Lý do đẩy Ấn Độ và Pakistan đến bờ vực xung đột toàn diện

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang và lịch sử đối đầu sâu sắc, Ấn Độ và Pakistan đang thực sự đứng bên bờ vực của một cuộc xung đột nguy hiểm. Sự kiềm chế, các nỗ lực ngoại giao và áp lực từ cộng đồng quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn một thảm kịch có thể gây ra hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới.

Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN

Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ tuần tra dọc đường Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: ANI/TTXVN

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột giữa hai quốc gia Nam Á có vũ khí hạt nhân sau một cuộc tấn công vào khách du lịch ở Kashmir khiến 26 người thiệt mạng, hầu hết là công dân Ấn Độ, theo AP ngày 1/5. Ấn Độ cáo buộc Pakistan về vụ tấn công, nhưng Pakistan đã phủ nhận mọi sự liên quan.

Đài phát thanh châu Âu tự do (rferl.org) cũng cho rằng với lịch sử đối đầu quân sự dai dẳng, một khu vực tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ và cáo buộc về sự hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới, nguy cơ bùng nổ xung đột toàn diện đang hiện hữu hơn bao giờ hết.

Hiện hai nước đã hạ cấp quan hệ ngoại giao, đe dọa đình chỉ các hiệp ước quan trọng và trục xuất công dân của nhau. Đây là sự đổ vỡ lớn nhất trong quan hệ kể từ năm 2019, khi một vụ đánh bom xe liều chết khiến 40 binh sĩ Ấn Độ ở Kashmir thiệt mạng.

Ấn Độ đã ám chỉ đến khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự sắp xảy ra nhưng có giới hạn. Pakistan cho biết họ sẽ đáp trả bằng quân sự.

Ngòi nổ từ vụ tấn công Pahalgam

Vụ tấn công tàn khốc gần thị trấn Pahalgam ở Kashmir đã trở thành ngòi nổ trực tiếp cho những căng thẳng hiện tại. New Delhi ngay lập tức cáo buộc Islamabad có liên quan, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể. Ấn Độ đã phán ứng ngay lập tức, với việc tiến hành các biện pháp trừng phạt ngoại giao và thương mại, bao gồm hạ cấp quan hệ, đóng cửa biên giới chính và thu hồi thị thực của công dân Pakistan. Islamabad cũng không chịu kém cạnh, thực hiện các biện pháp tương tự.

Một nhóm tự xưng là Mặt trận Kháng chiến đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ cho rằng đây chỉ là một tổ chức bình phong của Lashkar-e-Taiba, một nhóm có trụ sở tại Pakistan. Pakistan kiên quyết bác bỏ mọi liên quan và cáo buộc Ấn Độ thiếu bằng chứng xác thực. Hiện tại, một cuộc truy lùng đang được tiến hành đối với ba nghi phạm, bao gồm một công dân Ấn Độ và hai người Pakistan.

Kashmir: Điểm nóng dai dẳng

Kashmir, vùng lãnh thổ có đa số người Hồi giáo sinh sống, là tâm điểm của sự tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi Anh chia cắt tiểu lục địa Ấn Độ vào năm 1947. Theo Đài phát thanh châu Âu tự do, cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này và đã tiến hành ba cuộc chiến tranh lớn vì Kashmir. Trong nhiều thập kỷ, phiến quân vũ trang đã hoạt động mạnh mẽ tại đây, với sự ủng hộ của một bộ phận người dân Kashmir mong muốn thống nhất lãnh thổ dưới sự cai trị của Pakistan hoặc trở thành một quốc gia độc lập.

Ấn Độ luôn cáo buộc Pakistan kích động và hỗ trợ bạo lực ở Kashmir, một cáo buộc mà Islamabad kiên trì phủ nhận. Hàng chục nghìn dân thường, phiến quân và lực lượng chính phủ đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột kéo dài. Vụ tấn công lớn gần đây nhất trước vụ Pahalgam xảy ra vào năm 2019, khiến hàng chục nhân viên an ninh Ấn Độ thiệt mạng và dẫn đến một cuộc không chiến suýt trở thành chiến tranh toàn diện giữa hai nước.

