Gặp lại khắc tinh B-52 trong trận 'Điện Biên Phủ trên không'

Đại tá Nguyễn Đình Kiên được biết đến như 'khắc tinh' của máy bay Mỹ B-52 trong chiến dịch 'Điện Biên Phủ trên không' nhờ một thành tích 'vô tiền khoáng hậu'. Nhưng với ông, đó đơn giản như một kỷ niệm đẹp thời chiến chứng tỏ sự thông minh, sắc bén và bản lĩnh của bộ đội Việt Nam trước kẻ thù có sức mạnh áp đảo.

Thành tích “độc nhất vô nhị”

Trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 của quân dân ta trước đế quốc Mỹ, binh chủng tên lửa phòng không là lực lượng đóng vai trò then chốt với thành tích bắn rơi 30 máy bay B-52 (trên tổng số 34 chiếc bị bắn hạ), trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.

Một trong những cái tên đi vào lịch sử của binh chủng là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Đình Kiên - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361 Phòng không.

Ông Kiên từng là sĩ quan tên lửa thuộc Tiểu đoàn Phòng không 57, đã cùng đồng đội bắn rơi 4 chiếc B-52. Trong đó có thành tích bắn rơi liên tiếp 2 máy bay B-52 trong 10 phút chỉ với 2 quả tên lửa.

Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhớ lại, trong 12 ngày đêm ác liệt trên bầu trời Hà Nội, bộ đội tên lửa vừa hỗ trợ lực lượng không quân vào ban ngày, vừa thực hiện nhiệm vụ chủ chốt là tiêu diệt B-52 vào ban đêm.

Trước đó, ông Kiên và đồng đội chưa từng giáp mặt với “pháo đài bay”, và chỉ có 2 tháng tập huấn cách đánh B-52 trước khi chiến dịch Linebacker II của Mỹ bắt đầu.

“Rất khó bắn rơi B-52 vì chúng luôn được bảo vệ bởi rất nhiều máy bay tiêm kích xung quanh. Các loại nhiễu phát ra từ đội hình này làm màn hình radar trắng xóa, mờ tịt, hoàn toàn không thể quan sát. Tuy nhiên, giữa một “rừng” nhiễu, bộ đội tên lửa chúng tôi vẫn phát hiện được B-52 bởi dải nhiễu dày đặc, có độ ổn định cao hơn những loại máy bay khác”, ông Kiên nói.

Rồi ông nhớ lại trận đánh vẻ vang nhất binh nghiệp diễn ra vào rạng sáng 21/12/1972 tại xã Đại Đồng (Đông Anh, Hà Nội) - nơi Tiểu đoàn 57 đóng quân. Thông thường, một tiểu đoàn tên lửa sở hữu 12 tên lửa, trong đó 6 quả đặt trực tiếp tại bệ phóng, 6 quả nằm ở tuyến hai.

Tuy nhiên, sau khi đã tiêu diệt một chiếc B-52 vào ngày 19/12/1972, Tiểu đoàn 57 chỉ còn đúng 4 quả tên lửa trong sáng hôm ấy.

Khoảng 5h sáng, những tốp B-52 bắt đầu tiến vào Hà Nội. Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn phóng 2 quả tên lửa đầu tiên nhưng một quả bay trượt mục tiêu, quả còn lại không rời bệ phóng dù trắc thủ đã nhấn nút. Không lâu sau, tốp B-52 tiếp theo xuất hiện. Màn hình radar lại trắng xóa, mờ tịt.

Chỉ còn lại 2 quả tên lửa, nhưng ông Kiên quyết không để Tiểu đoàn ra về tay trắng. Sau khi phát hiện và bám sát dải nhiễu đặc biệt của B-52, đúng 5 giờ 9 phút, ông Kiên nhấn nút phóng tên lửa theo lệnh tiểu đoàn trưởng. Chờ tên lửa bay đến cự ly 19km, ông nhấn nút mở ngòi nổ.

Khi bay đến cự ly 21km, tên lửa mất tín hiệu. Ông Kiên nín thở, chờ kết quả. “Trúng rồi!”, một trắc thủ reo lên. Cả Tiểu đoàn thở phào nhẹ nhõm, vỗ tay rần rần. Trận đánh tốt nhưng chưa hoàn hảo vì tên lửa chỉ làm trọng thương chiếc B-52. Nó vẫn kịp bay khỏi không phận nước ta để hạ cánh khẩn cấp ở Thái Lan.

Chưa kịp ăn mừng, ông Kiên và đồng đội lại nghênh chiến một tốp B-52 nữa ở cự ly gần hơn. Đây là tốp cuối cùng trong đợt oanh tạc này. Ông Kiên cùng các trắc thủ theo dõi kỹ càng sự thay đổi của góc tà, phương vị và độ cao của B-52 để ước lượng cự ly giữa máy bay và trận địa.

Khi thời điểm đã chín muồi, theo lệnh tiểu đoàn trưởng, ông nhấn nút phóng quả tên lửa cuối cùng. Cả Tiểu đoàn nín thở. Một lúc sau, dải nhiễu của B52 trên màn hình radar chợt biến mất.

