-1975, khi hành quân đến khu vực cách Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) khoảng 10km, nhờ sự giúp đỡ tận tình của một bà má miền Nam, sáng 30-4-1975, ông đã chỉ huy đơn vị tiến công mục tiêu nhanh chóng, chiếm được Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy và 13 căn cứ lục quân công xưởng; sau đó, bắt liên lạc với các đơn vị bạn để đánh tiếp mục tiêu trong nội thành Sài Gòn, giành thắng lợi hoàn toàn. “Chúng tôi đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tự hào khẳng định.
Trưởng thành từ người chiến sĩ tham gia giải phóng miền Nam, rồi trở thành nhà giáo, nhà khoa học quân sự, Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng chia sẻ: “Kinh nghiệm chiến đấu và thực tiễn chiến trường giúp tôi viết tài liệu, giáo án sâu sắc hơn, lý luận gắn liền với thực tiễn. Tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ rằng, kinh nghiệm máu xương vô cùng quý giá! Các cán bộ, chiến sĩ hôm nay hãy trân trọng và tiếp tục tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để không ngừng tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ về ngày tháng tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các nhân chứng là thành viên của kíp xe tăng số hiệu 390 kể lại thời khắc tiến vào Dinh Độc Lập nửa thế kỷ trước.
Phần giao lưu, chia sẻ của 3 nhân chứng là thành viên của kíp xe tăng số hiệu 390 húc cổng Dinh Độc Lập nửa thế kỷ trước mang lại không khí hào hùng cho chương trình. Từng phần chia sẻ dù ngắn gọn nhưng hùng tráng đã nhận được những tràng vỗ tay lớn như những lời tri ân của cán bộ, chiến sĩ, sinh viên. Đó là 3 nhân chứng lịch sử: Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, lái xe Nguyễn Văn Tập và pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên.
Nhớ lại thời khắc chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, đồng chí Vũ Đăng Toàn kể: “Quá trình tiến công vào Dinh Độc Lập, xe tăng 390 do tôi chỉ huy tiếp cận cổng dinh ngay sau xe tăng do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy. Nhưng lúc đó, xe đồng chí Thận dừng lại ở cổng. Thấy vậy, đồng chí Tập, lái xe, hỏi tôi giờ tính sao? Tôi liền nói: “Chú cứ đâm thẳng vào cổng Dinh”. Vậy là, chiếc xe tăng 390 lao lên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập tiến thẳng vào trong. Đồng chí Thận từ xe phía sau, cầm cờ chạy lên cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Còn tôi cầm súng AK hỗ trợ bảo vệ đồng chí Thận”.
Trước khi diễn ra chương trình giao lưu, các thành viên kíp xe đã tham quan “bản sao” xe tăng 390 được trưng bày ngay tại địa điểm diễn ra chương trình. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tập bày tỏ: “Để xe chúng tôi đến được Dinh Độc Lập, biết bao người đã anh dũng hy sinh. Nay gặp lại chiếc xe mà mình từng lái, dù không phải là chiếc xe nguyên gốc, tôi vẫn rất xúc động, vui mừng bởi cùng với nó, chúng tôi đã làm nên lịch sử”.

Cán bộ, chiến sĩ chăm chú lắng nghe các nhân chứng kể chuyện, giao lưu.
50 đại biểu dự họp mặt, giao lưu tại chương trình mang ý nghĩa như một biểu tượng tinh thần, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước; là nguồn sức mạnh động viên, tiếp lửa truyền thống vẻ vang cho thế hệ trẻ tự tin, vững bước vươn lên, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hơn hết, mỗi tấm gương của anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ… là một biểu tượng, một khúc ca tự hào trong bản anh hùng ca vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Phấn khởi, tự hào chào đón những vị khách quý, những nhân chứng lịch sử “bằng xương bằng thịt”, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT, sinh viên TP Hồ Chí Minh trào dâng niềm xúc động. Từng người không chỉ chăm chú lắng nghe trọn vẹn câu chuyện, lời kể của đại biểu giao lưu trên sân khấu mà còn ân cần dìu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh tuổi cao, sức yếu, quây quần nghe các nhân chứng lịch sử kể chuyện bên lề chương trình.


Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại chương trình.
Tri ân và tiếp bước
Đất nước thống nhất đã 50 năm, nhưng những vết thương chiến tranh vẫn còn âm ỉ. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ để bù đắp phần nào những khổ đau, mất mát của các gia đình luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội ta quan tâm. Một trong những tấm gương tận tâm, tận lực, nhiệt huyết hỗ trợ đồng đội, chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ những năm qua là Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện là cố vấn của Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Theo lời kể của ông, tuổi thơ và trong thời gian tham gia quân ngũ, ông chứng kiến rất nhiều nỗi đau mất mát, hy sinh. Những khoảnh khắc đó khiến ông đau buồn, trăn trở. Bởi vậy, khi nghỉ hưu ông dành hết thời gian, tâm huyết tham gia hoạt động tìm kiếm hài cốt đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công. Ông coi đó là sự tri ân thiết thực!

Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng hoa, quà tri ân các đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức chương trình tặng hoa, quà tri ân các đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân.

Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập Báo QĐND tặng hoa, quà tri ân các đại biểu.
Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Báo QĐND và các đơn vị đồng hành vô cùng tự hào và trào dâng xúc động được gặp mặt 50 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng, dũng sĩ, các cựu chiến binh toàn quốc tại Hội trường Thống Nhất của di tích Quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập để tổ chức chương trình “50 năm - Toàn thắng về ta”. Phát biểu tại chương trình, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức chương trình nhấn mạnh: “Để đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay là nhờ hun đúc của lịch sử mấy nghìn năm, là nhờ võ công hiển hách, văn nghiệp sáng ngời của tiền nhân, đặc biệt là nhờ có sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ, của các anh hùng, dũng sĩ, cựu chiến binh trong thời đại ngày nay”.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ chia sẻ: Lịch sử đang là một dòng chảy liên tục và lịch sử đang được tiếp nối trọn vẹn và đẹp đẽ. Máu xương, công sức của cha anh đã đổ vì ngày Toàn thắng đang được kết tinh thành sức mạnh Việt Nam!… Các đơn vị đồng hành cùng báo QĐND có mặt hôm nay chính là những chiến sĩ tiên phong trên trận tuyến mới viết tiếp những chiến công mới trong thời đại mới, hiện thực hóa giấc mơ ngàn đời là no ấm, văn minh, để ngày Toàn thắng 50 năm trước có thêm nhiều ý nghĩa.

Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, ban tổ chức chương trình chụp ảnh cùng các đại biểu.
Phát biểu chỉ đạo chương trình, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh: Ngày 30-4-1975 đã ghi vào lịch sử dân tộc mốc son chói lọi. Đó là ngày toàn dân tộc tưng bừng trong niềm vui chiến thắng, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc non sông liền một dải, chấm dứt những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, mất mát, hy sinh và nỗi đau non sông chia cắt. Đó là ngày mà các thế hệ cha anh - những người lính Bộ đội Cụ Hồ, trong đó có các anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh đang có mặt ở đây, đã khẳng định trước toàn thế giới rằng, ý chí quật cường, lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất non sông là bất diệt, không một thế lực nào có thể khuất phục.
Tinh thần ấy, ý chí ấy, khát vọng ấy… mãi là bầu nhiệt huyết sục sôi, kết thành niềm tự hào, niềm tin son sắt, động lực tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời đại mới.
Bài, ảnh: CƯỜNG THÀNH KHOA
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.