Nước ép cần tây có tác dụng phụ không?
Nước ép cần tây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm cân, giúp da khỏe mạnh... Tuy nhiên, nước ép cần tây cũng có một số tác dụng phụ, người dùng cần biết để phòng tránh.
Theo Đông y, cần tây có vị cam khổ (ngọt đắng), tính lương (mát); vào 2 kinh vị và can; có tác dụng bình can thanh nhiệt (mát gan), tỉnh não kiện thần (cải thiện thần kinh), nhuận phế chỉ khái (mát phổi cầm ho), khu phong lợi thấp (trừ phong thấp), chỉ huyết (cầm máu), giải độc.
Cần tây có thể dùng trị cao huyết áp, kèm theo các chứng trạng chóng mặt hoa mắt đau đầu, mặt hồng mắt đỏ; xơ cứng mạch máu, thần kinh suy nhược, kinh nguyệt không đều... Chính vì những lợi ích này, cần tây được sử dụng với nhiều cách khác nhau.
Cần tây cũng có thể được dùng dưới dạng nước ép để bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng loại nước này cần cảnh giác các tác dụng phụ có thể gặp phải khi uống hàng ngày.
1. Những tác dụng phụ của nước ép cần tây
Phản ứng dị ứng
Khi sử dụng nước ép cần tây có thể xuất hiện phản ứng dị ứng như ngứa, sưng hoặc khó thở. Một nghiên cứu do Ủy ban Khoa học về Thực phẩm tại Ấn Độ thực hiện cho biết, ngay cả khi cần tây được đun sôi trước khi sử dụng vẫn có thể dẫn đến nhiều phản ứng dị ứng.

Nước ép cần tây có thể gây phản ứng dị ứng nên khi dùng cần cảnh giác.
Các vấn đề về tiêu hóa
Một trong những tác dụng phụ của nước ép cần tây là có thể gây khó chịu về tiêu hóa với các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy. Nguyên nhân do tinh bột có trong cần tây có thể lên men ruột và dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Điều này đặc biệt đúng đối với những người đã có dạ dày nhạy cảm.
Nhạy cảm với da
Theo Tạp chí Da liễu Quốc tế, một trong những tác dụng phụ của nước ép cần tây là làm da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời như cháy nắng, phát ban... Nguyên nhân là do trong cần tây có chứa psoralens, chất nhạy cảm với ánh sáng.
Các vấn đề về thận
Cần tây chứa oxalat và điều này dẫn đến sự hình thành sỏi thận. Hơn nữa, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Hoa Kỳ, nước ép giàu oxalat còn có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn tại thận như suy thận.
Ít chất xơ
Rau và trái cây thường được biết đến với hàm lượng chất xơ cao. Tuy nhiên, nước ép cần tây lại có rất ít chất xơ.
Khi tiêu thụ đồ uống và thức ăn ít chất xơ sẽ khiến cơ thể tiêu hóa nhanh chóng nên dẫn đến cảm giác đói thường xuyên. Điều này thực sự có thể khiến bạn ăn nhiều hơn.
Mặc dù nước ép cần tây có thể giúp giảm cân, nhưng do hàm lượng chất xơ thấp, những người không thể kiểm soát cơn thèm ăn có thể gặp khó khăn và cần biện pháp dự phòng lành mạnh.
2. Nên tiêu thụ bao nhiêu nước ép cần tây mỗi ngày?
Lượng nước ép cần tây được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày thay đổi tùy thuộc vào khả năng và mục tiêu sức khỏe của từng cá nhân.
Tuy nhiên, theo ThS. Archana, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Ấn Độ, bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ, chẳng hạn như 100- 200ml mỗi ngày và tăng dần khi cơ thể dung nạp được. Để đảm bảo an toàn và tránh tác dụng phụ của nước ép cần tây, bạn không nên uống quá nhiều.
3. Những lưu ý khi làm nước ép cần tây
Bạn cần lưu ý những điểm sau khi làm nước ép cần tây:
- Nếu có thể, hãy sử dụng cần tây hữu cơ để tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu và các tác dụng phụ tiềm ẩn của nước ép cần tây.
- Rửa sạch cần tây trước khi ép để loại bỏ bụi bẩn hoặc chất gây ô nhiễm.
- Loại bỏ bất kỳ lá hoặc phần hỏng nào của cần tây trước khi ép.
- Uống nước ép ngay hoặc bảo quản trong hộp kín trong tủ lạnh để giữ được độ tươi.
- Cân nhắc thêm các loại trái cây hoặc rau củ khác vào nước ép để tăng thêm hương vị và chất dinh dưỡng, nếu muốn.
- Vệ sinh máy ép trái cây hoặc máy xay sinh tố thật kỹ sau khi sử dụng để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
Mời bạn xem tiếp video:
7 lý do bạn nên ăn cần tây mỗi ngày | SKĐS