Sau vụ tấn công Pahalgam, giới truyền thông Ấn Độ và các nhà lãnh đạo chính trị đã không loại trừ khả năng tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Pakistan. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không chỉ tiếp cận những kẻ đã thực hiện vụ việc này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp cận những kẻ ngồi sau hậu trường, đã âm mưu thực hiện những hành vi như vậy trên đất Ấn Độ". Thêm vào đó, Ấn Độ đã bắt đầu các cuộc tập trận không quân và hải quân quy mô lớn, làm dấy lên lo ngại về một động thái quân sự sắp xảy ra.

Nhà phân tích chính trị Ấn Độ C. Raja Mohan nhận định trên tờ Indian Express rằng Thủ tướng Narendra Modi có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "xem xét một số rủi ro lớn" do tính chất nghiêm trọng của vụ tấn công và sự phẫn nộ lan rộng trong cả nước. Trong khi đó, Himayat Ullah, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quaid-e Azam ở Islamabad, tin rằng cả New Delhi và Islamabad đều nhận thức được nguy cơ leo thang và sẽ cố gắng tránh "một cuộc chiến tranh toàn diện", nhưng Ấn Độ có thể thực hiện "một số hành động hạn chế" để xoa dịu dư luận.

Hiệp ước về nước sông Ấn – Ngòi nổ mới

Một động thái đáng lo ngại khác là việc Ấn Độ tuyên bố đình chỉ Hiệp ước về nguồn nước sông Ấn, một thỏa thuận kéo dài sáu thập kỷ về việc chia sẻ nguồn nước của hệ thống sông quan trọng giữa hai quốc gia. Pakistan đã cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của Ấn Độ nhằm ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng chảy sẽ bị coi là "hành động chiến tranh".

Hiệp ước Nước sông Ấn, được Ngân hàng Thế giới làm trung gian vào năm 1960, được Pakistan coi là "lợi ích quốc gia quan trọng", thiết yếu cho nông nghiệp và thủy điện của quốc gia 240 triệu dân này. Việc hiệp ước này có nguy cơ bị phá vỡ mang một ý nghĩa biểu tượng và chiến lược to lớn, đặc biệt khi nó đã tồn tại qua hai cuộc chiến tranh và một cuộc giao tranh biên giới lớn giữa hai nước.

Islamabad cũng cảnh báo có thể đình chỉ Hiệp định Simla, một hiệp ước hòa bình quan trọng được ký kết sau cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971, qua đó Đường kiểm soát (LOC) – đường biên giới thực tế chia cắt Kashmir – được thiết lập.

Với những căng thẳng trên, nhìn vào năng lực hạt nhân của 2 quốc gia và có thể dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai:

Cửa khẩu Attari-Wagah ở biên giới Ấn Độ - Pakistan. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cửa khẩu Attari-Wagah ở biên giới Ấn Độ - Pakistan. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cả hai đều có vũ khí hạt nhân, nhưng để răn đe

Theo AP, Ấn Độ và Pakistan đã xây dựng kho vũ khí hạt nhân trong nhiều năm qua. Nhưng mục đích của họ là ngăn chặn chiến tranh chứ không phải khơi mào chiến tranh.

Ấn Độ có chính sách "không sử dụng trước". Điều đó có nghĩa là họ sẽ chỉ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu có cuộc tấn công hạt nhân vào lực lượng Ấn Độ hoặc lãnh thổ Ấn Độ.

Pakistan có chính sách khác, chính sách răn đe toàn diện, nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và các cuộc tấn công quân sự thông thường từ đối thủ lớn hơn, mạnh hơn và giàu có hơn trong khu vực.

Pakistan không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu họ cảm thấy mối đe dọa hiện hữu. Nhưng Pakistan khó có thể khởi xướng chiến tranh hạt nhân với Ấn Độ vì hỏa lực vượt trội của nước láng giềng. Pakistan đã thua ba cuộc chiến tranh thông thường trong quá khứ.

Thay vào đó, Pakistan sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để ngăn chặn Ấn Độ xâm nhập hoặc tấn công quy mô lớn.

Không nước nào biết nước kia có vũ khí hạt nhân gì hoặc có bao nhiêu. Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1974. Pakistan tiến hành vụ thử đầu tiên vào năm 1988.

Các nhóm nghiên cứu cho rằng Pakistan có 170 đầu đạn trong khi Ấn Độ có 172 đầu đạn. Một số phân tích chỉ ra rằng Pakistan có thể có nhiều hơn, khoảng 200 đầu đạn.

Bất chấp nhiều thập kỷ thù địch và nghi ngờ, Ấn Độ và Pakistan đã ký kết một hiệp ước cấm họ tấn công các cơ sở hạt nhân của nhau.