“Trúng nữa rồi! Lần này rơi tại chỗ!”, “Cháy rồi, cháy to lắm!”, cả Tiểu đoàn reo lên sung sướng. Khi ấy là 5 giờ 19 phút - tức chỉ 10 phút sau chiến công đầu tiên trong ngày của Tiểu đoàn 57. Vài tiếng sau, xác chiếc B-52 thứ hai được tìm thấy tại khu vực Núi Đôi (Sóc Sơn, Hà Nội).

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên

“Một trong những thao tác khó nhất là mở ngòi nổ tên lửa đúng thời điểm sau khi phóng. Để bảo vệ B-52, địch sử dụng nhiều loại nhiễu, trong đó có nhiễu tiêu cực - tức hàng triệu sợi kim loại màu trắng bạc, cực mỏng, nhẹ như tơ do tiêm kích F4 và B-52 thả ra. Chúng vừa chắn sóng radar, vừa đánh lạc hướng tên lửa. Nếu mở ngòi nổ sớm, tên lửa sẽ phát nổ khi gặp đám nhiễu này. Nếu mở muộn thì B-52 bay qua mất rồi. Vì vậy, thời điểm nhấn nút mở ngòi nổ phải tuyệt đối chính xác thì mới diệt được B-52”

Đại tá Nguyễn Đình Kiên

Thông thường, mỗi lần chiến đấu với “pháo đài bay”, bộ đội tên lửa phải phóng ít nhất 3 quả tên lửa trong cùng thời điểm vì xác suất bắn trúng rất thấp. Vì vậy, bắn hạ liên tiếp 2 chiếc B-52 chỉ trong 10 phút bằng 2 quả tên lửa là thành tích có một không hai, thể hiện khả năng phán đoán nhạy bén, bản lĩnh kiên cường ở những thời điểm quyết định và độ chính xác gần như tuyệt đối.

Đến nay, Việt Nam vẫn là nước duy nhất từng bắn hạ máy bay B-52 trên thế giới, và chưa có ai làm được điều tương tự như ông Kiên và đồng đội.

Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai

Với Đại tá Nguyễn Đình Kiên, trận đánh năm ấy chỉ là một trong nhiều chiến thắng vẻ vang của bộ đội tên lửa Việt Nam trước không quân Mỹ. Địch đã thua vì phạm phải sai lầm chí tử: coi thường sức mạnh của lưới lửa phòng không tại miền Bắc.

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên chụp ảnh lưu niệm cùng ông Kim Morey - cựu phi công B-52 từng tham gia chiến dịch Linebacker II

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên chụp ảnh lưu niệm cùng ông Kim Morey - cựu phi công B-52 từng tham gia chiến dịch Linebacker II

“Trước chiến dịch Linebacker II của Mỹ, bộ đội tên lửa đã bắn rơi B-52 nhưng không có chiếc nào rơi tại chỗ. Điều này khiến Mỹ coi thường sức mạnh của bộ đội tên lửa Việt Nam. Mãi đến ngày 28/12/1972, tức 2 ngày trước khi kết thúc chiến dịch, họ mới tăng cường oanh tạc các trận địa tên lửa của ta, nhưng không kịp nữa rồi”, ông Kiên chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhận định, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững môi trường hòa bình, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa và xây dựng một nền quốc phòng vững chắc, có lực lượng tinh nhuệ và vũ khí hiện đại. Trách nhiệm này sẽ được đặt lên vai thế hệ thanh niên.

“Để bảo vệ nền hòa bình và giúp đất nước phát triển, tôi nghĩ người trẻ hiện nay cần phải nắm vững kiến thức về khoa học, công nghệ và các công cụ liên quan, đặc biệt là những thanh niên chọn đi theo con đường binh nghiệp. Muốn sở hữu và sử dụng khí tài quân sự hiện đại, cần phải học cách làm chủ khoa học công nghệ trước”, ông Kiên nhận định.

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên (phải) và Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát tại một buổi giao lưu, trò chuyện về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: Thành Đạt

Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên (phải) và Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát tại một buổi giao lưu, trò chuyện về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: Thành Đạt

Gần đây, trong một sự kiện gặp mặt, hòa giải giữa các cựu phi công, sĩ quan tên lửa Việt Nam với cựu phi công Mỹ, ông Kiên lần đầu gặp một phi công lái B-52 trong Chiến dịch Linebacker II năm xưa.

Họ cùng nhau trò chuyện, hồi tưởng câu chuyện năm xưa, giải đáp thắc mắc và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu… Không còn mối hận thù, hiềm khích nào, chỉ có sự quý mến, tôn trọng lẫn nhau. Từng đứng ở hai đầu chiến tuyến, nay họ trở thành bạn bè.

“Những sự kiện gặp gỡ này không vì cá nhân chúng tôi, mà hướng đến sự hòa giải giữa hai dân tộc để mở ra những cơ hội hợp tác, phát triển về kinh tế, quân sự… Tôi luôn ủng hộ việc gác lại quá khứ để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho cả hai dân tộc”, ông Kiên nói.

[ VIỆT KHÔI ]

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gap-lai-khac-tinh-b-52-trong-tran-dien-bien-phu-tren-khong-post1738030.tpo
Zalo