Là một phần của Lệnh cấm tấn công các cơ sở và thiết bị hạt nhân, hai bên trao đổi danh sách các cơ sở và thiết bị hạt nhân của mình vào mỗi tháng 1. Họ đã trao đổi danh sách trong 34 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, không quốc gia nào là bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí.

Cả hai đều ưu tiên tấn công hạn chế vào các mục tiêu cụ thể

Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan đã chứng kiến các cuộc tấn công và trả đũa có chủ đích, leo thang từng bước trong khi vẫn tạo cho mỗi bên cơ hội lùi lại và xoa dịu. Các cuộc giao tranh biên giới là chuyện thường xảy ra.

Nhưng Ấn Độ đang chịu áp lực rất lớn trong nước để phản ứng lần này vì hầu hết các nạn nhân tuần trước là người Ấn Độ.

Năm 2019, sau vụ đánh bom xe liều chết, đã có một cuộc không kích từ Ấn Độ mà họ cho biết là nhắm vào một trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan. Sau đó, Pakistan cho biết đã bắn hạ hai máy bay chiến đấu của Ấn Độ ở Kashmir và bắt giữ một phi công. Phi công cuối cùng đã được thả và tình hình bắt đầu trở lại bình thường.

Nhưng sự việc này cho thấy Ấn Độ sẵn sàng xâm nhập không phận Pakistan và tiến hành không kích, đặt ra ngưỡng mới cho hành động trả đũa.

Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, hai bên vẫn chưa có động thái đáng kể nào. Pakistan đã báo cáo phát hiện máy bay chiến đấu của Ấn Độ trên không phận của mình và đã bắn hạ thiết bị bay không người lái do thám mà họ cho là của Ấn Độ.

Sự trả đũa từ cả hai quốc gia có khả năng sẽ diễn ra dọc theo Đường kiểm soát, biên giới trên thực tế chia cắt Kashmir, nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự hoặc các cơ sở của phiến quân. Chiến thuật này có nguy cơ tính toán sai lầm vì bất kỳ thương vong nào cũng có thể làm trầm trọng thêm tình hình trong nước.

Trên mặt trận ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri đã thông báo tình hình cho các phái viên từ 25 quốc gia, bao gồm các đối tác quan trọng của G20, các quốc gia vùng Vịnh và cả Trung Quốc. Động thái này được xem là nỗ lực của Ấn Độ nhằm xây dựng sự đồng thuận quốc tế trước khi đưa ra phản ứng của mình.

Giáo sư Khalid Sultan tại Đại học Islamabad nhận định nguy cơ leo thang là có thật và tình hình căng thẳng có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng "áp lực quốc tế" đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện trong quá khứ, và hoạt động ngoại giao tích cực của New Delhi có thể hướng tới một phản ứng hạn chế hơn.

Biên tập viên an ninh quốc gia Praveen Swami của tờ The Print (Ấn Độ) cho rằng phản ứng của New Delhi sẽ phụ thuộc vào bằng chứng mà họ có thể chia sẻ với các chính phủ khác và công chúng: "Nếu Ấn Độ tìm thấy bằng chứng về sự tham gia của Lashkar-e-Taiba, thì sẽ có một số phản ứng. Nhưng nếu không có điều đó, ngay cả một cuộc tấn công hoặc một cuộc chiến tranh hạn chế cũng khó có thể xảy ra".

Với các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, và một thế giới hỗn loạn về kinh tế, cộng đồng quốc tế không mấy mặn mà với một cuộc chiến tranh ở Nam Á.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông sẽ tiếp cận Ấn Độ và Pakistan và kêu gọi các chính phủ nước ngoài khác can thiệp và xoa dịu tình hình.

Các đồng minh giàu có của Pakistan ở vùng Vịnh đã bày tỏ mong muốn về sự ổn định và an ninh, trong khi Ấn Độ đã liên lạc với các thành viên G7 về cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc, nước đóng vai trò quan trọng nhất trong khu vực, đã thúc giục cả hai bên kiềm chế. Liên hợp quốc cũng kêu gọi Pakistan và Ấn Độ hạ nhiệt. Tóm lại, không ai muốn thêm một cuộc chiến nữa nổ ra.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-day-an-do-va-pakistan-den-bo-vuc-xung-dot-toan-dien-20250502084111214.htm
Zalo